Hướng tới sản xuất lúa bền vững
Tiền Hải là vùng đất chua mặn, nhiều giống lúa chất lượng cao đã có mặt ở đây từ khá sớm, nông dân có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh các giống lúa này. Trước đây, năm nào gia đình bà Nguyễn Thị Tơ, thôn Hiên, xã Tây Lương cũng gieo cấy giống Bắc thơm 7. Đây là một trong những giống lúa đặc hữu của Tiền Hải được canh tác theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, một vài vụ trở lại đây, được sự hỗ trợ của chi nhánh Công ty Cổ phần Vi sinh Michiannai tại Thái Bình, bà Tơ gieo cấy giống ST25 sử dụng phân bón vi sinh mang lại nhiều điểm khác biệt.
Bà Tơ cho biết: Chúng tôi không sử dụng phân bón hóa học, không dùng thuốc trừ sâu nhưng cây lúa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, cứng cây, ít sâu bệnh, đặc biệt là không bị khô vằn, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá. Toàn bộ thóc thu hoạch từ 1 mẫu ruộng được công ty thu mua tươi nên nông dân chúng tôi rất yên tâm.
Nguyên là giám đốc HTX SXKD DVNN xã Tây Lương đã nghỉ theo chế độ hưu trí, ông Cao Bá Muồn hiện đang là cán bộ kỹ thuật của chi nhánh Công ty Cổ phần Vi sinh Michiannai tại Thái Bình. Với nhiều năm kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, ông Muồn cho biết: Trước đây, để bảo đảm mục tiêu về sản lượng, các hộ dân trên địa bàn xã Tây Lương nói riêng và nông dân trên địa bàn huyện nói chung đơn thuần chỉ biết canh tác lúa theo hướng truyền thống, sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học nhiều. Vài năm trở lại đây, nông dân đã nhận thấy những nguy cơ từ việc lạm dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học ảnh hưởng tới chất lượng nông sản, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Do vậy, việc triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được các hộ đồng tình hưởng ứng. Năm 2019, từ 4kg thóc đầu tiên, công ty đã phối hợp với HTX SXKD DVNN xã Tây Lương triển khai mô hình thử nghiệm giống lúa ST24 trên đồng ruộng và chăm bón theo quy trình sử dụng hoàn toàn bằng chế phẩm vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học do công ty nghiên cứu, sản xuất. Mô hình thử nghiệm mang lại thành công, năm 2020, công ty đã mở rộng diện tích, đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, con người để tạo ra sản phẩm gạo sạch, an toàn cho người sử dụng. Vụ xuân năm 2021, công ty thuê lại 20ha ruộng nông dân không cấy do hiệu quả kinh tế thấp tại xã Tây Lương, liên kết với các xã: Đông Xuyên (10ha), Nam Hải (10ha) để thực hiện mô hình, sử dụng hai giống lúa chất lượng cao: ST25, ST24. Sản phẩm gạo sạch đưa ra thị trường được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, hơn hẳn các sản phẩm gạo khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng gửi mẫu gạo đi kiểm nghiệm tại các cơ quan kiểm định có uy tín không phát hiện có các chất độc hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó khẳng định chất lượng gạo sạch và được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bảo đảm các tiêu chuẩn ISO 22000:2018.
Hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến đóng gói với quy trình được kiểm soát nghiêm ngặt từ giống, gieo mạ, phân bón, quản lý dịch hại, kiểm soát nước và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học do công ty tự sản xuất, sản phẩm “Gạo sạch Thái Bình 3T” được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được xếp hạng 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Vùng 20ha gieo cấy giống ST25 của chi nhánh Công ty Cổ phần Vi sinh Michiannai tại Thái Bình.
Ông Tô Đình Triều, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vi sinh Michiannai cho biết: Thái Bình là vựa lúa của vùng đồng bằng sông Hồng, người dân vẫn gắn bó với cây lúa nhưng không nâng cao được giá trị hạt gạo, đất đai ngày càng cằn cỗi do lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Từ tình cảm quê hương, từ những suy nghĩ hết sức ý nghĩa và nhân văn đối với mảnh đất Thái Bình, chúng tôi đã đầu tư nghiên cứu sử dụng nhằm đưa khoa học kỹ thuật vi sinh xuống đồng ruộng, đưa những giống lúa có giá trị kinh tế cao, xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ kỹ thuật trồng lúa vi sinh, hữu cơ thay thế hoàn toàn cho chăm bón truyền thống đang dần hủy hoại môi trường sinh thái. Thực hiện được công việc này tạo ra cho vùng đồng quê môi trường trong sạch, cho các thủy sinh phát triển trở lại, đồng ruộng được thêm màu mỡ, không còn các chất độc hại trong đất, nước, không khí.
Theo chia sẻ của ông Triều, “Gạo sạch 3T” chỉ là hành trình, còn đích đến chính là việc lan tỏa, nhân rộng diện tích lúa áp dụng kỹ thuật vi sinh từ đó thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Vụ mùa năm 2023, công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương xã Tây Lương mở rộng diện tích sản xuất lúa sử dụng phân vi sinh lên 200 - 300ha; tiếp cận tới các đại điền của Thái Bình để nhân rộng mô hình.
Hiện, sản phẩm “Gạo sạch Thái Bình 3T” đang được công ty chế biến, đóng gói theo đơn đặt hàng với giá bán 50.000 đồng/kg. Để tạo ra sản phẩm gạo sạch có giá trị kinh tế gấp hai lần gạo cùng chủng loại sản xuất truyền thống, quy trình canh tác đòi hỏi nhiều công lao động với chi phí cao hơn. Sản phẩm phân bón vi sinh có 2 dạng: nước và bột. Tùy theo chức năng, giai đoạn sinh trưởng, phát triển của lúa mà phun/bón với liều lượng nhất định. Đây cũng chính là khó khăn, rào cản để công ty mở rộng diện tích áp dụng.
Hiện nay với nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng cao và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó sản xuất lúa hữu cơ là một xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp địa phương. Để có thêm nhiều thương hiệu gạo sạch, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ... từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Sản phẩm gạo sạch Thái Bình 3T được sản xuất, đóng gói theo đơn đặt hàng.
Lưu Ngần
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Lễ dâng y Kathina do Quốc vương Thái Lan cúng dường tại Thái Bình
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ đông tại Kiến Xương, Vũ Thư
- Quốc hội thảo luận về dự án luật và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị
- Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- UBND tỉnh: Nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật, nghị quyết
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật
- Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm