Thứ 3, 26/11/2024, 15:34[GMT+7]

Thay đổi tư duy sản xuất lúa

Thứ 4, 07/06/2023 | 08:44:29
9,281 lượt xem
Trong sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình, cây lúa đóng vai trò chủ lực. Nhiều năm qua, tỉnh giữ ổn định sản lượng lúa ở mức trên 1 triệu tấn/năm, năng suất đạt 13 tấn/ha/năm. Khi năng suất lúa đạt đỉnh, tư duy của nhà quản lý, người trồng lúa thay đổi, chú trọng hơn về chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Thụy Thanh (Thái Thụy) cho năng suất dự kiến 59 tạ/ha.

Nông nghiệp hữu cơ là hình thức canh tác nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các chất điều tiết sinh trưởng cây trồng. Nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, đồng thời nâng cao hiệu quả và giá trị của sản xuất nông nghiệp.

Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu lúa gạo tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, phấn đấu diện tích lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn hữu cơ là 500ha. Tuy nhiên, hiện tại Thái Bình mới có hơn 200ha sản xuất lúa hữu cơ, chủ yếu ở các vùng nuôi rươi, nuôi cáy, tuy nhiên những sản phẩm này chưa được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ, chưa xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa hữu cơ theo quy trình. Với mong muốn xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa hữu cơ, từ đó lan tỏa, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện hai mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Thụy Thanh (Thái Thụy) với diện tích 11ha và xã Song Lãng (Vũ Thư) với diện tích 10ha.

Là hộ tham gia mô hình, anh Nguyễn Công Tới, thôn Vô Hối Đông, xã Thụy Thanh hiện đang tích tụ 40ha. Anh Tới cho biết: Hiện nay xu hướng tiêu dùng lúa gạo của người dân thay đổi theo hướng không chỉ ngon mà cần chất lượng hơn, bảo đảm an toàn sức khỏe. Do đó, nông dân cũng phải thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Được sự hỗ trợ của UBND xã trong quy hoạch vùng tập trung, vụ xuân năm 2021 tôi đã chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang áp dụng các biện pháp hữu cơ. Tuy nhiên, vừa học hỏi vừa thực hành nên quy trình chưa được chuẩn hóa. Đến vụ xuân năm 2022, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, tôi thực hiện mô hình cấy lúa hữu cơ trên diện tích 11ha, quy trình, kỹ thuật gieo cấy được thực hiện bài bản. Qua 3 vụ sản xuất tôi thấy môi trường đất và nước được cải tạo rõ rệt. Đất tơi xốp hơn, động thực vật như rong, tảo, cua, cá xuất hiện nhiều. Cây lúa phát triển tốt, bộ lá đẹp, ít bị nhiễm sâu bệnh; chất lượng gạo ngon, vị đậm hơn gạo cùng chủng loại cấy theo phương pháp truyền thống. Về lâu dài, sản xuất hữu cơ sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Trần Quốc Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Các mô hình đều sử dụng mạ khay cấy bằng máy; 100% phân bón hữu cơ sinh học. Về phòng, trừ sâu bệnh, chúng tôi hướng dẫn chủ hộ thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên diện rộng; áp dụng các biện pháp phòng, trừ tổng hợp, vệ sinh đồng ruộng tránh việc lây lan nguồn sâu bệnh từ vụ trước sang vụ sau. Khi phun thuốc phòng, trừ các đối tượng sâu bệnh hại sử dụng các thuốc có nguồn gốc sinh học có tính chọn lọc và hiệu lực phòng, trừ cao, phân hủy nhanh, ít để lại dư lượng trong môi trường và nông sản. Thực tiễn gieo cấy trong năm 2022 và vụ xuân năm 2023, mô hình đã đẩy lịch thời vụ lên sớm hơn so với các năm trước 10 ngày và sớm hơn ruộng của nông dân từ 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, sản xuất lúa hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn khiến diện tích chưa mở rộng nhiều. Trong quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng, trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng, đặc biệt ở nước ta khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại. Với những vùng thâm canh cao, trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ trong những năm đầu năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong phòng, chống sâu bệnh do áp lực sâu bệnh còn cao, cân bằng sinh thái bị phá vỡ trước đây cần thời gian để thiết lập lại. Phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng khoáng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ. Do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm hữu cơ cao hơn sản xuất thông thường...

Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Vụ mùa năm 2023, Chi cục tiếp tục triển khai mô hình tại các huyện để từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của nông dân, chuyển từ sản xuất sử dụng phân, thuốc hóa học sang sử dụng phân hữu cơ, thuốc phòng, trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học có lợi cho môi trường, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch, an toàn và bền vững.

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Thụy Thanh (Thái Thụy).

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày