Nông dân mới
Cánh đồng không bờ “5 cùng”
Trong cái hối hả, bận rộn của những ngày cuối năm, trên các cánh đồng, nông dân cũng đang hăng say lao động, quyết tâm gặt hái những mùa vàng. Vừa lái “con trâu sắt” ra đồng chuẩn bị làm đất, anh Tám tươi cười chia sẻ: Tôi là một trong những người đi đầu trong phong trào tích tụ ruộng đất, làm cánh đồng lớn ở địa phương. Tôi hiện có 10ha đất tập trung gọn một vùng, thửa ruộng nhỏ nhất 2 mẫu, lớn nhất 9 mẫu. Tính trung bình, tôi thu nhập trên 400 triệu đồng/năm từ gieo cấy lúa. Tôi thấy làm cánh đồng mẫu lớn dễ canh tác, thuận tiện trong chăm sóc, đặc biệt hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với làm những thửa nhỏ, manh mún khi áp dụng máy móc vào các công đoạn sản xuất.
Nhìn những thửa ruộng “bờ xôi ruộng mật” dần hoang hóa cùng với chủ trương của nhà nước khuyến khích làm cánh đồng mẫu lớn nên anh Tám mạnh dạn thuê, gom đất, cải tạo đồng ruộng. Anh Tám chia sẻ: Có ruộng của hàng trăm hộ nên nhiều mảnh, cốt đất cao thấp không đều, nhiều bờ quai, bờ thửa phân ô nên tôi phải đầu tư nhiều công sức, thời gian để chỉnh trang, kiến thiết lại đồng ruộng: phá bỏ những bờ thửa không cần thiết, đắp bờ mới, cải tạo đồng đều cốt đất, san phẳng mặt ruộng, xử lý triệt để cỏ dại, chuột, ốc bươu vàng...nhờ đó có thể đưa máy vào làm đất, gieo cấy, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh và thu hoạch.
Ruộng tập trung lớn, một chủ nên anh Tám có thể thực hiện chuyên canh lúa “5 cùng”: cùng làm đất, cùng giống, cùng gieo trồng, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch và có rất nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Anh Tám đầu tư hàng tỷ đồng trang bị 1 máy cấy mạ khay, 2 máy làm đất, 1 máy gặt, 1 giàn máy phun thuốc trừ sâu chuyên dụng, 2 máy bón phân, giàn gieo mạ khay... giúp giảm đáng kể chi phí so với làm thủ công lại bảo đảm thời vụ. Ruộng đất tập trung, có máy móc thiết bị nên anh Tám chủ động hoàn toàn về cơ cấu mùa vụ đồng thời liên kết với các công ty, doanh nghiệp sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm. Những mảnh ruộng hoặc bỏ hoang, hoặc gieo cấy cầm chừng trước kia giờ đã mang lại những mùa vàng trĩu bông. Ngoài việc tập trung, tích tụ ruộng đất, tận dụng máy móc đã trang bị, anh Tám đảm nhận dịch vụ làm đất, gieo cấy, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch cho người dân trong và ngoài xã.
Biến rơm rạ thành... ngoại tệ
Là tỉnh nông nghiệp, chủ lực là cây lúa nên hàng năm, nguồn phụ phẩm (rơm rạ) từ lúa rất lớn và thường được nông dân đốt bỏ ngay trên đồng ruộng sau thu hoạch. Nhưng đối với người dân xã An Mỹ, rơm rạ đã trở thành một mặt hàng sinh giá trị, tăng nguồn thu cho người trồng lúa. Việc thu gom rơm rạ cũng mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, giúp sản xuất lúa bền vững hơn. Tuy vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống máy móc, nhà xưởng nhưng ngay trong thời gian đầu vận hành thử, anh Tám đã thu mua được 150 tấn rơm rạ ở vụ mùa của bà con nông dân để chế biến và dệt thành những tấm thảm rơm xuất khẩu đi Hàn Quốc.
Anh Tám chia sẻ: Sau mỗi mùa vụ, ám ảnh không chỉ của riêng tôi là tình trạng đốt rơm rạ diễn ra phổ biến trên các cánh đồng. Không khí ngột ngạt cùng với khói rơm rạ ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Là một nông dân gieo cấy với quy mô lớn, tôi luôn trăn trở tìm đáp án giải quyết nguồn rơm rạ vừa bảo đảm môi trường vừa tạo giá trị. Tình cờ tìm hiểu mô hình thu gom rơm rạ xuất khẩu sang Hàn Quốc của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Rơm Việt, xã Đông Xuyên (Tiền Hải), tôi liên hệ và làm cơ sở vệ tinh cho họ. Do rơm rạ dùng để dệt thảm xuất khẩu phải thu hoạch bằng máy gặt tăng đơ, cắt sát gốc lúa nên vụ đầu tiên thu gom rơm rạ, tôi thuê máy từ Thanh Hóa ra thu hoạch.
Được biết, rơm rạ sau khi thu hoạch về được xử lý khô tới 90% sau đó dệt thành những tấm thảm có độ dài, rộng và trọng lượng theo đặt hàng. Thảm rơm được sấy khô, xử lý mầm bệnh, nấm mốc ở nhiệt độ cao sau đó đóng túi, hút chân không. Các sản phẩm được phía đối tác Hàn Quốc thu mua để che phủ mặt luống giữ ấm, giữ ẩm cho các loại cây nông nghiệp, đặc biệt là cây sâm.
Anh Tám cho biết: Công việc này chủ yếu cần nhiều lao động thủ công. Do vụ đầu tiên thử nghiệm nên tôi mới đầu tư 4 máy dệt rơm. Rơm rạ thu mua về tôi thuê lao động xếp lại cho ngay ngắn, đưa vào máy dệt thành thảm rồi chuyển sang Tiền Hải sơ chế, đóng gói để xuất khẩu. Với đặc điểm đồng đất vàn cao, gieo cấy lúa thuận lợi, cây lúa ít bị đổ, ngập nước nên phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu. Thời gian tới, phía đối tác Hàn Quốc sẽ sang thăm cơ sở đồng thời thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng trụ sở chính tại An Mỹ. Vụ xuân 2023, tôi sẽ đầu tư 2 máy gặt tăng đơ, xây dựng kho xưởng, lò sấy phục vụ sơ chế rơm rạ để có thể xuất khẩu trực tiếp sang Hàn Quốc, không qua trung gian.
Bà Nguyễn Thị Thảo, thôn Tô Trang cho biết: Nếu người dân tự thu gom rơm, anh Tám sẽ mua với giá 600 đồng/kg. Như vậy, một sào, chúng tôi thu nhập thêm từ 80.000 - 90.000 đồng từ nguồn rơm rạ vốn thường bị đốt bỏ. 8 lao động chúng tôi đều rất phấn khởi khi ở tuổi 60 - 70 còn được anh Tám thuê dệt rơm rạ với thu nhập ổn định 4 - 5 triệu đồng/người/tháng mà công việc lại nhẹ nhàng.
Tuy mô hình mới bước đầu đi vào hoạt động nhưng theo anh Tám, với số lượng thu mua không giới hạn, việc phát triển mặt hàng xuất khẩu này rất có dư địa và có thể mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn, nếu biết khai thác và tận dụng tối đa các nguồn phụ phẩm sau thu hoạch lúa. Sau khi xây dựng và hoàn thiện hệ thống nhà xưởng, máy móc, anh Tám sẽ liên kết với các HTX, đại điền để tăng số lượng rơm rạ được thu mua. Anh Tám bộc bạch: Thành công lớn nhất khi tôi triển khai mô hình này chính là nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của người dân. Tôi rất tâm đắc câu nói của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Nông nghiệp là sinh mạng, nông thôn là tương lai”. Người nông dân mới không chỉ nuôi sống được bản thân mà phải làm ra sản phẩm nuôi được thêm nhiều người nữa. Phải sống được bằng nông nghiệp nhưng phải làm nông nghiệp “sạch”.
Anh Nguyễn Duy Tám thôn Tô Trang, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) Phấn đấu xây dựng thôn, xóm không có khói, thời gian tới tôi dự định thu mua cả rơm rạ rối gặt bằng máy gặt đập thông dụng đề nghiền nhỏ, sản xuất phân bón hữu cơ. |
Lưu Ngần
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
- Chỉ thị số 38-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Thái Hòa 1, xã Đông Hoàng
- Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại thôn Hiến Nạp, xã Minh Khai
- Lễ dâng y Kathina do Quốc vương Thái Lan cúng dường tại Thái Bình
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ đông tại Kiến Xương, Vũ Thư
- Quốc hội thảo luận về dự án luật và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị
- Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- UBND tỉnh: Nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng