Thứ 4, 27/11/2024, 00:38[GMT+7]

Tìm chỗ đứng cho gạo Thái Bình

Thứ 3, 14/03/2023 | 08:37:44
12,506 lượt xem
Dù sản lượng lớn, chất lượng ngon nhưng đến nay gạo Thái Bình vẫn chưa có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường. Vì thế, lúa, gạo tuy là lĩnh vực thế mạnh của tỉnh nhưng chưa thể phát huy, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Xây dựng thương hiệu và tìm chỗ đứng cho gạo chính là giải pháp giúp nông nghiệp thực sự trở thành trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh hiện nay.

Nhiều giống lúa của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed có chất lượng cao.

Vùng đất của những giống lúa đặc sản

Thái Bình từ lâu được gắn với hình ảnh quê lúa. Thực vậy, không nơi đâu có cánh đồng bằng phẳng, thẳng cánh cò bay; hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ, hiện đại đáp ứng tốt cho sản xuất nông nghiệp nói chung, thâm canh lúa nước nói riêng như ở Thái Bình. 

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thái Bình có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực đồng bằng sông Hồng với khoảng 155.000ha/năm và là tỉnh luôn đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên cho năng suất lúa rất cao, tổng sản lượng đạt gần 1 triệu tấn/năm.

Không chỉ có diện tích gieo cấy và sản lượng thóc, gạo lớn, Thái Bình còn có rất nhiều giống lúa đặc sản, chất lượng cao mà không nơi nào có được. Về huyện Quỳnh Phụ, nếu một lần được thưởng thức cơm Tám Xuân hoặc cơm Hom râu ai cũng phải nhớ mãi hương thơm, cơm dẻo và vị đậm đà của các loại gạo đặc sản này. Đây là các giống lúa truyền thống của xã An Thanh. 

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã An Thanh cho biết: Giống lúa Tám Xuân và Hom râu cho hạt gạo dài, bóng đẹp, hương thơm đặc trưng và nấu cơm rất dẻo, ăn rất ngon nên được thị trường ưa chuộng. Hai giống lúa này có năng suất khá, cho giá trị kinh tế cao gấp 2 lần giống lúa thường.

Nếu như các giống lúa Tám Xuân, Hom râu, A Sào tạo nên thương hiệu của lúa, gạo huyện Quỳnh Phụ thì huyện Đông Hưng có gạo làng Giắng; huyện Vũ Thư có gạo Hương Cốm, nếp Bể làng Keo; huyện Kiến Xương có gạo chợ Gốc, gạo Rươi Hồng Tiến, nếp Tây Sơn; huyện Tiền Hải có gạo Tám thơm, gạo Hoa cúc vàng, gạo T10... Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 35 loại gạo đặc sản đã có nhãn hiệu trong đó nhiều loại đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, hiện đang được đề nghị xếp hạng 4 sao. Đặc biệt, gạo TBR39 của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon Việt Nam năm 2022.

Nhiều gạo đặc sản nhưng chưa đặc hiệu

Thái Bình có rất nhiều loại lúa, gạo đặc sản ngon có tiếng, tuy nhiên nó chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là quy mô sản xuất còn manh mún. 

Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc (doanh nghiệp chế biến, kinh doanh lúa, gạo) cho biết: Thực tế các giống lúa đặc sản của mỗi địa phương chỉ được thâm canh với diện tích từ vài chục héc-ta đến gần 100ha trên địa bàn một thôn hoặc một vài thôn. Diện tích gieo cấy không lớn nên sản lượng lúa, gạo làm ra không nhiều, dừng lại ở mức tự sản tự tiêu, làm quà biếu hoặc chỉ đủ cung cấp cho người tiêu dùng trong xã, trong huyện, chưa trở thành hàng hóa phục vụ thị trường rộng lớn, vì thế không mang lại giá trị kinh tế cao.

Điều đáng lo ngại nhất đối với bà con nông dân cũng như những doanh nghiệp muốn hợp tác phát triển các giống lúa đặc sản địa phương hiện nay chính là chất lượng gạo thiếu ổn định. Việc không có những cánh đồng lớn chuyên canh một giống là nguyên nhân lúa bị lai tạo pha tạp, không còn giữ được chất lượng nguyên chủng. Ngoài ra, việc chọn tạo bảo tồn, duy trì chất lượng giống lúa chưa được quan tâm, bà con nông dân tự nhân giống thủ công làm cho giống lúa mất đi những ưu điểm, thế mạnh về chất lượng.

Ông Lâm Văn Tỷ, Giám đốc chuỗi siêu thị Co.opXtra (Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Co.op) cho biết: Sản phẩm lúa gạo của Thái Bình ít có mặt trong các siêu thị, trung tâm thương mại hay các sàn thương mại điện tử bởi khâu chế biến, bảo quản, đóng gói, nhãn mác còn hạn chế. Phần lớn gạo của Thái Bình được tiêu thụ theo số lượng đơn vị tấn, chưa có nhiều sản phẩm gạo được đóng gói theo quy cách từ 1kg đến 10kg để thuận tiện vận chuyển, dễ trưng bày, phù hợp nhu cầu người tiêu dùng. Thêm vào đó, thông tin về giống lúa, chất lượng gạo chưa được quảng bá, khai thác cũng làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhiều người bị cuốn hút bởi rất nhiều loại gạo đặc sản của Thái Bình được giới thiệu tại hội nghị phát triển thị trường lúa, gạo Thái Bình.

Đưa gạo Thái Bình vươn xa

Tại hội nghị phát triển thị trường lúa, gạo Thái Bình do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng bàn và đề xuất những giải pháp để xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình cũng như tìm thị trường, nâng cao giá trị sản xuất lúa, gạo cho nông dân. 

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã An Thanh (Quỳnh Phụ) cho biết: Chúng tôi rất cần các nhà khoa học nghiên cứu chọn tạo, phục tráng các giống lúa truyền thống đặc sản của địa phương để có được bộ giống tốt chuyên canh. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ địa phương đầu tư cơ sở chế biến nông sản; hỗ trợ HTX lập mã số vùng trồng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý cần thiết để tham gia xuất khẩu gạo.

Đồng quan điểm cần có bộ giống tốt, ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho rằng: Việc nghiên cứu, chọn tạo giống lúa tốt phải gắn với nhu cầu của thị trường, tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó, chúng ta phải đẩy nhanh tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất quy mô lớn để lúa, gạo trở thành hàng hóa. Quy vùng sản xuất gieo cấy từng giống lúa vừa bảo đảm chất lượng lúa, gạo vừa cung cấp đủ nguyên liệu cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Muốn nâng cao giá trị và phát triển thị trường lúa, gạo, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho rằng phải xây dựng được thương hiệu cho gạo Thái Bình. Để làm được điều này cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nông dân. ThaiBinh Seed sẵn sàng cung cấp bộ giống chất lượng cao, phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư hệ thống chế biến gạo công nghệ cao góp phần xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình. Mong các bộ, ngành trung ương hỗ trợ cho Thái Bình xây dựng thương hiệu gạo và xúc tiến phát triển thị trường cả ở trong và ngoài nước.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định: Thái Bình đang đi đúng hướng với việc tập trung phát triển lúa đặc sản và cần thúc đẩy nhanh để chiếm lĩnh thị trường, đồng thời xác lập được thương hiệu gạo của tỉnh. 

Còn ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ: Với diện tích gieo trồng và sản lượng lúa, gạo của Thái Bình như hiện nay thì chưa có áp lực về tiêu thụ, song để nâng cao giá trị lúa, gạo tỉnh nên ưu tiên nguồn lực phát triển thương hiệu, đầu tư thích đáng cho sáng tạo mẫu mã bao bì sản phẩm gạo. Các địa phương, doanh nghiệp sớm nghiên cứu đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng mẫu mã, đóng gói nông sản; có chiến lược tuyên truyền quảng bá lâu dài, bài bản, gắn sản phẩm lúa, gạo với hình ảnh, văn hóa địa phương.

Là chuyên gia trong ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo: Thái Bình có nhiều giống lúa chất lượng cao nhưng cũng cần khảo sát, đánh giá xem giống lúa nào phù hợp với chất đất, xứ đồng nào để tạo tối ưu về chất lượng gạo và gắn địa lý với loại gạo đó. Và để cho thương hiệu gạo của Thái Bình được lan tỏa rộng khắp, ngoài đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, cũng đến lúc tỉnh nghĩ đến có cuộc thi về gạo ngon ngay tại Thái Bình để phát hiện, tôn vinh và giúp thị trường biết nhiều hơn về lúa, gạo nơi đây.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày