Thứ 7, 02/11/2024, 22:26[GMT+7]

Khang Long - hành trình đi tìm thương hiệu gạo

Thứ 5, 20/04/2023 | 20:11:43
1,824 lượt xem
Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Khang Long, xã Vũ Quý là doanh nghiệp đi đầu ở huyện Kiến Xương về thu mua thóc tươi, trực tiếp sấy, xay xát và cung cấp gạo ra thị trường. Đến nay công ty đã xây dựng được thương hiệu gạo cho mình từ chính sản phẩm quen thuộc của người dân quê lúa.

Các sản phẩm gạo được đóng bao, đóng túi mang tên Khang Long, Cupi.

Đi đầu về liên kết sản xuất

Xuất phát từ niềm đam mê với nông nghiệp, sau khi học đại học nông nghiệp, năm 2006 anh Phạm Ngọc Hưng đã làm cho một số công ty lớn chuyên về sản xuất lúa giống. Trải qua thực tế anh thấy quy mô của lúa giống không thực sự lớn mà chỉ làm gạo mới có quy mô lớn hơn và hỗ trợ cho nông dân nhiều hơn. Vì thế, năm 2015 anh trở về quê theo đuổi nghề làm gạo và thành lập doanh nghiệp. Thời điểm đó Thái Bình đang có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nông dân dồn đổi ruộng nên đã xuất hiện nhiều mô hình tích tụ ruộng đất. Đó cũng chính là cơ hội để anh nhìn nhận vấn đề để làm mặt hàng gạo, vừa hợp tác, hướng dẫn, hỗ trợ về tài chính cho những “đại điền”, mặt khác vẫn chuyển hướng vào các HTX để những người nông dân làm nhỏ lẻ không bị yếu thế. Từ đó đến nay doanh nghiệp đã liên kết với gần 10 HTX ở Tiền Hải, Kiến Xương và trên 200 hộ nông dân tích tụ ruộng đất, mỗi hộ bình quân có từ 2 - 5ha, có nhiều hộ trên 10ha. Khởi đầu làm mỗi vụ doanh nghiệp chỉ thu mua được 500 - 700 tấn thóc, đến nay thu mua được hơn 5.000 tấn ở trong và ngoài tỉnh.

“Để có kết quả này, ngoài những việc làm để người dân tin vào doanh nghiệp, cam kết bán thóc tươi cho mình, tôi còn phải linh hoạt về giá thu mua để tạo sự cạnh tranh. Cùng với đó là khi bán ra doanh nghiệp cũng phải có thu nhập cao hơn gạo thường thì mới tồn tại được. Muốn làm được điều này chỉ có một phương pháp đó là tạo ra cách làm mới, chính là tạo ra các vùng liên kết để thu mua” - anh Hưng chia sẻ.  

Nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm

Khi có vùng nguyên liệu ổn định, anh Hưng nghĩ ngay tới việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Để làm nên thương hiệu gạo Khang Long như ngày nay là do anh đã đặt niềm tin vào đúng sản phẩm và tìm được sản phẩm cốt lõi, đáp ứng đủ độ phủ của thị trường đó là BC15 và TBR225. Lý do anh chọn 2 sản phẩm này là vì muốn tạo ra sự khác biệt về chất lượng trên cùng một giống lúa. Do đó, từ năm 2015 anh là người đầu tiên ở Kiến Xương đầu tư lò sấy, tập trung vào khâu chế biến để sản phẩm đạt được giá trị tốt nhất, khác với sản phẩm không được sấy. Cùng với đó đăng ký nhãn hiệu bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm gạo, cung cấp đầy đủ các thông số về chỉ tiêu chất lượng trên bao bì, đồng thời đóng túi đưa sản phẩm ra thị trường. Bình quân mỗi vụ doanh nghiệp đóng túi 1.800 - 2.000 tấn gạo để xuất đi đại lý các tỉnh trong cả nước, doanh thu đạt 20 tỷ đồng.

Đến nay, Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Khang Long là doanh nghiệp thu mua 2 giống lúa BC15 và TBR225 lớn nhất ở Kiến Xương. Để có được kết quả đó anh Hưng đã phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, vất vả, thậm chí thua lỗ để định hướng người tiêu dùng. Những vụ đầu tiên mặc dù làm ra sản phẩm gạo tốt nhưng anh vẫn chấp nhận bán như giá gạo thường, tới khi người tiêu dùng cảm nhận được sự khác biệt, ngon hơn gạo thường lúc đó anh mới đẩy giá lên và cũng từ đó thu mua cho người dân giá tốt hơn. Hiện nay, nhắc đến anh Hưng là nhiều người biết đến gạo Khang Long, gạo Cupi. Đây đều là những giống đại trà nhưng lại được nhiều người tiếp cận bởi chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, đây lại là những giống đạt năng suất, giá thu mua ổn định nên người dân cấy nhiều. Điều này mang lại hiệu quả cho cả doanh nghiệp và người dân, thuận lợi trong việc thu mua thóc tươi cho bà con.

Theo anh Hưng, phải thực sự tâm huyết mới làm được nghề này bởi mặt hàng gạo không sinh lời lớn như các sản phẩm khác, do đó phải xây dựng được cách làm để sản phẩm đạt được giá trị tốt nhất mới đem lại hiệu quả. Đó cũng chính là nỗ lực của hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, cho doanh nghiệp. Những sản phẩm thông thường như BC15, TBR225 đã được người tiêu dùng đón nhận một cách tốt hơn và những thứ bình dân đó đã nuôi sống cả nông dân, cả các nhà máy. Dự tính thời gian tới anh Hưng sẽ đầu tư nhà máy mới diện tích khoảng 8.000m2 và hướng tới xuất khẩu gạo.


Thu Thủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày