Thứ 4, 27/11/2024, 05:25[GMT+7]

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi

Thứ 3, 31/01/2023 | 08:19:45
11,231 lượt xem
Trong bối cảnh người chăn nuôi cả nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu làm giá thức ăn chăn nuôi tăng “phi mã”, trong khi đó giá đầu ra của sản phẩm chăn nuôi các tháng đầu năm 2022 lại giảm mạnh..., Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động triển khai các giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất cấm tại cơ sở giết mổ gia súc.

Trang trại của gia đình anh Trần Xuân Thời, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) duy trì nuôi 50 lợn ông bà, 150 lợn nái và trên 1.000 con lợn thịt. Dịp tết Nguyên đán, trang trại của anh xuất bán ra thị trường trên 30 tấn lợn hơi. Anh Thời chia sẻ: Khác với mọi năm, dịp tết, khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao, giá sẽ duy trì mức cao nhưng năm nay, giá lợn hơi ở mức thấp và giữ giá trong thời gian dài. Trước tết, tôi xuất trên 30 tấn lợn hơi nhưng giá chỉ đạt 52.000 - 53.000 đồng/kg thịt hơi. Với mức giá này, trang trại của tôi gần như hòa vốn, nếu trang trại nào không chủ động được lợn giống sẽ chịu lỗ từ 1 - 1,5 triệu đồng/con.

Nhìn lại năm 2022, chăn nuôi của tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung đối mặt với nhiều khó khăn: Giá đầu vào sản xuất tăng cao, từ tháng 11/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 17 lần, riêng năm 2022 tăng 7 lần và luôn giữ ở mức cao; trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi nhiều thời điểm thấp hơn giá sản xuất. Nhận diện những khó khăn đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động tham mưu các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh và thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, xây dựng vùng, xã chăn nuôi trọng điểm, chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Trong đó, đặt công tác phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu; công tác kiểm dịch động vật, quản lý vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật luôn được đẩy mạnh thực hiện; cùng với đó lấy mẫu giám sát, chẩn đoán dịch bệnh để chủ động đánh giá các nguy cơ dịch bệnh nhằm ứng phó kịp thời. Các định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi trong năm đã tập trung vào 3 trọng tâm: quy vùng sản xuất hàng hóa, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Đây không phải là giải pháp mới nhưng lần đầu tiên được đưa ra có tính hệ thống, cụ thể, thống nhất chỉ đạo thực hiện cho cả tỉnh. Thực tế sản xuất, có nhiều hộ, trang trại chăn nuôi xuất bán lợn trọng lượng từ 1,5 - 1,7 tạ/con, các mô hình chăn nuôi gà thịt, vịt thịt cao sản được nhân rộng. 

Chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi rõ nét, toàn tỉnh có 2.390 trang trại, đóng góp khoảng 55% sản lượng sản xuất chăn nuôi toàn tỉnh. Trong đó, có trên 18% trang trại đạt tiêu chí kinh tế trang trại có thu nhập từ 2 tỷ đồng/năm trở lên; toàn tỉnh có 120 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Đã có HTX, tổ hợp tác kiểu mới có sản phẩm đặc hữu, đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao... Qua đó, mục tiêu tăng trưởng chăn nuôi đạt và vượt kế hoạch đề ra (tăng 4% so với năm 2021), giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 10.069,4 tỷ đồng.

Việc định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng giúp người chăn nuôi hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Năm 2023, ngành chăn nuôi phấn đấu giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,5% so với năm 2022; phục hồi chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 1 triệu con, đàn gia cầm duy trì khoảng 13,3 triệu con, đàn trâu, bò phấn đấu đạt trên 69.000 con. Để đạt mục tiêu đề ra, Chi cục tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống vật nuôi theo hướng phát triển các giống vật nuôi được công bố tiêu chuẩn áp dụng, con giống cao sản chất lượng cao, thời gian nuôi ngắn nhưng khối lượng xuất chuồng tăng. Chủ động về số lượng, chất lượng con giống; kiểm soát được nguồn gốc giống vật nuôi và hiệu quả sử dụng các loại giống được tỉnh lựa chọn; phát triển các giống bản địa, giống vật nuôi phù hợp với ứng phó biến đổi khí hậu phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi, giết mổ theo chuỗi khép kín và hỗ trợ, dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày