Thứ 6, 22/11/2024, 23:23[GMT+7]

Kiến Xương: Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thứ 2, 08/05/2023 | 20:13:58
1,357 lượt xem
Để bảo đảm an toàn trong phát triển chăn nuôi, các địa phương trên địa bàn huyện Kiến Xương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống, chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan.

Hộ chăn nuôi xã Nam Bình (Kiến Xương) phun hóa chất khu vực chuồng nuôi.

Để bảo đảm an toàn trong phát triển chăn nuôi, các địa phương trên địa bàn huyện Kiến Xương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống, chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan.

Bà Vũ Thị Thúy, Trưởng ban Chăn nuôi và thú y xã Vũ Ninh cho biết: Toàn xã hiện có hơn 400 con lợn nái, hơn 100 con trâu, bò, 55 con dê, hơn 1.000 con chó, mèo, hơn 18.400 con gia cầm. Vừa qua, xã đã tổ chức thực hiện tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, ngăn ngừa bệnh dịch phát sinh, bảo đảm an toàn cho phát triển chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng. Vũ Ninh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ vệ sinh chuồng trại, khơi thông cống rãnh và thành lập tổ phun khử trùng tại những nơi công cộng. Đến nay, địa phương đã triển khai phun hóa chất khử trùng toàn bộ khu vực chợ, đường làng ngõ xóm, khu chứa rác và các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã chủ động phun thuốc khử trùng theo hướng dẫn và rắc trên 4,3 tấn vôi bột. Hiện nay, Ban Chăn nuôi và thú y xã chuẩn bị tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thực hiện đợt khử trùng, tiêu độc lần 2.

Là người có kinh nghiệm nuôi bò lâu năm ở xã Nam Bình, ông Trần Văn Kiện, thôn Trung Kiên cho biết: Mặc dù số lượng  nuôi không lớn nhưng tôi luôn chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho bò. Ngoài việc hàng ngày vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, tôi còn theo dõi sát triệu chứng bệnh viêm da nổi cục để chủ động cho bò uống thuốc kháng sinh và bổ sung vitamin cho bò. Bình quân mỗi tháng tôi khử trùng khu vực chuồng nuôi bằng 10kg vôi bột và phun 5 - 7 lần hóa chất diệt ruồi muỗi để hạn chế mầm bệnh lây lan. Nhờ chủ động phòng, chống dịch bệnh, đến nay đàn bò của gia đình tôi phát triển, sinh sản tốt.

Hiện nay, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Kiến Xương có hơn 900.000 con, trong đó đàn lợn hơn 16.600 con; đàn trâu, bò hơn 4.000 con; đàn gia cầm gần 860.000 con; vật nuôi khác hơn 28.000 con. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không có gia súc, gia cầm ốm chết nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chuyên môn, kết quả giám sát dịch bệnh chủ động năm 2022 cho thấy các loại mầm bệnh còn lưu hành ở ngoài môi trường nên nguy cơ các loại dịch bệnh rất dễ phát sinh. Ngoài ra, việc vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật giữa các địa phương tăng cao để phục vụ dịp nghỉ lễ, trong khi tại các địa phương chủ yếu là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh; nhiều đàn gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng nhắc lại, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm đạt tỷ lệ thấp, nhất là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Để chủ động giám sát, phát hiện và kịp thời ngăn chặn nguy cơ phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn trong sản xuất chăn nuôi, Kiến Xương chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng gia súc, viêm da nổi cục ở trâu, bò, tai xanh ở lợn. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống từng đối tượng dịch bệnh cho đàn vật nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin phòng các bệnh nguy hiểm cho vật nuôi, trong đó phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn trong diện tiêm phòng trở lên. Tổ chức vệ sinh khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi và các nơi có nguy cơ cao bằng hóa chất, vôi bột bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các ngành chức năng tăng cường phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và các sản phẩm từ động vật trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Các địa phương huyện Kiến Xương huy động nguồn hóa chất thực hiện tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi. 

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày