Thứ 6, 22/11/2024, 10:01[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP

Chủ nhật, 21/05/2023 | 07:25:08
1,921 lượt xem
Quỳnh Phụ hiện có 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (4 sản phẩm 4 sao và 6 sản phẩm 3 sao). Đây là những sản phẩm gắn với thế mạnh của địa phương. Với quyết tâm nâng tầm giá trị sản phẩm, các địa phương chú trọng nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP.

Mô hình trồng hoa cúc chi chế biến trà theo hướng hữu cơ của HTX Nông sản dược liệu Đồng Tâm, xã An Đồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Để sản phẩm xứng tầm thương hiệu

Năm 2020, khi triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) chọn sản phẩm bánh đa Quỳnh Côi của hộ gia đình anh Hoàng Phó Nam, thôn Dụ Đại 1, xã Đông Hải tham gia và được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Phấn khởi vì sản phẩm của gia đình được công nhận, anh Nam cho biết: Trong 30 năm làm nghề, phương châm của gia đình là luôn lấy chất lượng sản phẩm và uy tín đối với khách hàng làm thước đo để phấn đấu. Thực tế, không phải khi tham gia sản phẩm OCOP chúng tôi mới quan tâm đến chất lượng và quy trình sản xuất. Để theo kịp với nhu cầu thị trường, cơ sở của chúng tôi luôn có sự thích ứng phù hợp. Nếu như trước đây, sản phẩm của cơ sở sản xuất bằng phương pháp thủ công là thái bằng tay, sản lượng thấp, sản phẩm không đều dẫn đến việc tiêu thụ ít. Đến nay, gia đình đầu tư 1,8 tỷ đồng mua máy tráng công suất lớn, nồi hơi, 8 máy thái, xây dựng nhà xưởng khép kín. Nhờ đó, mỗi ngày gia đình cung cấp từ 4 - 5 tấn bánh đa ra thị trường, trong đó 80% cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị và luôn khẳng định được uy tín với khách hàng. Năm 2020, sản phẩm của gia đình được công nhận OCOP 4 sao, có mã vạch, đóng bao bì, nhãn mác và được trưng bày tại các siêu thị, nhà hàng. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải thực hiện nghiêm theo các quy trình, quy chuẩn, bảo đảm các điều kiện theo quy định để xứng tầm với thương hiệu bánh đa Quỳnh Côi.

Với sản phẩm trà hoa cúc chi của HTX Nông sản dược liệu Đồng Tâm, thôn Đồng Tâm, xã An Đồng (Quỳnh Phụ) để được công nhận sản phẩm 3 sao vào năm 2022 là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của 7 thành viên trong HTX. 

Chia sẻ về quá trình gây dựng thương hiệu cho sản phẩm, anh Nguyễn Văn Chuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết: Trong 2 năm (2019 - 2020) khi mới trồng do kinh nghiệm chưa có, sản phẩm sau thu hoạch sản lượng thấp, không tự chế biến phải thuê nên chất lượng không bảo đảm dẫn tới thua lỗ 300 triệu đồng. Năm 2021, HTX đầu tư máy sấy, quy hoạch lại nhà xưởng, các sản phẩm đều được trồng theo hướng hữu cơ và lắp đặt hệ thống tưới tự động giúp cây sinh trưởng tốt, bảo đảm được chất lượng cho sản phẩm. Năm 2022, sản phẩm trà hoa cúc chi của HTX được công nhận OCOP 3 sao. Từ khi được chứng nhận, mẫu mã bao bì sản phẩm đẹp, có đầy đủ thông tin và ngày càng được nhiều người biết đến, nhờ đó uy tín và doanh thu cũng tăng lên, thu nhập của người lao động cao hơn. Đó là động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm.

Cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời

Chương trình mỗi xã một sản phẩm với mục đích quảng bá những thế mạnh của địa phương. Quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt. 

Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Đồng cho biết: OCOP là chương trình nhằm thay đổi cách thức sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, hướng đến các thị trường tiềm năng. Tại địa phương, ngoài sản phẩm trà hoa cúc chi đã được công nhận sản phẩm OCOP, địa phương còn có sắn dây, bột sắn dây, mật ong có thể nâng cấp thành sản phẩm OCOP. Ngoài việc tạo điều kiện về thủ tục cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong thuê đất, Hội Nông dân và các đoàn thể của xã còn tích cực quảng bá sản phẩm thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các hội nghị, lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh để nhiều người biết đến sản phẩm của địa phương.

Năm 2020, bánh đa Quỳnh Côi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khi quy hoạch phát triển sản xuất cũng gặp một số khó khăn. 

Anh Nguyễn Văn Chuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông sản dược liệu Đồng Tâm cho biết thêm: Khó khăn lớn nhất đối với HTX là liên quan đến vấn đề đất đai trong việc xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng. Bởi hiện nay việc quản lý đất rất chặt chẽ, nếu HTX muốn xây dựng nhà xưởng khép kín, kiên cố sẽ vi phạm, do vậy khu sản xuất, chế biến của HTX cũng chỉ làm ở mức tạm, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, HTX cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi phát triển cho nông nghiệp. Để duy trì hoạt động chủ yếu bằng vốn tự vận động, vay bằng các nguồn vốn thế chấp... Vì vậy, rất mong cơ quan chức năng có cơ chế hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX và hộ kinh doanh trong phát triển sản xuất các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: OCOP là một trong những chỉ tiêu trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Thời gian qua, huyện chỉ đạo các ngành, địa phương tạo điều kiện cho các HTX, hộ kinh doanh tích tụ ruộng đất, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, hỗ trợ vay vốn, quảng bá sản phẩm, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ thông qua các hội chợ triển lãm, gian hàng trưng bày sản phẩm. Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm OCOP thường tăng từ 10 - 15% so với trước đây. Với khó khăn về quản lý đất đai, huyện sẽ báo cáo cấp trên để có hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các HTX, hộ kinh doanh trong việc phát triển sản xuất sản phẩm thế mạnh của địa phương. Từ đó có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP, khi đó sẽ là tiền đề quan trọng giúp địa phương giữ vững các tiêu chí nông thôn mới và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày