Thứ 4, 01/01/2025, 14:41[GMT+7]

Phát triển sản xuất trong nhà màng

Thứ 4, 04/01/2023 | 11:03:05
3,760 lượt xem
Hướng tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, những năm gần đây, tại Thái Bình đã phát triển nhiều mô hình trồng các loại rau, hoa, quả trong nhà màng. Đặc biệt, cây dưa lưới đã “bén rễ” và được đánh giá là một cây trồng nhiều triển vọng.

Những nhà màng xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên cánh đồng rau xã Trung An (Vũ Thư).

Hai nhà màng trồng dưa lưới với tổng diện tích 1.500m2 của chị Đoàn Thị Huệ, thôn Sơn Trung, xã Bình Định (Kiến Xương) đang vào độ thu hoạch. Dù trên diện tích khiêm tốn nhưng toàn bộ đều được ứng dụng công nghệ cao với hệ thống tưới thủy canh tự động hiện đại được số hóa.

Đưa chúng tôi tham quan vườn dưa, chị Huệ phấn khởi chia sẻ: Mặc dù đầu tư ban đầu có phần tốn kém song nhà màng mang đến hiệu quả kinh tế rất cao. Mỗi vụ tôi thu gần 5.000 quả (khoảng 10 - 12 tấn), với giá bán 40.000 - 45.000 đồng/kg tại vườn, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 100 triệu đồng. So với canh tác truyền thống, hệ thống chăm sóc cây trồng trong nhà màng hiện đại mang lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm công lao động. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm, dù ở đâu tôi cũng có thể theo dõi, tưới nước cho cây. Canh tác trong nhà màng giúp cây trồng hạn chế được sự tấn công của dịch hại, côn trùng gây bệnh, chủ động được về thời tiết như khi trời mưa, nền đất bảo đảm không bị ngập. Luân phiên một vụ trồng trực tiếp trên đất, một vụ trồng trên giá thể từ xơ dừa giúp tăng vụ, hạn chế sâu bệnh hại, ổn định năng suất, chất lượng dưa.

Mỗi vụ dưa lưới, chị Đoàn Thị Huệ, xã Bình Định (Kiến Xương) thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Hiện trên địa bàn huyện Kiến Xương có 4 mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với diện tích 4.000m2. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật, định hướng các hộ thành lập HTX, liên kết tạo khối lượng hàng hóa lớn, ổn định từ đó thuận lợi trong tiêu thụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu UBND huyện có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng mô hình trong năm 2023.

Đầu tư xây dựng nhà màng trồng dưa lưới từ năm 2015, đến nay anh Trần Xuân Tâm, xã Tân Lễ (Hưng Hà) mở rộng diện tích nhà màng được khoảng 7.000m2, mỗi năm thu hoạch khoảng 42 tấn dưa, trừ chi phí thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Anh Tâm cho biết: Dưa lưới là cây trồng khá “khó tính” nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu nắm chắc kỹ thuật. Trồng dưa lưới trong nhà màng tuy chi phí đầu tư ban đầu cao (khoảng 300 triệu đồng/1.000m2) nhưng thời gian sử dụng lâu dài, tiết kiệm được rất nhiều công chăm sóc và ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phá hại cây trồng, thời tiết bất thường. Vườn dưa áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động, phân bón được hòa sẵn trong nước giúp giảm chi phí nhân công. Cách tưới này cũng giúp chất dinh dưỡng và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Cùng với đó, người trồng hàng ngày thực hiện các công đoạn chăm sóc, tỉa lá, cắt ngọn, tỉa quả nhỏ để cây tập trung nuôi quả to. Một cây có thể cho từ 4 - 5 quả nhưng để quả đạt chất lượng cao, tôi chỉ để duy nhất 1 quả/cây.

Anh Trần Xuân Tâm, xã Tân Lễ (Hưng Hà) là một trong những người tiên phong trồng dưa lưới trong nhà màng.

Không chỉ trồng dưa lưới, vào thời điểm cuối năm, anh Tâm tận dụng thời gian dưa “nghỉ” trồng hoa tulip để tăng thu nhập, khai thác tối đa công năng của nhà màng. Anh Tâm cho biết: Đây là vụ thứ 8 tôi trồng tulip phục vụ tết Nguyên đán với số lượng khoảng 6 vạn củ, ngoài ra tôi còn bán khoảng 4 vạn củ giống. Trồng hoa tulip không cần nhiều mặt bằng nhưng để hoa ra đúng thời điểm đòi hỏi kỹ thuật và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Củ giống tôi nhập trực tiếp từ Hà Lan về, từ khi trồng đến khi ra hoa, xuất bán chỉ khoảng 25 ngày nhưng cho thu nhập cao. Với khoảng 6 vạn cây hoa, trừ chi phí tôi thu lãi 200 triệu đồng.

Sản xuất trong nhà màng là mô hình có hàm lượng khoa học cao, đầu tư lớn nhưng cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang được tỉnh ta khuyến khích mạnh mẽ. Do đó, ngoài cơ chế của tỉnh, các địa phương cần quan tâm, xây dựng chính sách hỗ trợ để người dân tự tin, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

* Trong điều kiện nhiều loại thực phẩm trong đó có các loại rau xanh đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng thì việc sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn là nhu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Tại làng nghề truyền thống trồng rau xã Trung An (Vũ Thư), nông dân bắt đầu tiến hành sản xuất rau trong nhà màng hướng hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo nguồn rau an toàn phục vụ nhân dân.

Gia đình ông Vũ Văn Thuần, thôn An Lộc, xã Trung An trồng 5 sào rau. Năm 2022, được cấp ủy, chính quyền và HTXNN xã vận động, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, gia đình ông đầu tư hơn 200 triệu đồng làm nhà màng để trồng 1,5 sào rau theo hướng hữu cơ. Ông Thuần cho biết, nhà màng được lắp đặt với các khung sắt uốn vòm có chiều cao 4 - 5m, bên trên sử dụng màng nilon che phủ chống mưa và sương muối, xung quanh vây kín bằng lưới chống côn trùng xâm nhập. Bên trong nhà màng, gia đình ông lắp đặt hệ thống tưới nước tự động hiện đại với nguồn nước được kết nối từ đường ống nước sạch tại địa phương. Gia đình ông Thuần sử dụng phân bón hữu cơ, chỉ bón lót duy nhất 1 lần khi làm đất. Qua 2 vụ rau trồng trong nhà màng, ông phấn khởi vì sản xuất rau trong nhà màng rất hiệu quả. Thứ nhất, các yếu tố thời tiết mưa, nắng, rét, sương muối... giờ đây không thể tác động làm hỏng, thất thu rau như sản xuất truyền thống. Thứ hai, giảm rõ rệt chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động do cây rau khi trồng trong nhà màng chỉ cần tưới nước tự động, hoàn toàn không cần bổ sung phân bón; các loại côn trùng rất khó xâm nhập vào trong nên rau hầu như không có sâu bệnh. Thứ ba, sản xuất rau sạch, an toàn, vừa tạo tâm lý tự tin, phấn khởi cho nông dân vừa giúp bà con nâng giá trị cây rau lên gấp 2 - 3 lần so với cây rau thông thường.

Nhà màng giúp nông dân thuận lợi trong sản xuất rau hữu cơ, nâng cao giá trị kinh tế.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thắm, thôn An Lộc hiện có hơn 500m2 nhà màng trồng rau hữu cơ với các loại rau như cải thìa ngồng, su hào ngồng, xà lách... cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị uy tín, giá bán từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần thông thường. Bà Thắm chia sẻ, bà và nông dân ở đây rất muốn được mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ để cung cấp ra thị trường, phục vụ nhu cầu sử dụng rau an toàn của đông đảo nhân dân. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi chi phí đầu tư lắp đặt nhà màng khoảng 150 triệu đồng/sào. Chi phí này vượt quá khả năng của nhiều nông hộ. Bà Thắm và nông dân làng rau An Lộc rất mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ một phần chi phí đầu tư và khoa học kỹ thuật giúp bà con mở rộng sản xuất rau hữu cơ nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Xã Trung An hiện có 40,6ha chuyên sản xuất rau màu, tập trung ở thôn An Lộc. Nông dân trồng 23 loại rau ngắn ngày chủ yếu xà lách, rau cải chíp, cải thìa, các loại rau gia vị, quay vòng sản xuất được 7 - 8 lứa rau/năm. Hiện rau của địa phương cung cấp cho thị trường 7 tỉnh, trong đó có 2 thị trường lớn là Hà Nội và Đà Nẵng. Với phương thức trồng rau truyền thống, cây rau cho thu nhập 35 triệu đồng/sào/năm, gấp 13 lần cây lúa. Tuy nhiên, cách làm truyền thống còn nhiều bất cập, nhất là việc nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tự phát, tràn lan nên rau không bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường, trồng rau phụ thuộc hoàn toàn thời tiết nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Trước thực trạng này, HTXNN xã Trung An đã phát động nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất. Năm 2022, với sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, huyện, xã đã có 3 hộ thử nghiệm sản xuất rau hướng hữu cơ trong nhà màng. Kết quả cho thấy, sản xuất theo quy trình rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP hướng hữu cơ đạt 200 triệu đồng/sào/năm, gấp 5 - 6 lần so với sản xuất truyền thống và gấp khoảng 83 lần so với cấy lúa. Bước đầu, hướng sản xuất rau an toàn trong nhà màng tạo được sự ủng hộ, vào cuộc của nhiều nông dân địa phương. Năm 2022, xã Trung An xây dựng đề án cánh đồng 50ha trồng rau hữu cơ gắn với du lịch sinh thái và thành lập HTX Nông nghiệp Xanh; trong đó quy hoạch 10ha thực hiện quy trình sản xuất rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nông dân tích tụ, tập trung đất đai đầu tư sản xuất rau hữu cơ theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Ông Trịnh Văn Điều, Giám đốc HTXNN kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh xã Trung An cho biết: Mục tiêu năm 2023 chúng tôi có thêm khoảng 10.000m2 nhà màng sản xuất rau hữu cơ. Cùng với đầu tư đồng bộ về hệ thống mương máng, giao thông thủy lợi trên cánh đồng rau, HTXNN và HTX Nông nghiệp Xanh tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn cung cấp kiến thức sản xuất rau an toàn cho hộ thành viên. HTX Nông nghiệp Xanh đầu tư xây dựng nhà điều hành, nhà xưởng, khu sơ chế, phân loại, nhà lạnh bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch... Với sản phẩm rau hữu cơ, rau an toàn, chúng tôi hướng đến thị trường là các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh để người dân được sử dụng rau xanh an toàn của quê hương, trước mắt sẽ ưu tiên cho bếp ăn của các trường mầm non. Dù còn nhiều khó khăn nhưng Trung An sẽ nỗ lực từng bước mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ngân Huyền - Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày