Chủ nhật, 03/11/2024, 02:26[GMT+7]

Tiền Hải: Phát triển thế mạnh nuôi ngao

Thứ 4, 15/03/2023 | 08:48:27
5,484 lượt xem
Huyện Tiền Hải với lợi thế đường bờ biển dài trên 23km, nằm giữa hai cửa sông lớn là Trà Lý và Ba Lạt, có vùng bãi triều tương đối bằng phẳng nên rất phù hợp cho việc nuôi ngao. Những năm qua, huyện tiếp tục phát triển diện tích nuôi ngao theo hướng bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Các hộ dân huyện Tiền Hải thu hoạch ngao thương phẩm.

Làm giàu từ nuôi ngao

Với những ưu thế về vùng bãi triều, những năm qua, người dân xã Đông Minh đã đầu tư vốn, nhân lực để phát triển nghề nuôi ngao. Hiện nay địa phương có 285 hộ nuôi ngao với tổng diện tích trên 450ha. Hàng năm, giá trị sản xuất từ nuôi ngao của xã đạt 125 tỷ đồng. Nghề nuôi ngao giúp người dân nơi đây có cuộc sống ổn định. 

Ông Bùi Văn Sáng, thôn Ngải Châu cho biết: Đã một thời nghề nuôi ngao được coi là nghề siêu lợi nhuận. Tuy hiện nay ngao không còn mang lại nguồn lợi nhuận lớn như xưa nhưng vẫn là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế và không thể thay thế tại các bãi triều ven biển. Thực tế từ các hộ nuôi ngao cho thấy đây là loài dễ nuôi, ít bệnh, lợi nhuận thu về cao gấp 3 - 4 lần so với vốn bỏ ra, nên các hộ dân đã đầu tư nuôi ngao. Để nuôi ngao thành công phải nắm vững kỹ thuật, trước khi thả ngao giống cần phải vệ sinh bãi triều như dọn bỏ các vỏ nhuyễn thể, san phẳng bãi; con giống nên thả giống ngao lớn sẽ nhanh thu hoạch và đỡ bị thất thoát. Bãi thả ngao có nền đất cát, bằng phẳng là thích hợp nhất cho ngao phát triển. Nhờ nắm vững kỹ thuật nên diện tích nuôi ngao của tôi luôn đạt hiệu quả cao, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Với 9ha nuôi ngao, năm 2022 tôi đã thu hoạch 3ha, thu về 1,5 tỷ đồng.

Bên cạnh nuôi ngao thương phẩm, vài năm trở lại đây người dân Tiền Hải còn phát triển ương ngao giống. Diện tích nuôi ngao giống của huyện đạt khoảng 300ha. 

Ông Đào Văn Tính, thôn Chí Cường, xã Nam Cường cho biết: Trước đây, để nuôi ngao, người dân Nam Cường cũng như các địa phương ven biển của huyện đều phải nhập giống từ Nam Định, Thanh Hóa. Do đó, gia đình tôi đã đầu tư trên 300 triệu đồng để nuôi ngao giống trên diện tích 3ha. Để nuôi ngao giống thành công phải bảo đảm quy trình chăm sóc như giữ nhiệt độ tốt cho ngao sinh trưởng, vùng nước sạch, nuôi với mật độ vừa phải. Mật độ thả giống thường là 100kg/1.000m2 với cỡ giống 5 vạn con/kg. Nuôi ngao giống chi phí lớn nhất là tiền đầu tư cải tạo ao, không mất chi phí thức ăn trong khi các điều kiện môi trường nước nuôi hoàn toàn chủ động điều tiết được. Ngao sống hoàn toàn bằng nguồn thức ăn tự nhiên, chủ yếu là phù du, tảo biển. Năm qua, nhờ các ngành chuyên môn tập huấn khoa học kỹ thuật ương nuôi ngao, đến nay gia đình tôi đã cung cấp ngao giống với chất lượng tốt, giá thành rẻ hơn so với các cơ sở khác.

Hộ dân xã Nam Cường, Tiền Hải thu hoạch ngao giống.

Để nghề nuôi ngao phát triển bền vững

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Đến nay, diện tích nuôi ngao của huyện đạt trên 2.300ha ở các xã Nam Thịnh, Đông Minh, Nam Phú, Nam Cường... Hàng năm sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 72.616 tấn, trong đó ngao chiếm 63.980 tấn. Để bảo đảm phát triển diện tích nuôi ngao ổn định, mang lại hiệu quả cao, huyện tạo điều kiện cho hộ nuôi tiếp cận nguồn vốn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nuôi, chế biến ngao. Hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ, làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn hộ nuôi ngao tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi ương. Chú trọng triển khai đầu tư xây dựng công trình hạ tầng phục vụ vùng sản xuất và ương ngao giống tập trung. Triển khai các cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư tiền vốn, lao động, khoa học công nghệ để sản xuất ngao giống tại địa phương. Ngoài ra, Tiền Hải cũng đã có kế hoạch xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, trong đó có diện tích nuôi ngao giống. Tiếp tục hỗ trợ duy trì và phát triển các chuỗi liên kết trong nuôi trồng, chế biến ngao, kêu gọi doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu phát triển các sản phẩm mới từ ngao.

Hiện nay, sản phẩm ngao thương phẩm của Tiền Hải chủ yếu xuất đi các tỉnh miền Nam và thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Sản phẩm ngao chế biến hút chân không của Công ty TNHH Nghêu Thái Bình được xuất khẩu sang các nước châu Âu nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với tổng sản lượng ngao thương phẩm của huyện.


Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày