Nông nghiệp “khoác áo mới”
Tích tụ ruộng đất phát triển cây trồng chủ lực
Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Hưng Hà tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Trước đây, sản xuất nông nghiệp của xã Hồng Minh chủ yếu là những cây trồng truyền thống như lạc, đỗ, ngô... với quy mô nhỏ, phân tán, năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng đất còn thấp, chưa tạo được bước đột phá theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Năm 2021, HTX Thái Dương Xanh đã mạnh dạn thuê đất với diện tích 50 mẫu của hàng chục hộ dân nơi đây để đưa cây dược liệu vào phát triển, trong đó có hàng nghìn gốc hòe, cây đu đủ lấy hoa, cây nghệ lấy quả.
Ông Trần Văn Thản, Giám đốc HTX Thái Dương Xanh cho biết: Đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, không chỉ mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 40 lao động tại địa phương. Tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng thuê ruộng, mua giống, thuê công nhân, mua máy móc để thực hiện mô hình... Qua gần 3 năm canh tác, mỗi năm chúng tôi thu được 12 - 15 triệu đồng/sào với giá hòe khô đạt gần 200.000 đồng/kg, hoa đu đủ đực giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg...
Mô hình trồng hòe và đu đủ lấy hoa của HTX Thái Dương Xanh tại thôn Tịnh Xuyên, xã Hồng Minh (Hưng Hà).
Ông Đào Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Minh chia sẻ: Hồng Minh hiện có 160ha vùng đất bãi, thu hút 10 doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài xã tích tụ ruộng đất để đưa các cây trồng thị trường cần vào sản xuất tạo việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương. Hiện nay, chúng tôi khuyến khích các hộ chủ động thuê gom, tích tụ ruộng đất và nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất; liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; mời gọi các doanh nghiệp lớn, có uy tín đầu tư vào địa bàn.
Nắm bắt và phát huy lợi thế của đồng đất quê hương, khi đưa những giống cây trồng mới về với người dân, những năm gần đây xã Điệp Nông đã và đang phát huy hiệu quả tiềm năng của vùng đất chuyên màu. Những giống cây trồng mới, kỹ thuật canh tác mới đang dần hình thành nên một vùng sản xuất nông sản hàng hóa, tạo thương hiệu ít nơi nào có được.
Anh Phạm Văn Hưng ở thành phố Hải Dương đã mạnh dạn thuê 10ha đất bãi của người dân để đầu tư trồng cà rốt. Qua 5 năm triển khai, đến nay mô hình của anh mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho trên 30 lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hưng chia sẻ: Tính ra mỗi sào tôi thu lãi 4 - 5 triệu đồng. So với trồng lúa thì cà rốt mang lại hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần. Tôi cũng mạnh dạn đầu tư máy làm đất, máy gieo hạt, hệ thống tưới nên giảm được ngày công, giống, phân bón, nguồn thu nhập cao và ổn định hơn, đặc biệt trồng đến đâu được thương lái đến tận ruộng thu mua đến đó.
Thay đổi tư duy làm nông nghiệp
Về Hưng Hà, chúng tôi được chứng kiến nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Điển hình như mô hình trồng dưa trong nhà lưới của chị Trần Thị Xuân, xã Tân Lễ. Từ 430m2 ban đầu, đến nay diện tích trồng dưa của chị tăng lên 7.000m2 với 3 nhà lưới hiện đại, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động, phân bón được hòa sẵn trong nước giúp giảm chi phí nhân công. Điều đặc biệt là chị không xuống giống dưa cùng một lúc mà sử dụng phương pháp trồng gối vụ. Bởi vậy mà trang trại luôn có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Trung bình mỗi năm chị Xuân thu về gần 40 tấn quả với giá bán khoảng 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, chị thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng.
Khởi nghiệp từ một cây trồng hoàn toàn mới với cách làm rất khác biệt trên vùng đất bãi, chị Xuân đã mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở địa phương. Chị tâm sự: Năm 2016, tôi bắt đầu khởi nghiệp trồng dưa lưới công nghệ cao, lúc đó ở miền Bắc có rất ít mô hình triển khai. Tôi thấy đây là cơ hội lớn nên đã quyết định đầu tư. Vụ dưa đầu tiên thất bại nhưng cũng từ thất bại đó đã giúp tôi có kinh nghiệm sản xuất ở những vụ sau. Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao chi phí ban đầu rất lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Cây trồng chủ lực ngô ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Hưng Hà.
Hiện nay, toàn huyện Hưng Hà chuyển đổi được 152,7ha đất trồng lúa sang trồng các cây lâu năm và cây rau màu hàng năm; 850ha trồng cây ăn quả. Với lợi thế đất đai màu mỡ, các địa phương đã có nhiều cách làm hiệu quả, khai thác được tiềm năng sẵn có của đất để quy hoạch phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa như: mô hình trồng sen của HTX Sen Vân Đài, xã Chí Hòa; dưa lưới xã Tiến Đức; khoai lang vụ xuân ở Tây Đô, ngô nếp xã Tân Lễ, cà rốt Điệp Nông, cam xã Hòa Tiến, ngưu tất xã Thống Nhất..., từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất, làm giàu cho người dân.
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiện nay Hưng Hà đẩy mạnh phát triển 7 vùng sản xuất tập trung, đồng thời ban hành cơ chế hỗ trợ trên 17 tỷ đồng cho 5 vùng sản xuất gồm: dưa, bí xã Duyên Hải và Dân Chủ; ngưu tất xã Thống Nhất; cây ăn quả xã Cộng Hòa; cà rốt, ngô ngọt, lạc xã Điệp Nông; hỗ trợ giống cho 2 vùng sản xuất trồng cây dược liệu và 62ha lúa chất lượng cao tại xã Chí Hòa. Để việc chuyển đổi đem lại hiệu quả cao, chúng tôi đã sát cánh cùng các địa phương tiến hành rà soát lại quỹ đất, quy hoạch các vùng, tiểu vùng sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cánh đồng lớn, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Hỗ trợ các đơn vị, địa phương xây dựng các mô hình sản xuất điểm gắn với chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng cường đầu tư thâm canh, luân canh; vận động nông dân chuyển đổi các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa như dưa lê, dưa hấu, cà chua, thanh long, rau màu. Thực tế đã chứng minh đổi mới tư duy, mạnh dạn chuyển đổi, tích tụ ruộng đất là hướng đi đúng, trúng để nông dân bắt kịp sản xuất nông nghiệp thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thanh Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Lễ dâng y Kathina do Quốc vương Thái Lan cúng dường tại Thái Bình
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ đông tại Kiến Xương, Vũ Thư
- Quốc hội thảo luận về dự án luật và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị
- Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- UBND tỉnh: Nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật, nghị quyết
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật
- Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm