Thứ 7, 04/01/2025, 10:32[GMT+7]

Cơ hội làm giàu từ trồng nấm

Thứ 4, 08/02/2023 | 07:48:57
1,866 lượt xem
Lần khởi nghiệp đầu tiên của vợ chồng chị Vũ Thị Thơm, thôn Đồng Lang, xã Đông Vinh (Đông Hưng) là chăn nuôi lợn, gà. Thất bại, vợ chồng chị chuyển sang trồng nấm, cho thu nhập khá.

Chị Thơm chăm sóc nấm.

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp (nay là Học viện Nông nghiệp), chị Thơm và chồng về quê lập nghiệp. Ban đầu, gia đình chị vay hàng trăm triệu đồng chuyển đổi 7.200m2 đất cấy lúa kém hiệu quả sang làm gia trại tổng hợp, trồng cây hàng năm kết hợp nuôi lợn, gà, thả cá. Tuy nhiên, việc chăn nuôi và trồng cây phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, dịch bệnh, giá cả lên xuống thất thường đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của hai vợ chồng.

Năm 2018, vợ chồng chị Thơm chuyển toàn bộ chuồng nuôi lợn, gà sang làm khu vực trồng nấm. Chia sẻ lý do chọn nấm làm hướng phát triển kinh tế, chị Thơm cho biết: Nấm là thực phẩm sạch, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Khi học đại học, tôi đã được học nghề trồng nấm, vì vậy hai vợ chồng quyết định dừng việc nuôi lợn, gà, chuyển sang trồng nấm sò. Để thực hiện tốt mô hình, ngoài nền tảng kiến thức từ nhà trường, hai vợ chồng học hỏi kinh nghiệm ở các cơ sở khác. Làm nấm cũng vất vả, cũng có dịch bệnh, khi nấm bị bệnh thì chỉ còn cách tiêu hủy, do vậy phải tuân thủ nghiêm quy trình, các công đoạn. Trước tiên, phải xử lý nguyên liệu làm nấm bằng vôi bột rồi phối trộn nguyên liệu, đóng thành bịch, cho vào hấp để thanh trùng, cấy giống, nuôi sợi, treo bịch, rạch bịch, chăm sóc, tưới nước thường xuyên, canh độ ẩm, 25 - 30 ngày sau treo bịch sẽ được thu hái nấm... 

Với mô hình trồng nấm, vợ chồng chị Thơm phân thành các nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu và 4 nhà nuôi trồng để có thể gối lứa bảo đảm có nguồn hàng thường xuyên phục vụ thị trường. Theo anh Lại Đình Tuyển, chồng chị Thơm: Để có sản phẩm nấm sò chất lượng cao, công đoạn nào cũng quan trọng nhưng trước hết phải làm tốt công đoạn đầu là ủ nguyên liệu. Vợ chồng tôi chọn trồng nấm sò trên nguyên liệu là bông vải bởi nó dễ mua, giá rẻ, tận dụng phế phẩm từ các nhà máy sản xuất bông vải sợi trong tỉnh nên đem lại lợi nhuận cao.

Để giảm thời gian, nhân công, vợ chồng chị Thơm đầu tư máy đóng bịch, hệ thống tưới nước tự động cho nấm. Vừa học vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, cơ sở của chị đã vượt qua khó khăn, đi vào ổn định. Hiện diện tích sản xuất và trồng nấm của vợ chồng chị là 600m2, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 10 - 12 tấn nấm, thu lãi khoảng 150 triệu đồng, ngoài ra còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. 

Bà Phạm Thị Nga, thôn Văn Ông Đông, xã Đông Vinh làm việc tại cơ sở của chị Thơm cho biết: Trước khi có cơ sở nấm của anh chị Tuyển Thơm, tôi cũng có nhận việc lắp linh kiện điện tử về nhà làm nhưng không được đều việc. Làm tại cơ sở nấm thì ổn định, lương tháng 5 triệu đồng mà vẫn tranh thủ làm được việc nhà. Công việc phù hợp với người trung, cao tuổi.

Ngoài trồng nấm, vợ chồng chị Thơm còn cung cấp con giống, hạt rau, đất hữu cơ trồng rau cho người dân trong xã và các xã lân cận, cho thu nhập 30 - 40 triệu đồng/năm. Có lãi bao nhiêu vợ chồng chị lại đầu tư trồng nấm tới đó. Dự định, chị Thơm sẽ vay thêm vốn để mở rộng quy mô trồng nấm, tạo việc làm cho phụ nữ địa phương, tăng thu nhập cho gia đình.

Vợ chồng chị Thơm đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nấm.


Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày