Thứ 4, 27/11/2024, 08:36[GMT+7]

Anh Ruyện đa nghề

Thứ 2, 12/12/2022 | 08:07:22
1,460 lượt xem
Dám nghĩ, dám làm, anh Trần Đăng Ruyện, thôn Tô Đê, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) “ôm” đủ nghề từ trồng lúa, trồng nấm đến nuôi ếch, thu lãi 180 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh Trần Đăng Ruyện chăm sóc ếch.

Trước đây gia đình anh Ruyện sản xuất bún khô cung cấp cho thị trường nhưng sức tiêu thụ rất chậm. Cả gia đình chỉ còn biết trông chờ vào 2 mẫu ruộng. Không muốn kinh tế gia đình cứ mãi phụ thuộc vào cây lúa, anh Ruyện bắt đầu rẽ hướng sang nghề trồng nấm. Năm 2012, với số vốn 50 triệu đồng, anh bắt tay vào xây dựng lán trại rộng 80m2 với giàn treo kiên cố để trồng thử nghiệm 2.000 bịch nấm sò. Nhờ được chăm sóc kỹ càng, bài bản, những cây nấm phát triển tốt, được xuất bán với giá cao. Sau khởi đầu đầy hứa hẹn, năm 2016 nấm có dấu hiệu bị bệnh, không thể phát triển tiếp. Do chưa có nhiều kinh nghiệm kiểm soát bệnh của nấm cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết nên dù đã tìm đủ mọi cách để cứu vãn anh vẫn đành ngậm ngùi vứt bỏ số lượng lớn nấm hư hại.

Nhờ sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, anh Ruyện có thêm động lực, đi đến các mô hình trồng nấm thành công trong và ngoài tỉnh để học hỏi cách phục hồi trại nấm. Trở về, anh mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích lán trại lên 350m2, sắm thêm máy móc hiện đại để giảm ngày công, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Sau 6 năm gắn bó với nghề, anh đã làm chủ được tình trạng “sức khỏe” của nấm, quá trình sản xuất diễn ra rất suôn sẻ. Theo anh Ruyện, mỗi tháng vợ chồng anh có thể xuất bán ra thị trường khoảng 1 tấn nấm, thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng. Không những vậy, lán nấm của gia đình anh còn tạo việc làm cho 5 - 6 lao động với thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Thế nhưng, với đặc tính ưa lạnh của nấm nên thời gian sản xuất chỉ kéo dài từ tháng 7 năm nay đến tháng 3 năm sau. Không muốn để thời gian trôi qua lãng phí, anh Ruyện lại tiếp tục hành trình “tìm nghề”. Năm 2021, nhờ sự giới thiệu của bạn bè, anh biết đến công việc nuôi ếch. Nhận thấy tiềm năng phát triển, anh quyết định đầu tư 15 triệu đồng để bắt đầu với công việc thứ ba. Trên diện tích đất sẵn có, anh đào 2 sào ao và thả khoảng 10.000 con ếch giống. 

Cùng chúng tôi tham quan mô hình mới của mình, anh Ruyện hào hứng chia sẻ: Nghề nuôi ếch khá nhàn, chi phí đầu tư thấp, thời gian nuôi ngắn, trung bình một năm có thể nuôi được 2 lứa. Điều quan trọng khi nuôi ếch là phải chủ động phòng ngừa bệnh và luôn bảo đảm nước ao sạch. Sau 3 tháng nuôi, lứa ếch hiện tại của gia đình tôi cho thu hoạch khoảng 1,2 tấn ếch thương phẩm với trọng lượng thu hoạch 3 - 4 con/kg, thu khoảng 50 triệu đồng.

Song song với phát triển mô hình trồng nấm, nuôi ếch, anh Ruyện còn đầu tư mua máy cày để duy trì cấy lúa, cây màu vụ đông trên diện tích 2 mẫu ruộng. Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh hy vọng có thể mở rộng mô hình hiện tại, sản xuất với quy mô lớn hơn, cải thiện kinh tế gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Bà Phạm Thị Nội, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ cho biết: Mô hình nuôi ếch, trồng nấm, trồng lúa của anh Ruyện cho hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, là mô hình có thể nhân rộng. Thành công của mô hình không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình anh mà còn mở ra hướng đi mới thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế ở địa phương.

Mỗi lứa ếch cho anh Trần Đăng Ruyện nguồn thu khoảng 50 triệu đồng. 

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày