Thứ 7, 04/01/2025, 10:44[GMT+7]

Giảm thiểu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 5, 09/02/2023 | 08:36:48
6,325 lượt xem
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng cũng để lại những tác động không nhỏ tới môi trường, tạo ra các chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa. Lượng rác được thu gom và xử lý triệt để chiếm tỷ lệ rất thấp so với lượng rác xả thải ra và tồn đọng trên đồng ruộng.

Xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) đặt các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại vùng chuyên canh rau màu.

Vùng chuyên canh rau màu xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) được xem là một trong những “vựa rau” của tỉnh với hệ số quay vòng đất từ 7 - 8 vụ/năm. Để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, người dân nơi đây đã sử dụng nilon, lưới đen từ nhựa để phủ mặt luống đất, phủ trên khum vòm nhằm hạn chế cỏ dại và tác động của thời tiết đối với sinh trưởng, phát triển của cây rau. 

Ông Đỗ Công Chuân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để giảm thiểu việc sử dụng nilon, UBND xã đã tuyên truyền người dân sử dụng loại nilon có độ bền tốt, có thể sử dụng từ 2 - 3 năm mới cần thay thế. Với bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), xã xây dựng các bể chứa, hàng tháng giao cho các tổ thu gom, vận chuyển về bãi rác tập trung của xã. UBND xã cũng ký hợp đồng với công ty xử lý chất thải, cứ 3 tháng thu gom một lần. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mít tinh tuyên truyền về giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp tại Quỳnh Hải. Qua đó, nhận thức và trách nhiệm của người dân trong sản xuất nông nghiệp được nâng lên. Nhiều người dân đã thay đổi tập quán canh tác, sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu để phủ mặt luống nhằm hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho cây, cải tạo đất.

Theo bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hàng năm, mỗi tỉnh thải ra khoảng 50 - 100 tấn bao bì thuốc BVTV. Trong đó, mỗi héc-ta lúa, nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1 - 1,5kg bao bì/vụ; còn trồng hoa màu, cây công nghiệp thì việc sử dụng thuốc BVTV gấp 2 - 3 lần trồng lúa. Nếu ở ngoài môi trường chất thải nhựa nilon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đặc biệt, ở những nơi chưa có bể thu gom chai lọ, bao bì phân bón và thuốc BVTV thì người dân bỏ lại góc ruộng, sau đó trôi nổi tự do ngoài môi trường.

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp với khoảng 75.000ha lúa được gieo trồng mỗi vụ và gần 50.000ha gieo trồng rau màu các loại. Bình quân mỗi năm, nông dân đã sử dụng hàng trăm tấn thuốc BVTV. Để thực hiện những quy định về thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tuyên truyền về sự nguy hại của các loại rác thải nông nghiệp đối với môi trường và con người, từ đó nâng cao ý thức cho nông dân trong việc thu gom và xử lý rác thải nông nghiệp. Vận động người dân bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp thông qua hành động thu gom, phân loại và xử lý các loại rác thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Mô hình bể chứa rác thải tại một số cánh đồng trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm xây dựng. Theo số liệu của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh đã đưa vào sử dụng hơn 4.500 bể chứa bao bì thuốc BVTV song nhiều địa phương trong tỉnh vẫn chưa có biện pháp thu gom triệt để gây ô nhiễm cho nguồn nước và môi trường sống.

Cần tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng rơm rạ thay thế nilon trong sản xuất rau màu.

Để giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân tham gia hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa; hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường. Thực hiện các biện pháp thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp xử lý, cải tạo môi trường, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và khuyến khích các cá nhân, tổ chức ưu tiên sử dụng vật tư đầu vào thân thiện với môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con nông dân cùng tham gia thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải từ nhựa trong sản xuất nông nghiệp.


Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày