Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu trong khai thác hải sản
Qua nghiên cứu báo cáo và kiểm tra thực tế tại địa phương, đoàn thanh tra của EC tiếp tục ghi nhận quyết tâm chính trị của Việt Nam về chống khai thác IUU, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ. Tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với lần thanh tra thực tế vào năm 2019.
Cơ bản đáp ứng được yêu cầu quốc tế
Thị sát và kiểm tra một địa phương ngẫu nhiên là tỉnh Khánh Hòa (từ ngày 21 - 25/10), thực tế cho thấy địa phương này cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phục vụ cho công tác thanh tra của đoàn thanh tra EC. Thực hiện việc kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu, về tổng thể đã tốt hơn so với trước. Công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá chuyển biến tích cực. Công tác quản lý tàu cá vẫn là nhiệm vụ đặt ra hàng đầu, việc công bố hạn ngạch giấy phép khai thác vùng lộng, ven bờ và ban hành tiêu chí đặc thù của địa phương được triển khai.
Tại Nghệ An, một địa phương phát triển mạnh kinh tế biển khu vực bắc miền trung đã ghi nhận đến cuối năm 2022, tổng số 3.415 tàu cá trên địa bàn, tất cả phương tiện thuộc diện phải đăng ký (2.518 phương tiện có chiều dài từ 6m trở lên) đều đã hoàn thành, đạt 100%. Việc cập nhật dữ liệu tàu cá lên phần mềm VNFishbase diễn ra thường xuyên, liên tục với 100% số tàu đã đăng ký.
Ở chiều hướng ngược lại, điểm trừ là tình trạng tàu cá mất kết nối VMS trên biển duy trì ở mức cao (9.571 lượt tàu). Nguyên nhân được xác định do thiết bị VMS bị hỏng, hoạt động chập chờn; nguồn điện cung cấp cho thiết bị VMS không ổn định; gặp thời tiết xấu trên biển buộc chủ tàu phải ngắt hệ thống điện nhằm bảo đảm an toàn, chống cháy nổ. Đối với các tàu cá mất kết nối VMS và vượt qua đường ranh giới cho phép trên biển, Chi cục Thủy sản Nghệ An đã phát thông báo nhắc nhở, yêu cầu chủ tàu duy trì hoạt động VMS 24/24 từ khi rời cảng đến khi cập cảng, cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ngày 26 và 27/10, sau khi nghe Tổng cục Thủy sản báo cáo một số nội dung cơ bản thực hiện các khuyến nghị của EC, đoàn kiểm tra đã có một số nhận xét và khuyến nghị quan trọng cho từng nhóm vấn đề liên quan đến khai thác IUU tại Việt Nam.
Về khung pháp lý, Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU. Tuy nhiên, để tiếp tục siết chặt công tác quản lý, bảo đảm thực hiện các quy định chống khai thác IUU hiệu lực, cần đưa vào quy định đối với tàu nhập khẩu bảo đảm nguồn gốc không vi phạm IUU; quy định việc chuyển đổi nghề trong hạn ngạch được giao theo hướng chỉ cho phép các nghề thân thiện với nguồn lợi, hệ sinh thái.
Tăng mức xử phạt vi phạm đối với hành vi nghiêm trọng để bảo đảm tính răn đe, đặc biệt mức phạt phải cao hơn nhiều lần so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm; xem xét quy định truy tố một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, cần quy định xử phạt đối với hành vi tàu cá đi ra ngoài ranh giới vùng biển.
Về quản lý đội tàu, đoàn thanh tra nhận định, đội tàu của Việt Nam hiện nay vẫn còn lớn so với trữ lượng nguồn lợi thủy sản và đề nghị Việt Nam cần có giải pháp để giảm cường lực khai thác theo hướng giảm số lượng tàu cá, thời gian khai thác và sản lượng được phép khai thác... để phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, các doanh nghiệp phải có quy trình kiểm soát nguyên liệu thô nhập vào (bao gồm sản phẩm trong nước và nhập khẩu) bảo đảm doanh nghiệp không trộn lẫn hai loại nguyên liệu này khi xuất khẩu sang EU. Qua đó, đề xuất xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản từ khai thác và truy xuất nguồn gốc tại địa phương trên nền tảng điện tử.
Về thực thi pháp luật, các khuyến nghị đã đưa ra năm 2019 tiếp tục được nhắc lại, thí dụ như: Chế tài xử lý phải đủ nhanh, đủ sức răn đe và hiệu quả; đặc biệt mức phạt phải cao hơn nhiều lần so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm; cân nhắc xem xét quy định truy tố một số hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần; cần quy định xử phạt đối với hành vi tàu cá đi ra ngoài ranh giới vùng biển.
Đoàn Thanh tra EC tiếp tục khẳng định, nếu còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì không thể gỡ cảnh báo "thẻ vàng" và khuyến nghị phải quy định việc tàu cá ra ngoài ranh giới vùng biển Việt Nam mà không được phép là hành vi vi phạm và phải có chế tài xử lý, không cần phải mất thời gian điều tra xem tàu có hoạt động khai thác ở vùng biển nước ngoài hay không...
Đoàn Thanh tra EC đề xuất có cơ chế giám sát thực thi pháp luật của Trung ương đối với địa phương trong việc thực thi, xử lý các hành vi khai thác IUU; trong đó xem xét có quy định xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân tại địa phương không thực hiện hoặc chậm trễ trong việc thực hiện các chế tài xử lý.
Quản lý đội tàu, sản lượng khai thác bền vững
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam nhấn mạnh một số trọng tâm mà Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản và các địa phương ven biển sẽ tập trung để xử lý dứt điểm vấn đề "thẻ vàng" cho Việt Nam sắp tới, mà trước mắt là thời điểm EC quay lại kiểm tra vào tháng 4/2023 như sau:
Thứ nhất, điều tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm. Tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển để ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp trên địa bàn nếu để xảy ra vi phạm liên quan đến các lô hàng xuất khẩu vi phạm IUU. Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu; đặc biệt Tổng cục Hải quan có giải pháp kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam bằng công-ten-nơ, bảo đảm không vi phạm IUU.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng của các bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ công tác thực thi pháp luật trong việc xử phạt các hành vi khai thác IUU bảo đảm áp dụng thống nhất giữa các địa phương, không để xảy ra trường hợp vi phạm mà không bị xử lý; đối với các tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật không đầy đủ, hiệu quả, cần phải có chế tài xử lý theo quy định. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, kiểm soát việc thực thi pháp luật về chống khai thác IUU thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế chống khai thác IUU để siết chặt công tác quản lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả theo khuyến nghị của EC.
Xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, hệ thống thông tin quản lý nghề cá, hệ thống theo dõi, giám sát công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác bảo đảm số hóa tối đa, tích hợp, đồng bộ nhiều cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động khai thác thủy sản theo chuỗi để kiểm soát hoạt động tàu cá từ khi đi khai thác đến lúc cập cảng, kết nối đồng bộ đến cơ quan quản lý thủy sản Trung ương, địa phương và cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Khắc phục khó khăn do thiên tai, tăng tốc triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà thiếu niên, nhi đồng nhân dịp tết Trung thu
- Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, tặng quà thiếu nhi huyện Hưng Hà nhân dịp tết Trung thu
- Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà thiếu nhi xã Tân Hòa nhân dịp tết Trung thu
- Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh
- Công điện khẩn số 22 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ tại Thái Bình
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng
- Triển khai kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
- Huy động sức mạnh toàn dân trong ứng phó với lũ