Thứ 4, 08/01/2025, 01:32[GMT+7]

Chị Hiền vượt khó làm giàu

Thứ 4, 05/04/2023 | 09:09:42
1,921 lượt xem
Năm 2000, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Kênh, xã Tây Đô (Hưng Hà) thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Sau đó, vợ chồng chị mạnh dạn học nghề rồi vào miền Nam lập nghiệp. Sau khi trở về quê hương, chị mở xưởng may, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Cơ sở may của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền tạo việc làm cho nhiều lao động.

Đến thăm ngôi nhà 2 tầng khang trang cùng gần 100m2 nhà xưởng ở phía sau, ít ai có thể biết rằng gần 20 năm trước, vợ chồng chị Hiền thuộc diện hộ nghèo của xã. Lớn lên trên mảnh đất nổi tiếng với món đậu phụ, chị Hiền cũng như nhiều người trong xã làm nghề ông cha để lại, tuy nhiên cái nghèo, cái khó vẫn cứ đeo bám.

Chị Hiền cho biết: Trước năm 2000, vợ chồng tôi chủ yếu sản xuất đậu phụ, nhưng vì điều kiện kinh tế eo hẹp nên không thể như các gia đình khác mang đậu đi bán ở xa nên thu nhập thấp hơn. Thấy rằng mình không thể bám trụ với nghề này, vợ chồng tôi quyết tâm học nghề may và vào miền Nam để kiếm vốn làm ăn. Hai vợ chồng động viên nhau chịu khó làm ăn, tiết kiệm, dần dần có vốn tích lũy trở về quê hương lập nghiệp.

Với hơn 200 triệu đồng trong tay, chị Hiền mở xưởng may với 10 máy, thuê 10 lao động, lên Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ để tìm nguồn nguyên liệu đúng theo yêu cầu của khách hàng. Thời điểm đầu, do mới làm nên chị gặp nhiều khó khăn: lao động tay nghề chưa cao, chất lượng sản phẩm chưa tốt nên gặp khách hàng khó tính phải bồi thường, đầu ra sản phẩm khó khăn, số lượng đơn hàng chưa nhiều nên phải vào các doanh nghiệp phía Nam để tìm đơn hàng cho mình. 

Chị Hiền cho biết thêm: Thời điểm 5 năm sau khi mở xưởng, vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng như phải nghỉ vì hết vốn. Song nhờ được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ tín chấp cho vay vốn, hai vợ chồng tích cực tìm kiếm đối tác, đơn hàng, bảo đảm chất lượng nên công việc dần ổn định.

Hiện nay chị Hiền đã xây dựng được 2 cơ sở may rộng hơn 200m2 ở Thái Bình và Phú Thọ với gần 40 lao động. Lao động được trả từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng tùy theo số lượng sản phẩm làm ra và tay nghề của họ. Năm 2023, trong khi các doanh nghiệp may mặc lớn gặp nhiều khó khăn về đơn hàng thì những cơ sở nhỏ như của chị Hiền vẫn ký kết được những đơn hàng nhỏ đến gần hết năm. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu về từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Quynh, Chủ tịch UBND xã Tây Đô đánh giá: Cơ sở gia công may mặc của chị Nguyễn Thị Hiền là một trong những cơ sở tiêu biểu của địa phương. Từ hai bàn tay trắng, với nỗ lực của bản thân, vợ chồng chị đã vươn lên làm giàu trên quê hương, không chỉ tạo được việc làm mà còn rất tích cực ủng hộ các phong trào, hoạt động của địa phương. UBND xã cùng các đoàn thể chính trị - xã hội hàng năm đều động viên, hỗ trợ và khen thưởng gia đình chị.

Trải qua nhiều vất vả trên chặng đường mưu sinh, giờ đây cuộc sống của gia đình chị Hiền luôn tràn ngập niềm vui khi con cái trưởng thành, có điều kiện kinh tế tốt hơn trước rất nhiều. Nhưng với chị, niềm vui lớn nhất là khi những nỗ lực, cố gắng của mình không chỉ giúp gia đình vươn lên trong cuộc sống mà còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ khác, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Cơ sở của chị Nguyễn Thị Hiền (áo đỏ) cho thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/năm.                      

 Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày