Thứ 7, 23/11/2024, 11:14[GMT+7]

Năng động, sáng tạo phát triển kinh tế

Thứ 3, 11/04/2023 | 08:46:50
1,934 lượt xem
Chọn hướng phát triển kinh tế từ nông nghiệp, chị Đặng Thị Tuyết, hội viên phụ nữ thôn Nguyên Xá 5, xã An Hiệp (Quỳnh Phụ) thu lãi 200 - 250 triệu đồng/năm.

Chị Đặng Thị Tuyết (người ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ hội phụ nữ tham quan khu trồng hoa hồng lấy bông làm mỹ phẩm.

Không giống như các vườn trồng hoa hồng bán cây, bán hoa cắm, chị Tuyết có hơn 1.000 gốc cây hoa hồng cung cấp hoa cho các cơ sở làm nguyên liệu chiết xuất nước hoa hồng, hoa hồng sấy khô. Vừa cắt hoa chị Tuyết vừa kể lại quá trình làm gia trại ven sông Diêm của vợ chồng mình: Trước đây gia đình tôi cũng không khá giả, chồng đi làm xa, mình tôi ở nhà canh tác trên 1.000m2 đất. Khi xã có kế hoạch cho thuê khu đất ngoài bờ đê sông Diêm, vợ chồng tôi mạnh dạn thuê hơn 2.000m2. Ban đầu tôi cải tạo trồng chanh leo nhưng chanh chết dần. Tôi lại cải tạo trồng nghệ, cây hương bài, hoa hồng, hoa cúc cùng một số cây ăn quả. Nghệ thì tôi chế biến thành tinh bột, sản phẩm này được nhiều người ưa chuộng vì tốt cho sức khỏe. Rễ cây hương bài thì cung cấp cho cơ sở sản xuất hương đốt; hoa cúc, hoa hồng cung cấp cho cơ sở làm dược liệu, mỹ phẩm. Sở dĩ nhiều loại cây trên 1 diện tích vì mỗi loại cây có nhu cầu ánh sáng, dinh dưỡng khác nhau, không cạnh tranh nhau. Khi chăm sóc, bón phân thì các loại cây đều được hưởng nguồn dinh dưỡng. Nhờ xen canh nên thu nhập ổn định hơn, nếu loại nào đó bị mất giá thì còn loại khác bù lại...

Củ nghệ sau khi thu hoạch.

Ngoài các loại cây, chị Tuyết đầu tư xây chuồng nuôi lợn, duy trì thường xuyên 10 con lợn nái và từ 70 - 100 con lợn thịt. Chị cho biết: Thời gian đầu khi mới đầu tư làm gia trại, gia đình gặp rất nhiều khó khăn về vốn cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Cũng thời điểm đó, tôi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tín chấp cho vay vốn từ các ngân hàng, được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ những kiến thức đã được tiếp thu, tôi áp dụng vào thực tế nên dù dịch bệnh, đặc biệt năm 2019 khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, gia đình tôi không bị ảnh hưởng, thiệt hại. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng. Bên cạnh đó còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập mỗi tháng từ 3 - 5 triệu đồng.

Chị Tuyết là hội viên nòng cốt của Chi hội Phụ nữ thôn Nguyên Xá 5. Cùng với cán bộ Chi hội, chị đã vận động các gia đình hội viên hiến đất làm đường, tham gia lao động xây dựng quỹ hội, vệ sinh môi trường trên các tuyến đường tự quản. 

Đánh giá về hội viên của mình, chị Nguyễn Thị Lâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Hiệp cho biết: Chị Tuyết có cách làm sáng tạo để phát triển thành mô hình kinh tế nông nghiệp đa giá trị, vừa thân thiện với môi trường vừa tăng nguồn lợi kinh tế trên cùng một diện tích. Đây là mô hình tiêu biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ xã muốn nhân rộng.

Những nỗ lực của chị Tuyết đã được các cấp hội và chính quyền địa phương ghi nhận. Năm 2022, chị là 1 trong 3 phụ nữ của Thái Bình được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen.


Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày