Chủ nhật, 30/06/2024, 23:28[GMT+7]

Không để tổn thương dân sinh khi thiên tai xảy ra

Thứ 4, 15/05/2013 | 08:25:55
880 lượt xem
Thái Bình là tỉnh ven biển, có địa hình bằng phẳng, nên nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề hơn các tỉnh khác nếu không làm tốt công tác phòng chống thiên tai. Hiện nay, mùa mưa, bão đã đến, do đó các cấp, ngành, địa phương phải chuẩn bị sớm, đầy đủ mọi mặt cho công tác phòng chống lụt bão (PCLB), không chủ quan lơ là, mất cảnh giác. Phấn đấu không để tổn thương cho dân sinh khi thiên tai xảy ra.

Dự án nâng cấp tuyến đê biển số 5, số 6 thuộc huyện Tiền Hải đang được gấp rút hoàn thành.

Năm 2013, theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Thái Bình, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm; số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 5-6 cơn, trong đó Thái Bình có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Thái Bình là tỉnh  ven biển, có địa hình bằng phẳng, nên nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề hơn các tỉnh khác nếu không làm tốt công tác phòng chống thiên tai. Hiện nay, mùa mưa, bão đã đến, do đó các cấp, ngành, địa phương phải chuẩn bị sớm, đầy đủ mọi mặt cho công tác phòng chống lụt bão (PCLB), không chủ quan lơ là, mất cảnh giác. Phấn đấu không để tổn thương cho dân sinh khi thiên tai xảy ra.

Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín, với tổng chiều dài 584,6 km; trong đó có 362,8 km từ cấp III trở lên, còn lại 221,8 km đê bối, đê bao và đê vùng. Các tuyến đê có 101 kè hộ bờ, với trên 100 km kè lát mái và 60 kè mỏ; dưới đê có 219 cống lớn nhỏ làm nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Văn Thăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Mặc dù trong những năm qua các công trình đê điều được Nhà nước đầu tư kinh phí để tu bổ, nâng cấp song vẫn còn thấp so với yêu cầu, nhiều đê, kè, cống bị hư hỏng chưa được khắc phục. Đồng thời, một số công trình tu bổ, nâng cấp đê điều hoàn thành chậm, không đáp ứng kịp thời khi mùa mưa, bão đến. Số vụ vi phạm Luật Đê điều có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước, như làm hàng quán trong hành lang bảo vệ đê, hút cát trái phép ở lòng sông; chất thải vật liệu xây dựng quá cao ở bãi sông, đỉnh kè; xe quá tải đi lại trên đê làm hư hỏng mặt đê; đổ chất thải ra đê…

Song, việc giải quyết của một số cấp chính quyền kéo dài và chưa triệt để, thiếu kiên quyết, còn có hiện tượng né tránh trách nhiệm.  Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng có đủ binh chủng, nhưng số người lại không đủ; phân công nhiệm vụ cho từng lực lượng, từng người thiếu cụ thể; vật tư, dụng cụ, phương tiện ở các điếm gác nước chất lượng kém và không đủ số lượng theo quy định…

Năm 2013, để khắc phục tình trạng trên, tại cuộc họp triển khai công tác PCLB,  đồng chí Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phải chủ động chuẩn bị sớm và đầy đủ mọi mặt, chống mọi biểu hiện chủ quan lơ là, mất cảnh giác trong công tác PCLB. Tích cực chủ động đề phòng những đợt lũ lớn, những cơn bão mạnh đổ bộ vào và phải có phương án đối phó với trường hợp bất lợi nhất là lũ, bão trùng hợp xảy ra. Quán triệt sâu sắc đến cán bộ và các tầng lớp nhân dân nắm vững phương châm 4 tại chỗ để "chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi thiên tai xảy ra. Theo đó,  các sở, ngành, đơn vị phải sớm hoàn thành công tác đắp đê, làm kè, xây sửa cống bảo đảm khối lượng, chất lượng và thời gian quy định để kịp thời phục vụ PCLB.

Trước mùa lũ, bão năm 2013, theo đánh giá hiện trạng đê, kè, cống của các huyện, thành phố, các đơn vị trong ngành Nông nghiệp thì đê Hồng Hà I có điểm xung yếu 1 là đê Nhật Tảo; xung yếu 2 có đê, kè Lão Khê, đê Hà Xá, Hồng An thuộc địa phận huyện Hưng Hà. Đê Hồng Hà II, xung yếu 1 có đê, kè Hướng Điền; xung yếu 2 gồm cống An Điện, đê Phú Chử, đê Vũ Tiến, Thái Hạc (Vũ Thư), đê kè Vũ Bình, Minh Tân (Vũ Thư)… Những trọng điểm xung yếu trên, Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã yêu cầu mỗi trọng điểm phải lập một phương án cứu hộ đê; tùy theo quy mô kích thước của từng trọng điểm để chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu có sự cố xảy ra. Phương án các trọng điểm xung yếu phải được lập xong trước ngày 30/5.

Năm 2013, việc tu bổ đê điều thường xuyên và duy tu bảo dưỡng đê điều đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT và Tổng cục Thủy lợi phê duyệt cho tỉnh 15 hạng mục, gồm đắp mở rộng mặt đê với khối lượng 70.921 m3 đất, 3.721 m3 đá các loại và 243 m3 bê tông; 3 hạng mục khoan phụt vữa gia cố thân đê… Hiện nay, các hạng mục đã và đang được triển khai thực hiện, như đắp mở rộng mặt đê hữu Trà Lý từ K35+150 đến K36+350 (huyện Kiến Xương) đã thực hiện được trên 4.000m3 đất đắp. Hay việc xử lý khẩn cấp các đoạn đê, kè do bão số 8 năm 2012 gây ra đã thực hiện được khá lớn khối lượng công việc. Cụ thể, thực hiện xong 100% khối lượng dự toán được duyệt về xử lý kè Phương Cúc; kè Đại Đồng tả, kè An Lập, huyện Đông Hưng đã gieo xong đá tạo mái và thả rồng thép lõi đá…

Đối với dự án nâng cấp đê biển, hiện có 29,22 km đê hoàn thành, đủ mặt cắt và cao trình thiết kế đã bàn giao đưa vào sử dụng; 13,79 km đê đã hoàn thành, đủ mặt cắt và cao trình thiết kế nhưng chưa bàn giao; 12,12 km đê đã làm xong mái đê phía biển và tường chắn sóng. Ngoài ra, các đoạn đê vẫn đang tiếp tục được thi công, như đê biển số 5 huyện Tiền Hải, từ K3+000 đến K3+953,6 thực hiện được 96% khối lượng dự toán được duyệt; K17+500 đến K21+000, thực hiện 95,5% khối lượng dự toán được duyệt…

Nhìn chung, đến nay các sở, ngành, đơn vị, huyện, thành phố đang nỗ lực triển khai công tác PCLB. Sở Nông nghiệp & PTNT đã kết hợp với các huyện, thành phố kiểm tra, xác định các trọng điểm xung yếu của đê điều và xây dựng phương án bảo vệ; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai phương án sử dụng lực lượng bộ đội thường trực, lực lượng dự bị động viên, cùng với trang thiết bị sẵn sàng cơ động để hộ đê, cứu hộ đê và phục vụ PCLB; Sở Xây dựng chuẩn bị 200 m3 đá dăm, 200 m3 cát vàng ở nơi quy định… Với sự nỗ lực trên sẽ góp phần không nhỏ bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; phòng tránh và tiêu úng cho cây trồng, vật nuôi… ở mức cao nhất.

 Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày