Thứ 7, 02/11/2024, 18:24[GMT+7]

Trồng rau giống cho thu nhập cao

Thứ 6, 26/05/2023 | 15:18:25
1,014 lượt xem
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hưởng, thôn Việt Yên, xã Điệp Nông (Hưng Hà) đã mạnh dạn vay vốn tín chấp từ Hội Cựu chiến binh xã, ứng dụng khoa học công nghệ đầu tư trồng rau giống mang lại thu nhập cao.

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Hưởng cho biết: Khi các con tôi đến độ tuổi ăn học, tốn kém mà kinh tế cứ phụ thuộc vào mấy sào ruộng thì rất khó khăn. Địa phương có truyền thống trồng rau giống từ lâu nên tôi quyết tâm đến từng hộ dân trong thôn để thuê lại đất, những hộ nào không cho thuê thì tôi vận động cùng liên kết để sản xuất, kết quả có 15 hộ cho tôi thuê ruộng. Tôi bắt đầu trồng các loại cây giống: hành hoa, mùi tàu, súp lơ, bắp cải... bán cho các hộ dân ở vùng trồng màu xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) hay đi xa hơn là sang Hải Dương, Hải Phòng, dần dần có vốn, tôi tái đầu tư mở rộng sản xuất để đem lại hiệu quả cao hơn. Hiện nay, mô hình của tôi đã liên kết với nhiều cơ sở sản xuất rau trồng những loại cây giống mới như: súp lơ Pháp, su hào Hàn Quốc... cho năng suất cao, thu nhập cũng tăng hơn.

Nếu như trước kia, ông Hưởng chỉ biết trồng cây rau giống theo phương thức truyền thống thì sau khi tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân, Hội CCB xã tổ chức, ông đã biết cách “làm nhà cho cây” nên chất lượng cây giống cũng tốt hơn, nhiều thương lái tìm đến hỏi mua. Trồng rau giống yếu tố thời tiết rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, mẫu mã và chất lượng cây, đặc biệt là các loại cây: hành hoa, rau mùi, xà lách chỉ cần gặp sương muối cũng có thể khiến cho toàn bộ diện tích trồng bị ảnh hưởng. 

Ông Hưởng chia sẻ: Mỗi năm tôi trồng 5 - 6 vụ, chính vụ thì trồng su hào, bắp cải, trái vụ thì trồng cần tây, tỏi tây, hành lá, rau thơm. Tùy theo nhu cầu đặt hàng của khách mà tôi tăng, giảm số lượng rau giống nhưng bình quân xuất bán trên 200 vạn cây các loại với giá từ 15.000 - 35.000 đồng/100 cây. Thị trường bán cây rau giống không chỉ ở trong tỉnh mà còn xuất bán đi các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Hải Phòng, Hải Dương. Đối với cây giống trồng trái vụ, tôi dùng khung vòm, lưới đen để che nắng và nilon để che mưa to, tránh để cây bị dập và thối lá. Mỗi một luống chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng nhưng đã giúp cho rau giống có được mái che vững chắc, mẫu mã cũng sẽ đẹp hơn rất nhiều. Năm 2020, Hội CCB xã đã hỗ trợ tôi vay vốn tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư hệ thống tưới nước tự động, thuận lợi hơn rất nhiều trong quá trình canh tác. Sau khi trừ chi phí, mô hình thu về từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hưởng (người ngoài cùng bên phải) liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm rau giống cho nhiều hộ dân trong xã.

Ngoài ra, CCB Nguyễn Văn Hưởng còn liên kết với nhiều hộ dân trong xã để trồng rau giống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, ông không chỉ là người hướng dẫn bà con trong thôn về kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây mà còn đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con, giúp họ có đầu ra ổn định. Nếu như trước kia ông Hưởng chủ yếu bán rau giống cho thương lái thì hiện nay đã có nhiều chủ vườn ở các tỉnh đến tận nơi tìm mua.

Ông Bùi Kim Hoàng, Chủ tịch Hội CCB xã Điệp Nông đánh giá: Đồng chí Nguyễn Văn Hưởng là người rất nhiệt tình, trách nhiệm với mọi hoạt động, phong trào của địa phương; sẵn sàng giúp đỡ người dân trong thôn bám đất, bám ruộng, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm trồng rau giống có thu nhập bình quân từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập đáng mơ ước của những người tuổi cao làm nông nghiệp ở nông thôn.

Thời gian tới, Hội CCB xã Điệp Nông sẽ tuyên truyền, vận động hội viên học tập mô hình trồng rau giống của CCB Nguyễn Văn Hưởng để mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có cơ chế hỗ trợ hội viên nông dân, hội viên CCB liên kết sản xuất, xây dựng tổ hợp tác, HTX sản xuất rau giống Việt Yên, góp phần xây dựng thương hiệu và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày