Thứ 6, 22/11/2024, 19:32[GMT+7]

“Trợ sức” cho các hợp tác xã phát triển

Thứ 2, 01/05/2023 | 12:00:50
1,286 lượt xem
Kinh tế tập thể mà chủ lực là các HTX những năm qua đã có bước phát triển nhất định cả về số lượng, chất lượng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay tổ chức và hoạt động của HTX còn một số mặt hạn chế, yếu kém, đặc biệt việc tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng ngành nghề còn nhiều khó khăn, bất cập.

Liên kết bao tiêu rau vụ đông của HTX SXKD DVNN xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Luật hợp tác xã năm 2012 đã tạo sự thay đổi rõ nét, mở ra cánh cửa rộng để HTX SXKD DVNN xã Thụy Văn (Thái Thụy) chủ động cho hoạt động của mình trên mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đến nay, ngoài các dịch vụ hạch toán có lãi, các hình thức liên kết sản xuất lúa gạo, cây màu được HTX triển khai sản xuất có hiệu quả trên các cánh đồng mẫu, vùng sản xuất lúa chuyên canh. Doanh thu bình quân 5 năm (từ năm 2017 - 2022) của HTX đạt 1,5 tỷ đồng/năm. 

Ông Nguyễn Đình Vận, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thụy Văn cho biết: Nguồn vốn của HTX luôn được duy trì từ 3,5 - 4 tỷ đồng, bảo đảm cho các hoạt động dịch vụ của HTX. Ngoài ra, hàng năm HTX đứng ra liên kết với các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ cho thành viên từ 250 - 300 tấn lúa DS1, BC15. Tuy nhiên, do chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể và HTX còn chậm và thiếu, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi nên việc kinh doanh bị bỏ lỡ hoặc gián đoạn do thiếu vốn. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cần có nhiều chính sách và bố trí kinh phí hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX phát triển sản xuất.

Cũng như HTX SXKD DVNN xã Thụy Văn, thiếu vốn khiến cho HTX DVNN xã Điệp Nông (Hưng Hà) khó mở rộng dịch vụ tiêu thụ nông sản. 

Ông Khương Minh Duyên, Giám đốc HTX DVNN xã Điệp Nông cho biết: Địa phương đã xây dựng 7 vùng sản xuất với diện tích 528ha, luân canh lúa - rau màu với 3 - 4 vụ/năm hoặc chuyên canh rau màu với 6 - 7 vụ/năm. HTX liên kết với 3 công ty tiêu thụ từ 5 - 7 sản phẩm nông nghiệp với diện tích liên kết vụ xuân đạt 150ha, vụ hè 130ha, vụ đông 300ha, giúp thành viên nâng cao thu nhập. Trong khi để tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại đối với HTX là rất khó khăn do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy định tín dụng. Do đó, ngoài chính sách hỗ trợ cho vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn để mở rộng dịch vụ liên kết bao tiêu nông sản.

Vùng liên kết sản xuất lúa giống của HTX SXKD DVNN xã Đông Quý (Tiền Hải).

Toàn tỉnh hiện có 458 HTX, trong đó có 344 HTX lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX đã khẳng định vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt các dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đã có 254 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. 

Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Theo khảo sát của Liên minh HTX tỉnh, nhu cầu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay là rất lớn. Ước nhu cầu vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các HTX khoảng 500 tỷ đồng/năm, trong khi khả năng tự lực vốn của các HTX chỉ dưới 20% số vốn cần thiết cho đầu tư sản xuất, kinh doanh. Khoảng 2% số HTX được vay vốn của các tổ chức tín dụng hàng năm, còn lại nhiều HTX phải vay trên thị trường phi chính thức với lãi suất cao, thời hạn ngắn. Nguyên nhân các HTX khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng chủ yếu do các tổ chức tín dụng có tâm lý e ngại cho vay HTX, mặc cảm với HTX kiểu cũ; thủ tục vay vốn phức tạp, quy trình chặt chẽ… Vì vậy, cần thiết phải có một định chế tài chính nhà nước là quỹ hỗ trợ phát triển HTX nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ngày càng tăng của khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Thực tế cho thấy, hết năm 2022, ngoài Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam, cả nước đã có trên 50 quỹ hỗ trợ phát triển HTX tại các tỉnh, thành phố được thành lập, giúp nhiều HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác và thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng tài sản, doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, tại Thái Bình, do nhiều nguyên nhân, quỹ hỗ trợ phát triển HTX chưa đi vào hoạt động. Do vậy, để “trợ sức” cho các HTX phát triển hiệu quả, bền vững, cần sớm kiện toàn và đi vào hoạt động quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng như có cơ chế linh hoạt, nới lỏng chính sách ưu đãi về vốn cho các HTX.

 Chọn lọc gà giống tại HTX Chăn nuôi xanh Thái Bình.

Ngân Huyền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày