Thứ 3, 26/11/2024, 15:54[GMT+7]

Hưng Hà: Thúc đẩy xây dựng sản phẩm OCOP

Thứ 3, 13/06/2023 | 08:48:36
10,710 lượt xem
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Hưng Hà chú trọng phát triển các sản phẩm mang đặc trưng, lợi thế, thương hiệu của từng địa phương, góp phần mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất theo hướng bền vững. Tuy nhiên, đến nay toàn huyện mới có 5 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Nhận thức rõ việc xây dựng sản phẩm OCOP sẽ đánh thức tiềm năng, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ mỗi xã, thị trấn chưa xây dựng sản phẩm OCOP 100 triệu đồng/sản phẩm, từ đó tạo đà hoàn thành mục tiêu đề ra.

Sản phẩm khoai lang kén của gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh, xã Hòa Bình (Hưng Hà).

Vụ xuân năm nay, các hộ xã viên HTX DVNN xã Điệp Nông mở rộng gieo trồng trên 85ha lạc. Do thời tiết thuận lợi, sâu bệnh được khống chế kịp thời nên toàn bộ diện tích lạc trên địa bàn xã phát triển tốt, đạt năng suất khoảng 4 - 5 tạ/sào. Lạc thu hoạch đến đâu được bà con bán tươi ngay tại ruộng cho các thương lái với giá 14.000 - 18.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi sào lạc cho nông dân thu lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng. Hiệu quả từ trồng lạc sẽ là điều kiện thuận lợi để địa phương từng bước xây dựng thành công sản phẩm OCOP từ cây trồng chủ lực này. 

Ông Ngô Quang Tú, thôn Ngũ Đông, xã Điệp Nông chia sẻ: Sản phẩm lạc của thôn Ngũ Đông chỉ mới ở giai đoạn xuất bán tươi hoặc phơi nắng chứ chưa được sấy khô bằng máy móc hiện đại, chưa tiếp cận với các siêu thị, cửa hàng rau sạch, do vậy giá trị chưa cao. Hy vọng rằng, khi có cơ chế hỗ trợ của huyện nghề trồng lạc của chúng tôi có cơ hội để phát triển bền vững, xây dựng thành công sản phẩm đặc thù của địa phương, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, HTX DVNN xã Điệp Nông còn định hướng xây dựng sản phẩm cây kê và nấm mỡ trở thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Lương, Phó Giám đốc HTX cho biết: Khi có cơ chế hỗ trợ của huyện, chúng tôi sẽ đầu tư giàn sấy giúp người dân giảm bớt công sức lao động; đồng thời, tập huấn cho nông dân sản xuất theo quy trình bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; cải tiến mẫu mã, quảng bá thương hiệu sản phẩm và hoàn thiện thủ tục hồ sơ để thẩm định. Việc xây dựng thành công sản phẩm OCOP không chỉ phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương.

Tại xã Hòa Bình, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản của gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh hiện đang sản xuất 3 mặt hàng chủ lực gồm ngô chiên, khoai lang kén và cùi bưởi nấu chè. Trung bình mỗi năm cơ sở tiêu thụ trên 300 tấn nông sản của địa phương, xuất bán trên 350 tấn thành phẩm, tạo việc làm ổn định cho 30 - 40 lao động với thu nhập bình quân từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 300 triệu đồng/năm. Đây là sản phẩm được xã Hòa Bình lựa chọn xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới. 

Ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Được sự hỗ trợ của UBND huyện, chúng tôi tập trung đầu tư trang thiết bị cho cơ sở để phục vụ khâu chế biến sản phẩm như: máy tách hạt, kho lạnh... hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, truy xuất nguồn gốc; xây dựng các vùng nguyên liệu và thực hiện mô hình sản xuất an toàn thực phẩm làm thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn, nhất là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho cơ sở. 

Ông Nguyễn Tiến Mạnh cho biết: Đây đều là sản vật của quê hương, vì vậy tôi muốn phát triển thương hiệu để nâng cao thu nhập và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất chúng tôi còn gặp không ít khó khăn như: diện tích nhà xưởng còn nhỏ, chưa đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, vì vậy cơ chế của huyện như luồng gió mới hỗ trợ, thúc đẩy chúng tôi tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn xây dựng sản phẩm OCOP của cơ sở.

Theo kế hoạch chương trình OCOP giai đoạn 2022 - 2025, toàn huyện Hưng Hà phấn đấu có 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 10 sản phẩm OCOP được công nhận 4 sao, 5 sản phẩm OCOP được công nhận 5 sao. Chính vì thế, việc ban hành cơ chế khuyến khích các hộ nông dân, HTX quan tâm cải tiến quy trình, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để được công nhận sản phẩm OCOP là việc làm cần thiết. 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Bên cạnh cơ chế hỗ trợ, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP; khuyến khích các chủ thể mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, tạo vùng nguyên liệu bền vững cho chế biến sản phẩm, tạo điều kiện để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tiếp cận những thị trường mới thông qua công nghệ 4.0. Đối với các sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận, huyện tăng cường công tác phối hợp quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Cơ chế hỗ trợ của huyện Hưng Hà được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy khuyến khích, kích cầu để sản xuất phát triển nhằm tăng về số lượng, chất lượng, chủng loại và gia tăng giá trị của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần duy trì và phát triển các sản phẩm truyền thống của quê hương lên tầm cao mới.

Khâu đóng gói tại cơ cở chế biến nông sản của ông Nguyễn Tiến Mạnh, xã Hòa Bình.



Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày