Thứ 4, 08/01/2025, 01:53[GMT+7]

Thay đổi phương thức gieo cấy để loại bỏ lúa cỏ

Thứ 7, 01/04/2023 | 09:34:58
1,748 lượt xem
Những năm qua, trên đồng ruộng Kiến Xương xuất hiện lúa cỏ phát sinh gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa. Trước thực trạng đó, các địa phương trong huyện đã thay đổi phương thức gieo cấy để hạn chế lúa cỏ phát sinh gây hại.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kiến Xương kiểm tra đánh giá tỷ lệ bị nhiễm lúa cỏ.

Xã Quốc Tuấn từng là một trong những “điểm nóng” về lúa cỏ phát sinh gây hại. Bà Nguyễn Thị Xỉu, thôn Thụy Lũng Đông cho biết: Nhà tôi thường cấy 5 mẫu ruộng, những năm trước đây ruộng nào cũng có lúa cỏ, năm ngoái có ruộng lúa cỏ lên dày như mạ phải phun thuốc cho lúa chết đi rồi cấy lại. Do không có nhân lực nên các vụ trước tôi gieo sạ 100% tính ra giảm được nhân công nhưng chi phí lại quá lớn bởi vừa mất công dặm lại vừa tốn chi phí vào phân bón. Như vụ mùa năm ngoái, ngoài chi phí vào cày bừa, chỉ riêng tiền phân bón 250.000 đồng/sào, chi phí dặm lại 4,5 triệu đồng. Mặc dù tốn kém vậy nhưng cuối cùng vẫn không có thóc ăn nên năm nay tôi quyết tâm chuyển sang gieo mạ cấy với chi phí 6 triệu đồng để khắc phục tình trạng lúa cỏ. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc, thôn Đắc Chúng Trung cấy thường xuyên gần 1 mẫu lúa chia sẻ: 3 năm nay lúa cỏ đã xuất hiện trên đồng ruộng tuy nhiên từ năm ngoái đến nay xuất hiện nhiều hơn. Do đó tôi cũng làm theo chỉ đạo của HTX chuyển sang cấy máy để đạt năng suất lúa cao hơn. Đến nay bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt, lúa cỏ không còn trên diện tích cấy máy.

Ông Phạm Văn Thơ, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Quốc Tuấn cho biết: Đặc thù của địa phương những năm trước đây là gieo sạ 100% diện tích ở cả 2 vụ lúa nên tình trạng lúa cỏ xuất hiện nhiều dẫn đến một số diện tích không được thu hoạch khiến bà con không thiết tha với đồng ruộng. Có những năm có tới 50ha bị nhiễm lúa cỏ, hàng chục héc-ta bị nhiễm nặng phải cắt bỏ. Trước thực trạng đó Đảng ủy, UBND xã đã quyết liệt chỉ đạo HTX tuyên truyền, vận động xã viên chuyển đổi phương thức từ gieo sạ sang gieo cấy để nhân ra diện rộng. Vì thế, vụ mùa năm 2022 HTX đã làm thí điểm 1 mẫu ở chính vùng đại dịch lúa cỏ để so sánh với ruộng gieo sạ bên cạnh. Kết quả 1 mẫu cấy tay đã không có lúa cỏ, năng suất lúa đạt cao, chất lượng gạo tốt, diện tích gieo sạ bên cạnh vẫn nhiễm lúa cỏ và bị mất mùa. Sau đó xã tổ chức hội nghị đầu bờ để bà con được tận mắt chứng kiến và quyết tâm chuyển đổi toàn bộ vùng trọng điểm về lúa cỏ sang gieo cấy với khoảng 20ha ở vụ xuân 2023. Hiện nay vùng cấy này lúa phát triển tốt, không có lúa cỏ mọc.

Lúa cỏ xuất hiện trên diện tích gieo sạ ở xã Quốc Tuấn (Kiến Xương).

Đến cánh đồng xã Trà Giang, ông Phạm Văn Đài, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Trước đây vùng này bị nhiễm lúa cỏ nhiều nhất xã, nhiều ruộng mất trắng không được thu hoạch. Nhờ có sự chỉ đạo vào cuộc tích cực từ các cơ quan chuyên môn, từ năm 2020 chúng tôi đã tổ chức họp dân để phổ biến rõ hơn về tác hại của lúa cỏ, hướng dẫn nhân dân dùng các biện pháp thủ công như nhổ bỏ khi lúa cỏ ở giai đoạn đầu và cắt bỏ nếu diện tích nhiễm nặng từ 70% diện tích trở lên. Qua các vụ HTX đã tổ chức nhiều hội nghị để tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho bà con, đặc biệt vụ xuân năm nay chúng tôi chỉ đạo một thôn tiến hành cày bừa nhiều lần, giữ nước khi cấy để ngừa lúa cỏ mọc. Kết quả đến nay diện tích lúa cỏ ở vùng gieo cấy đã giảm tới 80%, diện tích cấy máy đã tăng lên chiếm 60%. Đây là động lực để HTX tiếp tục vận động bà con bỏ thói quen gieo sạ, chuyển sang gieo mạ khay để cấy máy, gieo mạ nền để cấy tay trong những vụ tới.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kiến Xương cho biết: Qua kiểm tra hiện nay có 7 xã ở Kiến Xương đã xuất hiện tình trạng lúa cỏ. Tất cả những diện tích này đều tập trung chủ yếu ở diện tích gieo sạ và có nguồn gốc bị nhiễm từ các vụ lúa trước. Để hạn chế tình trạng này, ngay từ đầu vụ sản xuất, cán bộ của Trạm đã đi từng thôn, từng xã có nhiều lúa cỏ tập huấn cho bà con nông dân về cách nhận biết và các biện pháp ứng phó với lúa cỏ, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền để người dân thay đổi phương thức gieo cấy. Lúc đầu cũng còn một số khó khăn do người dân chưa tin và làm theo song qua những mô hình làm thí điểm đến nay người dân đã hiểu rõ hơn và đi vào thực hiện. Hiệu quả thể hiện rõ rệt nhất ở những xã có tỷ lệ lúa cỏ cao, nhiều ruộng phải cắt bỏ như Quốc Tuấn, Vũ Công, Lê Lợi thì đến vụ xuân năm 2023 đã giảm mạnh.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày