Thứ 6, 19/04/2024, 22:19[GMT+7]

Ruộng hoang “hóa vàng”

Thứ 3, 06/06/2023 | 14:28:56
2,033 lượt xem
Làm nông nghiệp cho thu nhập thấp hơn so với nhiều nghề khác nên việc nông dân bỏ ruộng hoang không phải là câu chuyện hiếm gặp. Là xã ven thị nên xã Minh Khai, huyện Vũ Thư cũng không là ngoại lệ, nhiều hộ dân không còn thiết tha bám ruộng,“tấc đất, tấc vàng” bị bỏ hoang, cằn cỗi theo năm tháng. Tuy nhiên, bao đời gắn với đồng ruộng, chẳng nỡ để đất hoang nên nhiều người dân ở đây bảo nhau thuê đất, mượn ruộng của những hộ không có nhu cầu sản xuất để canh tác. Thế rồi đất đã không phụ công người. Những thửa ruộng, cánh đồng bị bỏ hoang trơ đất giờ chỉ là quá khứ, thay vào đó là những mùa vàng bội thu.

Anh Nguyễn Đình Phúc thu hoạch diện tích lúa xuân của gia đình.

Cái nắng hè tháng 6 như đổ lửa xuống cánh đồng lúa thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai khiến cả cánh đồng lấp lánh như một tấm thảm vàng. Hơn 7 ha lúa xuân của anh Nguyễn Đình Phúc nằm sát bên trục đường giao thông nội đồng đang vào vụ thu hoạch. Chiếc máy gặt chạy tới, chạy lui cắt lúa tạo nên bức tranh ngày mùa vừa gấp gáp, vừa rộn ràng, phấn khởi. Gương mặt ướt đẫm mồ hôi vì “tranh” nắng, “tranh” thời gian để đưa lúa về nhà, anh Phúc phấn khởi cho hay: Sinh ra ở nông thôn, từ bé gắn bó với cây lúa, củ khoai, bám vào đất mà sinh sống, nhìn những mảnh ruộng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, anh thấy xót xa. Sẵn nhà có máy làm đất, máy gặt để làm dịch vụ và được sự động viên của Hợp tác xã, anh đến các hộ gia đình bỏ ruộng xin được mượn ruộng để canh tác. Bắt đầu trồng lúa trên những khu ruộng bỏ hoang từ năm 2020, vụ xuân năm nay, gia đình anh đã tích tụ được 7 ha gieo cấy giống lúa năng suất cao. Mỗi vụ năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha. Thu hoạch đến đâu thương lái mua thóc tươi ngay tại ruộng đến đó. Vụ xuân này dự kiến anh thu về trên 200 triệu đồng.

Lúa tốt, bông to, hạt mẩy, vụ này gia đình anh Phúc thắng lớn.

Rời thôn Thọ Lộc đến thôn Nội, đi trên cánh đồng màu mỡ, đang trong mùa vàng bội thu mới thấy được sự cố gắng của những người nông dân khi đã và đang nỗ lực để mỗi “tấc đất” thật sự là “tấc vàng”. 

Đôi mắt lấp lánh niềm vui, anh Nguyễn Đình Sáng, thôn Nội phấn khởi chia sẻ: Vụ xuân năm nay là vụ thứ 3, gia đình anh sản xuất trên vùng đất tập trung quy mô 20 ha được gom, dồn đổi của trên 100 hộ dân không có nhu cầu sản xuất trong xã. Làm nông nghiệp tuy vất vả nhưng nếu chịu khó đổi mới canh tác, thu nhập cũng ổn định. Ruộng đất tập trung, một chủ nên anh Sáng có thể thực hiện chuyên canh lúa “đồng trà, cùng giống”, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất. Nhờ được gieo cấy trong khung thời vụ, chăm sóc khoa học, đúng kỹ thuật nên năng suất lúa luôn ổn định. Vụ xuân này, năng suất lúa bình quân đạt 200 kg/sào. Cấy 20 ha, sau khi trừ chi phí đã mang về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Những mảnh ruộng bỏ hoang trước đây giờ đã thực sự “hóa vàng”.

Những cánh đồng lúa chín vàng óng thẳng cánh cò bay.

Minh Khai là một trong những xã có diện tích bỏ hoang nhiều của huyện Vũ Thư (khoảng 70 ha). Phần lớn diện tích này là “đồng xa, chiêm trũng” sản xuất không hiệu quả nên người dân bỏ ruộng không canh tác. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động những hộ dân có điều kiện thực hiện tích tụ, gom ruộng để sản xuất nên từ năm 2019 đến vụ mùa xuân 2023, xã Minh Khai có 11 hộ thực hiện gom từ 2 – 20 ha ruộng bỏ hoang sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm cơ bản diện tích bỏ hoang của xã.

Ông Lê Việt Dũng, Chủ tịch UBND xã Minh Khai cho biết: Hiện nay, người dân trong xã đã tích tụ được trên 50 ha từ những diện tích ruộng bỏ hoang. Với quan điểm không để lãng phí tài nguyên đất, tiến tới xóa hoàn toàn diện tích ruộng bỏ hoang, thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã Minh Khai đã tích cực tuyên truyền cơ chế hỗ trợ của tỉnh, của huyện về tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp. Từ đó, khuyến khích những hộ dân có điều kiện thực hiện tích tụ, gom ruộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Địa phương cũng ban hành cơ chế hỗ trợ riêng như: giảm thu các khâu dịch vụ trong 2 năm đầu thực hiện tích tụ, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp,… Không chỉ hạn chế tình trạng bỏ ruộng, biến ruộng hoang “hóa vàng”, việc tích tụ ruộng đất đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất ở địa phương theo hướng hiện đại. Các hộ nông dân tích tụ đã đưa vào canh tác giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của địa phương.

Trên những chân ruộng còn nguyên gốc rạ của vụ xuân, những thửa ruộng bị bỏ hoang năm nào, nay lại đang tiếp tục “cựa mình” vào vụ sản xuất mới, sẵn sàng chờ đón không khí rộn ràng của những mùa vàng bội thu.

Tiên Dung

(Đài TTTH Vũ Thư)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày