Thứ 2, 06/01/2025, 14:32[GMT+7]

Người mang hòe phủ xanh đất bãi

Thứ 5, 02/03/2023 | 08:13:13
4,707 lượt xem
Không chỉ gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, những năm qua, ông Vũ Thế Hoàng, Trưởng thôn Phú Mỹ, xã Hồng Lý (Vũ Thư) còn luôn tận tâm với việc làng, việc xã, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, được nhân dân tin yêu, quý mến.

Với hơn 2 mẫu trồng hòe, mỗi năm ông Vũ Thế Hoàng (người ngoài cùng bên trái) thu về hàng trăm triệu đồng.

Khác với trước đây, cây hòe không còn xuất hiện rải rác trong mỗi mảnh vườn hay con đường của xã Hồng Lý mà màu xanh của hòe đã lan rộng khắp mọi nơi từ trong làng ra ngoài cánh đồng và tới tận bờ bãi, trở thành cây trồng chủ lực của người dân nơi đây. Một trong những người tiên phong mang cây hòe phủ xanh đồng đất nơi đây chính là ông Vũ Thế Hoàng. 

Ông Hoàng chia sẻ: Do được phù sa của sông Hồng bồi đắp nên đất đai ở Hồng Lý rất màu mỡ, phù hợp cho phát triển nông nghiệp, tuy nhiên bà con chưa tìm thấy cây trồng thực sự phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế. Sau nhiều lần đi tham quan, học hỏi ở nhiều mô hình khác nhau, đặc biệt là các mô hình trồng hòe quy mô lớn ở xã Bách Thuận, tôi đã về thuê lại diện tích đất ngoài chân đê để trồng hòe. Sở dĩ tôi lựa chọn trồng cây hòe là vì không đòi hỏi nhiều vốn, kỹ thuật và công chăm sóc như các loại cây khác. Hiệu quả kinh tế của cây hòe phụ thuộc vào giá hòe trên thị trường nhưng tối thiểu cũng bằng cấy lúa, trồng đậu, đỗ, ngô; trung bình cho hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần cấy lúa, trồng ngô, ngoài ra còn có thêm nguồn thu bình quân 2 - 3 triệu đồng/sào từ các loại rau màu, đậu, đỗ trồng xen trên đất hòe.

Anh Nguyễn Duy Cường, người dân trong thôn cho biết: Thời gian đầu chỉ có gia đình ông Hoàng cùng 5 hộ khác mạnh dạn đưa cây hòe ra trồng diện tích lớn. Sau khi thấy hiệu quả cây hòe mang lại, các gia đình trong thôn, trong xã bắt đầu chuyển đổi diện tích trồng lúa, hoa màu sang trồng hòe. Hiện gia đình tôi cũng có 3 mẫu hòe đang cho thu hoạch. Thường thì khi vào vụ, buổi sáng chúng tôi thu hòe, buổi trưa sao hòe, chiều bán luôn cho thương lái. Từ khi học ông Hoàng chuyển đổi sang trồng hòe, kinh tế của gia đình khá hơn trước, đời sống nhiều cải thiện.

Ông Hoàng cho biết: Gia đình tôi có hơn 2 mẫu trồng hòe. Chỉ tính riêng năm 2022 thu về trên 300 triệu đồng từ tiền bán hoa hòe. Hòe trồng sau 1 năm đã có thể cho thu hoạch, tuy nhiên số lượng hoa chưa nhiều nhưng cũng đủ tiền đầu tư giống, phân bón. Từ năm thứ hai, hòe cho thu hoạch khoảng 80kg/sào, càng về sau lại cho sản lượng nhiều hơn trung bình đạt khoảng 1,5 tạ/sào/năm. Trung bình mỗi sào trồng hòe cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/năm. Năm thấp nhất, giá hòe bán 30.000 - 40.000 đồng/kg, tính ra một sào hòe cũng thu được 3 - 4 triệu đồng/năm, tuy thấp nhưng vẫn cho hiệu quả bằng cấy lúa, trồng màu. Đến nay, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trong thôn đều đã chuyển sang trồng hòe.

Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế, ông Hoàng còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương. Năm 2018, ông được bà con trong thôn tín nhiệm bầu làm trưởng thôn và giữ cương vị này từ đó đến nay. Làm công việc “vác tù và hàng tổng” nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ ông nản lòng. 

Ông chia sẻ: Cái khó cho người làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo là phải tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Để làm được điều đó, hơn lúc nào hết mình phải công tâm, minh bạch, lương - giáo hài hòa, lắng nghe bà con nói, thấu hiểu nguyện vọng của bà con. Mà bà con thì mỗi người một ý, điều quan trọng là phải phân tích, giảng giải, đưa ra ý kiến chung nhất, lấy biểu quyết của tập thể, tuyên truyền, vận động mọi người cùng hưởng ứng. Bởi thế, không ít phong trào thi đua tưởng khó lại hóa dễ. Chẳng hạn như phong trào xây dựng nông thôn mới từ việc dồn điền đổi thửa chỉnh trang đồng ruộng đến hiến đất, góp tiền cứng hóa, mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa. Đến nay, thôn có hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối toàn diện. Nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế; thu nhập trung bình của người dân trong thôn đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Trần Xuân Chính, Bí thư Đảng ủy xã: Từ một thôn còn nhiều khó khăn song những năm gần đây thôn Phú Mỹ trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đảng ủy, UBND xã đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, ban công tác mặt trận thôn, trong đó có dấu ấn quan trọng của đồng chí trưởng thôn. Không chỉ làm tốt vai trò trưởng thôn, ông Hoàng còn là hạt nhân đoàn kết lương - giáo của địa phương. Là một đảng viên Công giáo, bằng uy tín của mình ông đã vận động bà con giáo dân nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; xây dựng mối quan hệ hài hòa, đoàn kết, gắn bó toàn dân. Với ông, ngày nào còn đứng trong hàng ngũ của Đảng, còn sức khỏe, còn được bà con tín nhiệm là ngày đó ông còn cống hiến, là tấm gương để mọi người học tập.

Toàn bộ vùng đất bãi ven sông của xã Hồng Lý (Vũ Thư) được phủ kín bới màu xanh của cây hòe.


Đào Quyên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày