Thứ 4, 27/11/2024, 05:20[GMT+7]

Những nông dân “có gan làm giàu”

Thứ 2, 30/01/2023 | 10:47:12
2,750 lượt xem
Cần mẫn, chịu khó học hỏi, dám thử nghiệm những giống cây, con mới, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã giúp nhiều nông dân huyện Đông Hưng vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Bà Nguyễn Thị Tuyến chăm sóc vườn thanh long của gia đình.

Đổi đời nhờ đổi cây

Cùng trên một mảnh đất canh tác nhưng với tư duy năng động, sáng tạo những cách làm mới trên cánh đồng cũ đã đem lại quả ngọt cho nhiều nông dân. Trong đó mô hình trồng cây đa tầng, chủ đạo là thanh long của bà Nguyễn Thị Tuyến, xã Minh Phú là thành công điển hình của việc tích tụ ruộng đất, thay đổi cơ cấu giống cây trồng. Từ nhỏ bà Tuyến đã gắn bó với đồng ruộng song đã không ít lần chứng kiến cảnh “được mùa, mất giá”, nhận thấy nhiều nông hộ thành công với các cây trồng có giá trị, năm 2015 bà đã cùng chồng mạnh dạn tích tụ ruộng ven đê, chuyển 3 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng mía và ớt nhưng 2 loại cây này không hợp với đồng đất nên cho thu nhập thấp. Sau một thời gian nghiên cứu, bà Tuyến lại bỏ mía, ớt trồng thanh long. Cách trồng thanh long của bà khác các nông hộ khác nhưng hiệu quả mang lại thật bất giờ. 

Bà Tuyến cho biết: Cây thanh long từ lúc trồng đến khi cho thu hoạch lứa đầu ít nhất phải mất 2 năm. Tôi đã tận dụng đất trống bên dưới trồng rau các loại gừng, đinh lăng, hoa hồng… để có thu nhập quanh năm, lấy ngắn nuôi dài. Cùng với đó, tôi còn dùng rơm rạ rải dưới gốc cây vừa làm phân hữu cơ, ngăn cỏ mọc vừa tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, tôi còn buộc xốp, bọc quả thanh long bằng vỏ bao để đuổi chim, chuột phá hoại. Với cách làm này, dù diện tích chuyển đổi ít nhưng mỗi năm gia đình cũng thu được 60 - 70 triệu đồng, riêng 200 gốc thanh long cho thu nhập 40 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi 7 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long. Nhờ đổi cây mà vợ chồng tôi đổi đời, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của xã.

Chị Vũ Thị Lan cần mẫn chăn nuôi, trồng trọt đưa gia đình thoát nghèo.

Xin ra khỏi danh sách hộ nghèo

Về xã Đông Xuân hỏi chị Vũ Thị Lan, thôn Quang Trung từ người già đến người trẻ đều biết, họ còn dành cho chị sự trân trọng, cảm phục. Cảm phục vì nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, trân trọng vì chị là người duy nhất đến giờ viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Chị Lan lập gia đình năm 1996, cuộc sống vốn đã khó khăn khi chồng chị mang bệnh, thường xuyên đau ốm thì cảnh nhà càng thêm túng quẫn, nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo của xã. Được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đặc biệt là Ủy ban MTTQ huyện tặng gia đình chị 1 con bò sinh sản, chị vừa cần mẫn cấy lúa vừa chăm sóc bò béo tốt, tranh thủ thời gian nhàn rỗi nhận may gia công để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. 

Chị Lan chia sẻ: Dù vẫn được Ban công tác mặt trận thôn Quang Trung bình xét là hộ nghèo nhưng tôi thấy cuộc sống của gia đình đã được cải thiện nên đã làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để dành cơ hội cho hộ khó khăn hơn. Sau đó, tôi mạnh dạn vay mượn tiền của người thân đầu tư xây dựng chuồng nuôi khoảng 70 con lợn nái, lợn thịt, lợn choai và nuôi 130 - 150 con gà, ngan, vịt đẻ. Mỗi năm tôi thu từ chăn nuôi, trồng trọt 280 - 300 triệu đồng. Người phụ nữ nhỏ bé ngày ngày miệt mài, cần mẫn cấy cày, phát triển chăn nuôi, làm nghề phụ đã đưa gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu, được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tuyên dương điển hình làm kinh tế giỏi.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa tự ươm cây giống để trồng và cung cấp cho bà con.

Phất lên nhờ trồng hoa, cây giống

Sau nhiều năm gắn bó với nghề trồng phát lộc, chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, xã Minh Tân nhận thấy việc trồng và làm tháp phát lộc vất vả, thu nhập không cao, vì vậy năm 2016 chị đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích vườn, ruộng của gia đình sang trồng cây công trình, cây giống và hoa các loại. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, chị Hoa sang xã Hồng Việt học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng hoa, cây công trình thành công rồi về áp dụng vào vườn nhà. Và những loại cây mới này nhờ chăm sóc kỹ và đúng cách đã sinh trưởng rất tốt, năm đầu mang lại nguồn thu đáng kể. Thành công bước đầu đã tiếp tục khích lệ chị Hoa mở rộng mô hình trên diện tích 1 mẫu. Trong đó, trồng 5.000 - 6.000 gốc hoa mẫu đơn với đủ màu sắc, 5.000 cây hoa mộc hương và 2.000 - 3.000 cây công trình các loại. Nếu phát lộc chỉ bán dịp cuối năm thì các loại cây công trình và hoa chị Hoa bán quanh năm, bởi vậy lúc nào chị cũng có nguồn thu. 

Là người đầu tiên đưa cây công trình, hoa mẫu đơn, mộc hương về xã trồng, người trồng hoa mẫu đơn nhiều nhất xã, chị Hoa chia sẻ: Khi mới chuyển từ cây phát lộc sang cây hoa, cây công trình còn chưa nắm chắc kỹ thuật nhưng đến giờ cả khâu chăm sóc, các kỹ thuật quan trọng nhất để có cây đẹp là tạo hình, tỉa tán cho cây, canh cho cây mẫu đơn ra bông to đẹp, đặc biệt là tự sản xuất cây giống nhằm giảm chi phí đầu vào. Với mô hình mới này, vợ chồng tôi thu được khoảng 300 triệu đồng/năm. 

Chị Trần Thị Bích Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Tân cho biết: Toàn xã hiện có trên 200 chị tích cực thực hiện các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó chủ yếu là trồng đào, phát lộc, cây công trình, hoa, rau màu các loại. Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa là một trong những hội viên trẻ nhưng rất năng động, dám nghĩ, dám làm, tiên phong đưa giống cây mới về trồng. Sau thành công của chị Hoa, nhiều nông hộ đã học và làm theo.

Bà Tuyến, chị Lan, chị Hoa là 3 trong rất nhiều điển hình của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện Đông Hưng. Thành công của họ không chỉ là tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng cho gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày