Thứ 7, 17/05/2025, 17:27[GMT+7]

Phú Xuân Khi dịch bệnh đi qua

Thứ 2, 10/06/2013 | 15:37:18
873 lượt xem
Chúng tôi về Phú Xuân (Thành phố Thái Bình) - một trong 4 xã có dịch bệnh tai xanh xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Mặc dù đã đến hạn công bố hết dịch nhưng ở mọi ngóc ngách, các nẻo đường vẫn phủ trắng vôi bột, lập chốt canh gác và phun hóa chất tiêu độc khử trùng.

Chăm sóc đàn lợn của một hộ nông dân thôn Thắng Cựu, xã Phú Xuân, Thành phố Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Là xã nằm cận kề ngay trung tâm Thành phố Thái Bình, đất canh tác bị thu hẹp để phục vụ cho các khu công nghiệp, đô thị hóa, các ngành dịch vụ thương mại ở Phú Xuân từng bước được mở mang, số hộ kinh doanh buôn bán ngày càng gia tăng. Do quỹ đất phục vụ cho nông nghiệp còn ít nên Phú Xuân chọn hướng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Toàn xã hiện có 2.685 con gia súc, trong đó có 85 trâu bò, 463 lợn nái, 325 lợn sữa, 1.812 lợn thịt (trên địa bàn xã Phú Xuân có 249 hộ gia đình chăn nuôi lợn);  đàn gia cầm có 27.000 con gồm 17.000 con gà, 4.500 con ngan, còn lại là vịt và một số loại gia cầm khác. Phương thức chăn nuôi chủ yếu phân tán  nhỏ lẻ nên khi có dịch bệnh xảy ra, công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.

Dịch bệnh tai xanh xuất hiện trên đàn lợn tại xã Phú Xuân từ ngày 16/4/2013. Có gần 100 con lợn phát hiện bị ốm. Sau khi kiểm tra và xét nghiệm, kết quả cho thấy mẫu bệnh phẩm đã dương tính với bệnh tai xanh, ngày 18/4/2013 UBND xã Phú Xuân đã tổ chức họp mở rộng và triển khai các biện pháp chống dịch như: thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tổ chức khoanh vùng, lập 4 chốt kiểm dịch, lực lượng các chốt gồm công an, dân quân tự vệ và cán bộ thú y để kiểm soát ngăn chặn việc vận chuyển lợn ra vào vùng dịch; tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên toàn xã bằng 132 lít hóa chất Benkcodid và 3.000 kg vôi bột... Để làm tốt khâu chống dịch, Ban chỉ đạo xã Phú Xuân đề nghị bổ sung lực lượng thú y của các xã lân cận về địa phương phối hợp phòng chống dịch; tổ chức tiêu hủy những con lợn chết và điều trị lâu không khỏi theo đúng quy định; tuyên truyền hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly và điều trị tích cực lợn ốm bằng phác đồ điều trị của Chi cục Thú y tỉnh.

Ngoài ra, xã coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt “5 không” trong phòng chống dịch bệnh: không giấu dịch, không bán chạy, không buôn bán giết mổ lợn bị bệnh, không nhập lợn trong thời gian có dịch, không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường. Bên cạnh đó Ban chỉ đạo  đã tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh, buôn bán, giết mổ lợn tạm dừng việc buôn, bán giết mổ lợn trên địa bàn xã tới khi công bố hết dịch. Tính đến ngày 27/4/2013, xã Phú Xuân có 138 con lợn ốm (17 lợn nái, 99 lợn thịt, 22 con lợn sữa) trên tổng đàn 193 con của 23 hộ thuộc 7 thôn. Số lợn ốm chết đã tiêu hủy là 19 con (2 lợn nái, 8 lợn thịt, 9 lợn sữa), trọng lượng 674 kg. Tổng thiệt hại về kinh tế do dịch tai xanh xảy ra trên địa bàn xã ước khoảng 200 triệu đồng. Do làm tốt các khâu chống dịch ngay từ đầu nên số lợn ốm đã điều trị khỏi là 119 con, trong đó có 15 lợn nái, 91 lợn thịt và 13 lợn sữa.

Đến nay Phú Xuân đã qua 23 ngày không còn lợn ốm phát sinh. Hiện xã đang hoàn thiện tờ trình gửi UBND tỉnh công bố hết dịch và hỗ trợ kinh phí để địa phương ổn định các mặt hoạt động, các hộ gia đình tiếp tục phát triển chăn nuôi. Ông Nguyễn Ngọc Lâm – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết: “Vì dịch tai xanh ở lợn không phải xuất hiện trên địa bàn xã lần đầu nên khi có dịch tâm lý người dân không quá hoang mang. Trong quá trình xảy ra dịch, các gia đình ủng hộ công tác phòng chống dịch của Ban chỉ đạo, khi dịch bệnh đi qua các gia đình vẫn tập trung khôi phục phát triển đàn lợn, ổn định cuộc sống”.

Sở dĩ dịch tai xanh tại xã Phú Xuân không bùng phát trên diện rộng là do xã làm tốt công tác tuyên truyền tại các hội nghị hay qua đài truyền thanh đều phổ biến tác hại của dịch tai xanh, vận động nhân dân không giấu dịch, chấp hành các biện pháp chống dịch. Lực lượng cán bộ nhiệt tình ngay từ đầu, kiên quyết thực hiện đúng các khâu. Phổ biến các kiến thức vệ sinh chuồng trại để người dân tự ý thức và áp dụng. Đặc biệt, khi dịch xảy ra phải được theo dõi, giám sát, tổ chức khoanh vùng dịch bệnh kịp thời và tổ chức tiêm thẳng vắc xin đồng loạt trực tiếp vào ổ dịch.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm cho biết thêm: thời gian tới, Phú Xuân tiếp tục làm tốt vai trò chỉ đạo của cấp chính quyền, phối hợp với ngành thú y thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Ngoài bệnh tai xanh, xã còn giám sát chặt chẽ các bệnh thường gặp như: lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm... Duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch; tiếp tục hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng và tuyên truyền trên loa phát thanh để nhân dân thực hiện tốt “5 không”. Tiếp tục tiến hành tiêm phòng bổ sung cho số lợn còn sót chưa được tiêm và số lợn nhập mới, bảo đảm 100% số lợn nuôi được tiêm phòng.

Hồng Thắm – Y Ban

                              (Sinh viên thực tập)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày