Thứ 4, 08/01/2025, 23:29[GMT+7]

Nâng tầm sản phẩm từ bèo tây

Thứ 7, 08/04/2023 | 18:45:57
5,180 lượt xem
Cây bèo tây (lục bình) từng là nỗi ám ảnh của người dân nông thôn bởi chúng sinh sản nhanh, gây tắc nghẽn dòng chảy. Tuy nhiên, qua bàn tay khéo léo cùng quyết tâm, nghị lực, bà Trần Thị Thiết, xã Thụy Sơn (Thái Thụy) đã tìm tòi, học hỏi, biến bèo tây trở thành đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu với doanh thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2022, giỏ làm từ bèo tây của bà Thiết cũng là 1 trong 17 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Thái Thụy được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Từ cây bèo tây có thể tạo ra nhiều sản phẩm thủ công xuất khẩu.

Gắn bó với nghề đan lát thủ công từ năm 2001, trải qua nhiều biến động của thị trường, cơ sở của bà Trần Thị Thiết cũng linh hoạt sản xuất các mặt hàng từ mây, cói, nhựa rồi đến bèo tây. Nhiều lúc khó khăn tưởng chừng phải dừng hoạt động nhưng với quyết tâm phát triển kinh tế cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều chị em lao động địa phương, bà Thiết lại lặn lội đi nhiều nơi, tìm kiếm đơn hàng, đầu ra cho sản phẩm. Khoảng 3 năm trở lại đây, cơ sở của gia đình bà hoạt động ổn định với sản phẩm đan từ nhựa, bèo tây xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan... 

Bà Thiết cho biết: Cơ sở của gia đình tôi làm theo đơn đặt hàng của công ty. Từ cây bèo tây có thể tạo ra nhiều sản phẩm thủ công khác nhau như giỏ, rổ đựng đồ... Công ty cung cấp bèo đã qua xử lý và các khung sắt được làm sẵn, người thợ đan chỉ việc móc nối các mối đan cho phù hợp và kín theo mỗi khung. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng làm được công việc cần sự tỉ mỉ này. Những sản phẩm khó phải cần đến những người thợ khéo tay, thu nhập tiền công từ các loại sản phẩm này cũng cao hơn so với các loại sản phẩm đan dễ. Hiện gia đình tôi có 24 vệ tinh không chỉ ở Thụy Sơn mà còn phủ khắp các xã trong huyện với khoảng 1.000 lao động.

Những ngày đầu cơ sở đi vào hoạt động, với mỗi đơn hàng mới, bà Thiết phải cẩn thận học hỏi kỹ thuật đan rồi truyền dạy cho các chị em khác ở địa phương. Những thành viên nòng cốt ấy truyền dạy lại cho nhau. 

Theo bà Thiết, nghề thủ công không bị mai một khi mẫu mã, chất lượng sản phẩm luôn được cải tiến, đổi mới. Đặc biệt, thị trường châu Âu rất ưa chuộng các sản phẩm thủ công được làm từ những chất liệu thân thiện với môi trường như bèo tây.

Hiện tại, cơ sở sản xuất của bà Thiết không có nhiều người làm, chủ yếu là nơi tập kết hàng từ các vệ tinh chuyển về sau khi được kiểm tra bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật. Hầu hết mọi người đều đến lấy nguyên liệu về nhà, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm. Từ khi có nghề đan thủ công, nhiều chị em phụ nữ không còn phải vất vả bươn trải bằng những nghề tay chân nặng nhọc mà kinh tế gia đình lại được cải thiện đáng kể. Nghề này giúp họ có thể tận dụng mọi thời gian rảnh để làm mà vẫn sắp xếp được việc nhà, có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái học hành nên được người dân đón nhận và gắn bó.

Bà Đinh Thị Miền, thôn Thượng Phúc Xanh cho biết: Tôi năm nay 60 tuổi, độ tuổi chưa phải cao nhưng cũng không còn trẻ để làm tại các công ty, xí nghiệp. Thu nhập của tôi tính theo sản phẩm nên thời gian không bị gò bó, có thể tranh thủ mọi lúc, mọi nơi. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với những người có tuổi như chúng tôi. Mỗi ngày, tôi cũng có thể kiếm được hơn 100.000 đồng, nhờ đó tôi có thêm thu nhập ổn định hàng tháng mà vẫn cấy được ruộng.

Hiện tại, cơ sở của gia đình bà Thiết mới chỉ là xưởng gia công sản xuất sản phẩm thô, chưa trực tiếp xuất khẩu. Thời gian tới, bà Thiết mong muốn mở rộng mặt bằng để từng bước tiến tới xuất khẩu trực tiếp sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ông Ngô Quốc Doanh, Chủ tịch UBND xã Thụy Sơn cho biết: Nghề đan bèo tây đã phát huy được lợi thế, phù hợp với mọi lứa tuổi do công việc nhẹ nhàng, có thể tranh thủ thời gian nhàn rỗi để làm mà lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, góp phần cải thiện môi trường. Sản phẩm giỏ làm từ bèo tây của gia đình bà Thiết được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh giúp địa phương hoàn thành một chỉ tiêu trong bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao. Thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện để cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, qua đó giúp nhiều người dân có thêm việc làm và tăng thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày