Thứ 5, 09/01/2025, 14:34[GMT+7]

Kiến Xương: Xây dựng sản phẩm đặc thù gạo rươi Hồng Tiến

Thứ 4, 10/05/2023 | 20:08:15
3,333 lượt xem
Thời gian qua, huyện Kiến Xương tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù ở các địa phương, trong đó xã Hồng Tiến đã có 2 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP. Huyện đang tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo rươi Hồng Tiến nhằm khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất này.

Thả rươi giống vào cánh đồng lúa hữu cơ ở xã Hồng Tiến (Kiến Xương).

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để có thêm sản phẩm đặc thù của xã Hồng Tiến, huyện đã đăng ký thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh về ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa bổ sung giống rươi nhằm nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo và thu nhập cho người dân tỉnh Thái Bình. Mô hình được thực hiện tại thôn Nam Tiến, thôn Khả Cảnh của xã Hồng Tiến với tổng diện tích 27ha, trong đó sử dụng hoàn toàn giống lúa ST25. Qua thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế từ lúa tăng 10 - 15% so với sản xuất thông thường. Toàn bộ sản phẩm của mô hình được liên kết thu mua tươi, đơn vị thu mua tổ chức sấy, xay xát, đóng gói và bán sản phẩm. Đến nay, HTX SXKD DVNN xã Hồng Tiến đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm lúa. Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, huyện đã tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể gạo rươi Hồng Tiến đồng thời xây dựng bao bì, nhãn mác, tem, mã QR cho sản phẩm. Tổ chức tập huấn để cán bộ và nhân dân hiểu về lợi ích của việc xây dựng và sử dụng nhãn hiệu tập thể gạo của địa phương đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạo rươi, sản phẩm từ rươi, cáy như chả rươi, mắm cáy Hồng Tiến. Mô hình được thực hiện từ năm 2022 và tiếp tục được thực hiện trong vụ xuân năm 2023, đến nay lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Hồng Tiến cho biết: Địa phương có 8km chiều dài nằm sát triền đê sông Hồng nên có nguồn nước lợ và đa dạng sản vật quý sinh sống, phát triển như rươi, cáy, tôm, cua, cá, cây cói. Trước những năm 1980, đây là vùng đất chuyên trồng cói nên sản sinh ra rất nhiều rươi, cáy tự nhiên. Tuy nhiên, trồng cói vất vả, đầu ra khó khăn, chi phí nhiều, cùng với đó giá tôm, cá, cáy, rươi cũng rẻ, không nhiều người mua, lượng tiêu thụ ít, thu nhập thấp khiến nhiều người không mặn mà với trồng cói, con cáy, con rươi nên chuyển sang cấy lúa. Khi cấy lúa người dân đã đưa thuốc bảo vệ thực vật vào đồng ruộng làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các sản vật tự nhiên nên khi được lúa thì đồng nghĩa với việc con rươi, con cáy mất đi và khi sản lượng ít đi thì giá rươi, giá cáy lại lên cao, đến nay trở thành món ăn đặc sản. Vì thế, để khôi phục lại hiện trạng ban đầu, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, xã đã quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ 70ha với 258 hộ tham gia, trong đó 27ha nằm trong đề tài của huyện được hỗ trợ giống lúa ST25. 

Sau 1 năm thực hiện, đến cuối năm 2022 địa phương đã cho ra sản phẩm gạo rươi Hồng Tiến đóng túi bán ra thị trường. Mặc dù năng suất kém hơn với những giống lúa thường nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn do giá thành cao và không dùng thuốc trừ sâu nên chi phí đầu tư thấp. Hiệu quả nhất của mô hình là đã thay đổi được tư duy sản xuất của người dân, họ đã cấy cùng một giống lúa, không phải lo đầu ra sản phẩm, không mất công phơi thóc, giá bán cao. Để làm được điều này, ngay từ khi triển khai HTX đã họp dân thống nhất quan điểm, chủ trương, tổ chức quy vùng, điều tiết nước và hỗ trợ bà con trong quá trình sản xuất. Hiện tại xã đang cải tạo, nâng cấp hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng vùng cấy lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi.

Cải tạo nâng cấp hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng vùng cấy lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi ở Hồng Tiến. Vùng sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi ở xã Hồng Tiến.

Ông Nguyễn Văn Dực, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Mô hình nhằm mục đích đạt được 2 sản phẩm là thế mạnh của địa phương đó là đưa giống gạo ngon nhất thế giới ST25 phù hợp với thổ nhưỡng ở nơi đây vào sản xuất, đồng thời áp dụng quy trình canh tác lúa hữu cơ cho sản phẩm gạo sạch bán trên thị trường. Trên cơ sở thổ nhưỡng trước đây có con rươi sinh sống, huyện đã phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản miền Bắc nghiên cứu, khảo sát thực trạng về đất, nước để đưa rươi giống tự nhiên vào cánh đồng. Đến nay đã thả 3 đợt rươi giống với 10,5 triệu con trên diện tích 7ha nhằm mục đích để rươi làm tổ, sinh sản và cho người dân thu hoạch vào những vụ tới.

Dự kiến thời gian tới HTX SXKD DVNN xã Hồng Tiến sẽ lắp đặt máy sấy, máy xay xát và máy đóng túi để chủ động cho ra sản phẩm, đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng quy mô thực hiện ở toàn bộ diện tích có tiềm năng phát triển việc nuôi rươi, cáy thương phẩm kết hợp sản xuất lúa hữu cơ với dự kiến 160ha.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày