Thứ 3, 26/11/2024, 19:20[GMT+7]

Anh Thọ nuôi lươn không bùn

Thứ 5, 04/05/2023 | 08:56:54
3,238 lượt xem
Lươn là loài sống trong môi trường bùn đất tự nhiên tại ruộng, ao, sông, hồ. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý vật nuôi, anh Nguyễn Hữu Thọ, thôn Thanh Hương 1, xã Đồng Thanh (Vũ Thư) đầu tư nuôi lươn không bùn trong bể xi măng.

Anh Nguyễn Hữu Thọ, thôn Thanh Hương 1, xã Đồng Thanh (Vũ Thư) phát triển thành công mô hình nuôi lươn không bùn.

Là người chịu khó học hỏi, mấy năm trước anh Thọ tự tìm hiểu, nghiên cứu đặc tính của loài lươn, kỹ thuật nuôi lươn không bùn qua sách, báo, mạng internet. Sau đó anh trực tiếp đi học hỏi để nắm bắt thực tế từ các mô hình nuôi lươn không bùn ở tỉnh ngoài. Anh Thọ quyết định đầu tư xây 5 bể xi măng, diện tích mỗi bể 6m2, lòng bể được lót gạch men trơn để lươn không bị xước da khi va chạm, bể có lắp đặt hệ thống bơm nước và thoát nước bảo đảm thuận tiện khâu vệ sinh, bên trên có lưới che nắng. Đặc biệt, anh xây 1 bể trữ nước lớn, chứa nước đã được lọc, chờ 2 - 3 ngày mới cấp cho bể nuôi lươn.

Lứa đầu tiên anh Thọ đầu tư 10 triệu đồng, thử nghiệm nuôi 2.000 con lươn, tương đương với 1kg lươn giống. Kết quả, sau 8 tháng anh thu được 3,5 tạ lươn thương phẩm, bán giá 150.000 đồng/kg, thu về hơn 50 triệu đồng. Nhận thấy nuôi lươn hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ sản phẩm, bản thân nắm chắc kỹ thuật nuôi, hiện anh Thọ tự tin đầu tư nuôi lươn quy mô 10.000 - 20.000 con/lứa.

Anh Thọ cho biết: Để nuôi lươn không bùn trong bể đạt hiệu quả, ngoài con giống chất lượng thì bảo đảm độ pH và giữ vệ sinh nguồn nước là quan trọng nhất. Mỗi ngày tôi thay nước trong bể nuôi từ 2 - 3 lần, tùy giai đoạn phát triển của lươn để làm sạch môi trường nước, phòng tránh bệnh và để lươn không ăn phải thức ăn cũ còn sót lại. Thức ăn của lươn là trùn quế và cá trình xay nhỏ. Khi lươn được khoảng 3 tháng tuổi, phân loại theo kích cỡ, chia ra các bể khác nhau và tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây nilon đen trong bể. Định kỳ 2 lần/tháng, sử dụng thuốc tím hoặc chế phẩm sinh học tạt đều khắp bể để phòng bệnh cho lươn. Lươn dễ bị bệnh nấm thủy mi, xuất huyết đường ruột, thối mang, vì vậy tôi luôn chú ý theo dõi để phòng, điều trị bệnh kịp thời cho lươn, tránh lây lan ra cả đàn. Tâm huyết và sát sao chăm sóc đàn lươn, đến nay, chỉ cần nhìn cách lươn ngóc đầu khỏi mặt nước, cách di chuyển nhanh hay chậm, nằm phơi mình hình chữ C hay chữ S của lươn, tôi đã biết con lươn này khỏe hay yếu, đang mắc phải vấn đề gì, bệnh gì, từ đó khắc phục kịp thời.

So với phương thức nuôi truyền thống trong ao bùn thì nuôi lươn trong bể xi măng hiệu quả hơn nhờ nuôi với mật độ dày hơn, lươn phát triển nhanh hơn, dễ chăm sóc, dễ quan sát để phòng và trị bệnh cho lươn, không cần diện tích lớn vẫn có thể nuôi lươn. Mỗi lứa lươn khoảng 8 - 10 tháng, khi thu hoạch đạt 4 - 5 con/kg. Tùy quy mô sản xuất, mỗi năm anh Thọ xuất ra thị trường 1,5 - 2 tấn lươn. Hiện nay, việc tiêu thụ lươn rất thuận lợi, giá bán sỉ tại bể đạt 150.000 - 160.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư người nuôi thu lãi 60.000 đồng/kg. Anh Thọ dự định năm nay tiếp tục xây dựng thêm 10 bể nuôi lươn tại gia đình.

Không giấu nghề, anh Thọ luôn nhiệt tình truyền đạt, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm, giúp đỡ các hộ có mong muốn, nhu cầu phát triển mô hình nuôi lươn không bùn. “Khó khăn là chi phí đầu tư giống lươn khá lớn, khoảng 55 triệu đồng/1 vạn lươn giống, trong khi đó bà con chưa nắm vững kỹ thuật nên còn e dè, lo lắng, sợ rủi ro. Ngược lại, đến nay, một số hộ dân ở trong và ngoài xã, thậm chí ở Tiền Hải mạnh dạn tìm đến tôi để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi lươn trong bể xi măng, tôi đều chỉ bảo nhiệt tình. Tôi rất mong muốn nhiều bà con địa phương mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất loại lươn này, cùng nhau tạo thành tổ hợp tác, hỗ trợ nhau giống, vốn, kỹ thuật và thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm, giúp nhau nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập” - anh Thọ chia sẻ.


Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày