Thứ 7, 23/11/2024, 00:50[GMT+7]

Tây Sơn: Nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP

Thứ 7, 03/12/2022 | 10:32:52
1,347 lượt xem
Tây Sơn (Kiến Xương) là xã có thế mạnh sản xuất lúa, nhất là lúa nếp truyền thống đã có thương hiệu từ hàng chục năm qua. Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Tây Sơn đang nỗ lực xây dựng sản phẩm gạo nếp truyền thống trở thành sản phẩm OCOP.

Sản phẩm thóc nếp truyền thống được HTX SXKD DVNN xã Tây Sơn quảng bá, giới thiệu.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Tây Sơn duy trì cấy lúa nếp truyền thống từ lâu đời, từ thời cha ông để lại, người dân tự để giống cấy từ năm này qua năm khác. Đây là loại lúa nếp có thời gian sinh trưởng ngắn, có hương thơm đặc biệt mà không lúa nếp nào có được. Chính vì thế có tương truyền rằng đây là loại nếp trước kia dùng để dâng lên vua nên còn gọi là nếp tiến vua. Trước năm 2016 hầu như người dân cấy đại trà giống lúa này, vụ xuân cấy lúa tẻ để ăn, vụ mùa cấy lúa nếp để bán, tuy nhiên do nhiều yếu tố tác động nên hiện nay diện tích lúa nếp ngày càng giảm. Trong tổng số 415ha đất nông nghiệp, vụ mùa vừa qua toàn xã cấy trên 100ha lúa nếp truyền thống, sản lượng thóc đạt khoảng 450 tấn. Do gạo nếp nổi tiếng khắp nơi nên sản phẩm làm ra đến đâu tiểu thương thu mua ngay đến đó. Toàn xã có hơn 10 hộ chuyên buôn bán gạo, hàng năm mỗi hộ thu mua vài chục tấn để bán đi các nơi. Với giá bán bình quân 13.000 đồng/kg thóc và 25.000 đồng/kg gạo, trị giá của nếp truyền thống cao gấp 1,5 lúa thường. Để lúa được mùa, người dân phải bón phân đúng quy trình kỹ thuật để tránh cây bị đổ ngã đồng thời cũng không được cấy quá dày để hạn chế sâu bệnh. Lợi thế của giống lúa này là cấy thưa, không mất nhiều công chăm sóc, chi phí phân bón ít và không mất tiền giống, thời gian sinh trưởng từ 135 - 140 ngày, rất ít khi bị mất mùa.

Với những lợi thế trên, ngay sau khi được huyện chọn làm sản phẩm OCOP, hướng tới HTX sẽ hỗ trợ giống cho xã viên, thực hiện quy vùng và đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xóa bỏ tình trạng “xôi đỗ” trên cánh đồng và huy động các đoàn thể, các thôn cùng vào cuộc thực hiện. Trước mắt, HTX chọn 2 thôn Hoa Nam và Đồng Tâm quy vùng thực hiện khoảng 30ha. Dự tính năm 2023 sẽ lắp đặt hệ thống máy móc phục vụ khâu sau thu hoạch và đi vào thực hiện. Ngoài ra sẽ sử dụng phân hữu cơ, xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo sạch, ngon, chất lượng đến người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Quế, thôn Đồng Tâm cho biết: Năm nào tôi cũng mượn ruộng để cấy 1 mẫu giống lúa nếp truyền thống, ngoài để ăn, biếu, làm giống, mỗi vụ tôi bán khoảng 1,5 tấn với giá bán 13.000 đồng/kg, thu về gần 20 triệu đồng. Vì gạo thơm ngon, giá thành cao nên không bao giờ tôi bỏ, cứ vụ xuân tôi cấy gạo tẻ để ăn còn vụ mùa tôi cấy hoàn toàn gạo nếp. Để có giống cấy vụ sau tôi phải chọn những bông to, mẩy, gặt thủ công và tự suốt bằng tay. Nếp truyền thống đòi hỏi người cấy cẩn thận trong các bước quy trình, do cây cao nên việc bón phân phải cân đối để tránh bị đổ.

Ông Tạ Xuân Khiết, Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho biết: Những năm qua, xã luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, xây dựng kế hoạch sử dụng đất để đầu tư cho nông nghiệp phát triển. Đặc thù ở Tây Sơn có giống lúa nếp truyền thống thơm ngon nổi tiếng, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên được người dân duy trì cấy nhiều. Cũng giống lúa này nhưng mang đi địa phương khác gieo cấy sẽ không có hương thơm đặc trưng như được cấy tại Tây Sơn. Cũng vì thế chất lượng lúa nếp truyền thống đã được nhiều người biết đến, sản phẩm có đến đâu đều hết ngay đến đó. Để xây dựng thành sản phẩm OCOP, xã đã giao nhiệm vụ cụ thể cho HTX chủ trì tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện. Địa phương cũng được tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng khu dịch vụ cho HTX khang trang, hiện đại, tiến tới sẽ lắp đặt hệ thống máy xay xát, đóng gói, máy sấy để đi vào vận hành. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố đặt ra trong đó việc cần làm ngay là phải đầu tư vào cánh đồng, quy vùng sản xuất để cấy cùng một giống lúa, thực hiện khâu điều tiết nước hợp lý, đầu tư vào hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng. Ngoài ra, việc quản lý, điều hành của HTX cần phải chuyên nghiệp hơn, nhất là khâu điều hành hệ thống máy móc và đầu tư vào một số khâu dịch vụ như máy làm đất, máy gặt, máy phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh.  

Với những giải pháp, lộ trình cụ thể cùng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, vụ mùa năm 2023 Tây Sơn sẽ cho ra sản phẩm lúa nếp truyền thống được đóng gói bán ra thị trường. Đây cũng là một trong những nội dung để xã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Năng suất lúa nếp truyền thống ở Tây Sơn đạt bình quân 1,4 tạ/sào.

Thu Thủy  

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày