Thứ 5, 28/03/2024, 16:59[GMT+7]

Hiệu quả mô hình liên kết diệt chuột ở Đông Hưng

Thứ 2, 10/04/2023 | 08:23:53
2,415 lượt xem
Chuột là loài gặm nhấm tuy nhỏ nhưng khả năng sinh sản nhanh, có tác hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, các HTX DVNN trên địa bàn huyện Đông Hưng liên kết với các công ty tổ chức diệt chuột bài bản, đồng loạt không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn là tiền đề để có những vụ lúa thắng lợi.

Nông dân xã Đông Xuân (Đông Hưng) dù đã thực hiện nhiều biện pháp diệt chuột, ngăn chuột song hiệu quả chưa cao.

Thửa ruộng nhà ông Vũ Trọng Ngọ, xã Minh Phú nằm gần nghĩa trang, trước đây cấy lúa nhưng không được thu hoạch vì chuột cắn phá quá nhiều. Dù mỗi vụ ông phải bỏ ra gần 100.000 đồng mua nilon và cọc, mất thêm nhiều công lao động để quây quanh ruộng, bỏ ra 50.000 đồng/sào/vụ thuê tổ diệt chuột của thôn mà mất mùa vẫn hoàn mất mùa. Kể từ ngày HTX DVNN Minh Châu thuê công ty về diệt chuột, màu xanh đã trở lại các thửa ruộng, lúa lại trĩu bông. Mỗi vụ ông Ngọ chỉ phải bỏ ra 40.000 đồng/sào trả cho công ty. 

Ông Ngọ cho biết: Từ vụ xuân năm 2022 đến nay gia đình tôi không phải căng nilon, có công ty về giúp nên lúa không còn bị chuột phá hoại nữa, nhờ đó ruộng của gia đình đạt năng suất cao. Những ruộng ở quanh khu nghĩa trang này trước đây do chuột cắn phá, chi phí bỏ ra để diệt và ngăn chặn chuột quá lớn mà vẫn không có thu, bà con bỏ ruộng hoang nhiều; khi HTX DVNN đổi mới phương pháp diệt chuột nên các hộ đã tổ chức sản xuất trở lại.

Vụ xuân này là vụ thứ ba liên tiếp HTX DVNN Minh Châu hợp đồng với doanh nghiệp diệt chuột trên địa bàn toàn xã. Mỗi vụ công ty tổ chức rải bả sinh học 3 lần vào thời điểm trước khi đổ ải, đổ ải xong và sau khi cấy xong, còn trong quá trình cây lúa phát triển nông dân kiểm tra đồng ruộng phát hiện chuột cắn phá lúa thì cắm cờ thông báo, HTX sẽ báo cho công ty về tổ chức diệt chuột. Việc này được thực hiện đồng loạt, tập trung, mang lại hiệu quả cao nhất so với tất cả các phương pháp diệt chuột trước đây. 

Ông Nguyễn Văn Tập, Giám đốc HTX DVNN Minh Châu cho biết: Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp HTX quản lý gần 200ha. Ban đầu người dân còn e dè vì chưa biết hiệu quả diệt chuột của công ty ra sao; nhưng để bảo vệ mùa màng, HTX vẫn quyết định ký hợp đồng với công ty dù vụ đầu chưa thu được tiền của bà con xã viên. Trong quá trình diệt chuột, HTX cùng các thôn tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con xã viên đồng thuận. Điều quan trọng là khi thấy chuột bị tiêu diệt, lúa được bảo vệ phát triển tốt, cho năng suất cao bà con đồng thuận với phương án của HTX, đóng tiền để thuê công ty diệt chuột ở 100% diện tích. Đến giờ nỗi lo chuột phá lúa ở đây đã không còn, nhiều vụ liên tiếp được mùa nên bà con rất phấn khởi.

Trước năm 2016, trên 200ha lúa ở khắp các xứ đồng của xã Chương Dương từ lúc cấy đến lúc thu hoạch đều phủ một màu trắng của nilon. Chiều chiều bà con tất bật ra đồng để kiểm tra, buộc lại những chỗ nilon bị tuột và vơ những gốc lúa bị chuột cắn mà ai cũng xót xa. Song 11 vụ nay màu trắng của nilon đã hoàn toàn biến mất trên các thửa ruộng, bà con nông dân vui mừng vì không còn bóng dáng của chuột, mùa nối mùa lúa trĩu bông. Đây là kết quả việc HTX DVNN xã mạnh dạn ký kết với công ty diệt chuột cho bà con. 

Ông Phạm Quốc Minh, Giám đốc HTX chia sẻ: Từ năm 2016, HTX đã liên kết với công ty diệt chuột cho cánh đồng 3 thôn, sau 2 vụ bà con 2 thôn còn lại thấy hiệu quả, chi phí rẻ lại đỡ vất vả nên cũng hưởng ứng. Có một số diện tích lúa của bà con các xã lân cận như Thăng Long, Liên Hoa xen kẽ với lúa của Chương Dương cũng ủng hộ phương án diệt chuột này của HTX, vì vậy hiệu quả diệt chuột tăng cao. Bởi muốn diệt hết chuột trên đồng ruộng thì phải tổ chức rải bả đồng loạt, cùng lúc, khắp các xứ đồng. Khi hợp đồng với công ty, công ty cam kết về hiệu quả, có đền bù cho người dân những diện tích còn bị chuột cắn phá, song diện tích này rất ít.

Ông Phạm Văn Phúc, Trưởng thôn Tây Mỗ Nam, xã Chương Dương cho biết: Trước kia chưa thuê công ty, bà con đánh bắt chuột thủ công và bằng thuốc hóa học không an toàn cho người và gia súc, vất vả mà hiệu quả không cao, chuột vẫn phá đồng vì người đánh, người không đánh, đánh không đồng loạt. Giờ bà con rất phấn khởi vì không phải quây nilon cũng không mất thời gian thăm đồng mỗi ngày. Nếu diện tích chuột phá từ 5m2 trở lên, công ty sẽ đền bù theo thỏa thuận, nhưng hầu như không có.

Bà Vũ Thị Nhuệ, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Hưng cho biết: Toàn huyện có trên 11.000ha lúa xuân. Thời điểm này lúa xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh làm đòng. Đây cũng chính là thời điểm chuột hay gây hại nặng nhất. Tuy nhiên, đến nay đã có 22 xã, chiếm gần 58% tổng số xã liên kết với công ty tổ chức diệt chuột đồng loạt bằng bả sinh học cho bà con nông dân; 20% số xã có tổ diệt chuột, số xã còn lại HTX DVNN và bà con tự đánh. Song việc liên kết với các công ty có đội ngũ diệt chuột chuyên nghiệp với thuốc sinh học an toàn, hiệu quả mang lại rất cao, còn với các phương thức khác tỷ lệ chuột bị dính bả thấp hơn. Trạm đang khuyến khích các xã còn lại tuyên truyền, vận động nông dân hưởng ứng phương án liên kết với công ty tổ chức diệt chuột đồng loạt bằng bả sinh học để bà con không phải đau đầu đối phó với nạn chuột phá lúa.

Mô hình liên kết với công ty diệt chuột đồng loạt bằng bả sinh học tại xã Minh Phú đã giúp nông dân yên tâm sản xuất.


Thu Hiền