Thứ 7, 04/01/2025, 10:43[GMT+7]

Bảo tồn và phát triển giống mít bản địa

Thứ 7, 18/02/2023 | 12:03:44
4,337 lượt xem
Mít dai vàng là cây trồng truyền thống của xã Hà Giang (Đông Hưng) có hương vị thơm ngon, ngọt hơn so với các loại mít khác trên thị trường. Ngành nông nghiệp, xã Hà Giang đang chú trọng chăm sóc, nhân giống và thâm canh từ đó lưu giữ, phát triển nguồn quỹ gen phục vụ mở rộng diện tích, góp phần tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây mít đặc sản này.

5,3 vạn cây mít dai vàng giống được HTX Bảo tồn và phát triển mít dai vàng Hà Giang (Đông Hưng) nhân giống từ các cây mít đầu dòng.

Ông Đặng Văn Khang, thành viên HTX Bảo tồn và phát triển mít dai vàng Hà Giang, một trong những người rất tâm huyết trong việc bảo tồn, phát triển giống mít bản địa của xã cho biết: Mít dai vàng Hà Giang cây cao to, ít lá, múi vàng, dày, tỷ lệ đường, vitamin C cao, khả năng khai thác lâu dài. Cây cho năng suất cao, đặc biệt là rất dễ trồng, ít sâu bệnh. Trung bình mỗi cây mít cho thu từ 10 - 15 quả/năm, mỗi quả nặng từ 8 - 12kg. Với giá bán từ 6.000 - 20.000 đồng/kg, mít cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ha, tương đương 8 - 10 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều lần cấy lúa. Hiện trên địa bàn xã Hà Giang có khoảng 4 vạn cây mít dai vàng, trong đó có hàng chục cây có độ tuổi trên 100 tuổi, hàng trăm cây có độ tuổi từ 50 - 100 tuổi. Trên cơ sở các tiêu chí như chất lượng, hương vị quả, năng suất..., tháng 8/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 7 cây mít đầu dòng. Đây là nguồn cung cấp vật liệu nhân giống cho HTX, hộ dân sản xuất, kinh doanh giống bảo đảm chất lượng cao. Đồng thời, là địa chỉ để người dân mua giống có nguồn gốc rõ ràng, góp phần phát triển sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững.

Cũng trong năm 2022, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, HTX Bảo tồn và phát triển mít dai vàng Hà Giang đã nhân giống được 5,3 vạn cây mít giống. Hưởng ứng phong trào trồng cây đầu xuân Quý Mão, HTX đã xuất bán được khoảng 3 vạn cây giống cho các địa phương, doanh nghiệp trồng. Ông Đặng Văn Khang cho biết thêm: Từ cây mít đầu dòng, chúng tôi chọn các quả mít tại vị trí thân cây bảo đảm các tiêu chí: tròn, to, không sâu, thối để lấy hạt, nhân bản hữu tính. Hạt mít được chọn là các hạt nằm ở nửa cuống trên của quả mít, hạt to, tròn, được xử lý bằng thuốc trước khi đưa vào ngâm ủ. Đất để làm bầu ươm cây cũng được lựa chọn kỹ càng, tơi xốp, trộn thêm các loại dinh dưỡng bảo đảm cho cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Lợi ích của việc phát triển cây mít dai vàng là rất lớn. Cây mít là cây đa tác dụng, quả có giá trị về kinh tế, gỗ sử dụng nhiều trong đời sống, đặc biệt cây xanh tốt quanh năm, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh. Hưởng ứng tết trồng cây, ngành nông nghiệp đã phát động phong trào trồng cây phân tán nội đồng, trong đó huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, đến nay đã hỗ trợ các địa phương trong tỉnh hơn 2 vạn cây mít dai vàng giống để trồng tại các vùng chuyển đổi, vườn tạp, đường làng, đường giao thông nội đồng... hình thành các vùng sản xuất đa tầng, đa giá trị, hướng tới xây dựng thương hiệu “mít Thái Bình”.

Hưởng ứng phong trào trồng cây phân tán nội đồng, HTX Bảo tồn và phát triển mít dai vàng Hà Giang (Đông Hưng) đã xuất bán được trên 2 vạn cây mít giống.

Là một trong những địa phương tiếp nhận 3.000 cây mít dai vàng giống từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp, xã Nam Hải (Tiền Hải) đã tổ chức bàn giao cho các thôn, người dân. Ông Trương Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/1/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Được tiếp nhận cây mít giống có chất lượng sẽ là cơ hội để người dân Nam Hải nâng cao thu nhập. Chúng tôi đã bàn giao cây cho các thôn, cá nhân đăng ký, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây phát triển tốt, bảo đảm yêu cầu, mục đích, ý nghĩa của phong trào trồng cây phân tán nội đồng do ngành nông nghiệp phát động.

Hiện xã Hà Giang đang quy hoạch xây dựng vùng cây thương hiệu trồng mít dai vàng 14ha thuộc thôn Bắc Song và thôn Nam Tiến, đang chờ tỉnh phê duyệt. Người dân, chính quyền địa phương cũng mong mỏi sản phẩm mít dai vàng Hà Giang được công nhận sản phẩm OCOP để có sự quan tâm, phát triển bài bản, phát huy giá trị của giống mít quý.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày