Thứ 4, 01/01/2025, 15:01[GMT+7]

Tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây

Thứ 6, 13/01/2023 | 16:30:28
12,415 lượt xem
Sáng ngày 13/1, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.

Năm 2022, trong khó khăn, thách thức, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Đồng thời, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để tạo không gian, khơi thông các nguồn lực phát triển với các giải pháp đồng bộ để hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu phát triển ngành. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36%, là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, vượt chỉ tiêu được giao; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục 53,22 tỷ USD, tăng 9,3%, trong đó thặng dư thương mại đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2022. Có 73,06% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, từng bước nâng cao chất lượng rừng. Cả nước xây dựng được 2.510 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn kiểm soát; lũy kế hết năm 2022 phân hạng và công nhận 8.689 sản phẩm OCOP. Năm 2023, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 3,0%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 tỷ USD.

Mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo mang lại giá trị kinh tế cao tại xã Phú Lương (Đông Hưng).

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, năm 2022, ngành nông nghiệp, nông thôn triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen tuy nhiên toàn ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, toàn diện, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt, vượt mức Chính phủ giao. Nông nghiệp thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế một cách thực chất, toàn diện, hiệu quả; mang lại đời sống ấm no cho người dân. Thủ tướng cũng nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm: đoàn kết, thống nhất trong nhận thức, hành động; nắm chắc tình hình, điều hành sáng tạo, linh hoạt, sát thực tiễn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát nguồn lực; xác định, triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Năm 2023, dự báo tình hình với ngành nông nghiệp sẽ khó khăn, thách thức, Thủ tướng Chính phủ đề nghị toàn ngành tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, lấy nông dân là trung tâm, xây dựng nông thôn là nền tảng, phát triển nông nghiệp là động lực. Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo, điều hành: đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa và du lịch; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về mục tiêu năm 2023, Thủ tướng đề nghị ngành phấn đấu giá trị tăng trưởng cao hơn năm 2022, đạt khoảng 3,5%; xuất khẩu đạt khoảng 55 tỷ USD… đồng thời gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách; tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực; tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số; làm tốt công tác dự báo thị trường; phát triển kinh tế biển…

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày