Thứ 7, 02/11/2024, 16:19[GMT+7]

Hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc: Hướng phát triển bền vững

Thứ 4, 14/06/2023 | 09:33:53
2,159 lượt xem
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc là hướng đi bền vững, giúp tăng hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nhà nông. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, các HTX DVNN trên địa bàn huyện Đông Hưng đã thực hiện thành công các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế nông nghiệp của huyện.

Cán bộ HTX DVNN xã Đông Cường kiểm tra lúa trước khi thu mua.

Cánh đồng một giống lúa

Vụ này là vụ thứ 12 liên tiếp, nông dân xã Đông Cường thực hiện mô hình cánh đồng cấy một giống lúa. Ông Lê Công Hưng, xã Đông Cường cho biết: Nhà tôi cấy giống lúa nếp Đài Loan gần 20 năm nay, ban đầu cấy vài sào, manh mún, nhỏ lẻ nay tăng lên 2,8 mẫu, đều ở cánh đồng một giống. Giống này kháng đạo ôn tốt, ít sâu bệnh, cây cứng không bị đổ, cấy được cả 2 vụ, cho năng suất cao. Bên cạnh đó, cánh đồng một giống còn thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, vì vậy bà con làm nông nghiệp giờ rất nhàn.

Đến nay, gần 400ha lúa xuân của xã Đông Cường đã thu hoạch xong, năng suất đạt trên 72 tạ/ha, cao hơn mức bình quân chung của huyện (trên 71 tạ/ha). Sở dĩ diện tích lúa của xã có được năng suất vượt trội như trên là bởi nhiều năm nay, bà con nông dân trong xã luôn duy trì, nhân rộng cánh đồng cấy một giống lúa nếp Đài Loan hoặc giống lúa Nhật. 

Ông Đỗ Quý Duẩn, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Cường cho biết: Cây lúa nếp có mặt ở Đông Cường gần 20 năm nay, nhưng 6 năm nay HTX tham mưu cho xã quy hoạch vùng sản xuất chuyên 2 giống lúa nếp Đài Loan và giống lúa Nhật ở tất cả các xứ đồng, tuyên truyền, vận động bà con xã viên hưởng ứng. Vụ xuân năm 2023, toàn xã cấy 260ha nếp Đài Loan, 36ha lúa Nhật. Để việc gieo cấy và thu hoạch được thuận lợi, HTX triển khai đồng loạt các khâu, vận động bà con ủ mộng và gieo mạ cùng ngày; cấy phủ kín từng cánh đồng. Cấy cùng một giống lúa thì giai đoạn lúa làm đòng, trổ bông cùng thời điểm nên lúa thụ phấn tốt hơn, không bị hiện tượng lẫn giống do hạt phấn phát tán bởi gió, hiệu quả kinh tế cao hơn cánh đồng nhiều giống từ 20 - 25%. Cách làm này cũng giúp bà con nơi đây tự tạo giống để sản xuất suốt gần 20 năm qua vẫn bảo đảm chất lượng.

Việc triển khai cánh đồng cấy một giống lúa được huyện Đông Hưng triển khai nhiều năm qua. Lúc đầu chỉ hẹp ở một số xã nhưng đến nay đã nhân rộng ra nhiều địa phương, điển hình như Đông Cường, Đông Xá, Đông Phương, Phú Lương, Phú Châu, Mê Linh, An Châu... Qua thực tiễn cho thấy những cánh đồng chỉ canh tác một giống lúa, thời gian sinh trưởng, làm đòng, trổ bông... như nhau, nông dân dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc canh tác nhiều giống lúa trên cùng cánh đồng.

Thuận cho bao tiêu

Vụ xuân này, ông Phạm Văn Cường, xã Đông Xá tích tụ 25 mẫu ruộng cấy nếp Đài Loan và lúa Nhật. Toàn bộ lúa được HTX DVNN xã kết nối với doanh nghiệp thu mua tại chỗ. 

Ông Cường cho biết: Có HTX đứng lên quy vùng sản xuất, điều hành nước, máy móc làm đất, cấy, gặt chúng tôi mới dám nhận nhiều ruộng để cấy. Mỗi vụ thu hàng chục tấn thóc nhưng nhà tôi không lo đầu ra vì đã có HTX liên kết với doanh nghiệp, thương lái cân thóc tươi với giá cao. Chúng tôi rất phấn khởi vì bán thóc tươi không phải phơi rất nhàn, đặc biệt vụ mùa không có HTX bao tiêu gặt xong gặp mưa kéo dài là thóc mộng hết, cả năng suất, thu nhập đều giảm.

Lúa nếp Đài Loan tại các xã của huyện Đông Hưng được các doanh nghiệp thu mua nhiều vì bảo đảm chất lượng.

Xã Đông Xá có 284ha lúa, trong đó lúa nếp Đài Loan chiếm 30%. HTX DVNN xã đã quy vùng cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 200ha, riêng vùng sản xuất tập trung 50ha chỉ chuyên cấy giống lúa nếp Đài Loan và giống lúa Nhật. 100% diện tích làm đất, thu hoạch đều bằng máy, trên 50% diện tích cấy máy. Mỗi vụ bà con thu hoạch gần 3.000 tấn thóc, song hiện nay chỗ phơi thóc và nhân lực đều thiếu, bán thóc tươi là giải pháp được nhiều hộ lựa chọn. 

Bà Trần Thị Thanh Hoài, Giám đốc HTX chia sẻ: Từ năm 2020 tới nay HTX lựa chọn, tiếp cận và hợp đồng với một số doanh nghiệp uy tín thu mua thóc tươi cho bà con, mỗi vụ từ 150 - 200 tấn. Với các thương lái tự đứng ra thu mua, HTX nắm bắt thông tin, điều chỉnh để người dân không bị ép giá. Vụ xuân 2023, cả HTX và thương lái thu mua cho bà con gần 700 tấn thóc, chiếm 40% lượng thóc của toàn xã.

Về xã Đông Cường những ngày gặt mới thấy việc thu hoạch ở đây rất khoa học, nhanh gọn, thuận tiện cả cho chủ máy, cho nông hộ cũng như việc thu mua thóc tươi. Ông Nguyễn Cao Thắng, Trưởng thôn Tào Xá chia sẻ: Nhiều năm rồi việc sản xuất của bà con rất nhàn và thuận tiện vì có HTX chỉ đạo sản xuất bài bản, cấy đồng loạt để lúa chín đều, gặt cuốn chiếu từng cánh đồng. HTX cũng liên kết với thương lái đưa ô tô về cân thóc tươi cho bà con ngay tại ruộng.

Nhiều năm nay, chị Đỗ Thị Thúy đều thông qua HTX bao tiêu thóc cho bà con một số xã của huyện Đông Hưng, mỗi vụ khoảng 1.000 tấn. Chị Thúy cho biết: Vụ nào tôi cũng liên kết với các HTX bao tiêu thóc cho bà con để cung ứng cho doanh nghiệp chuyển cơ sở làm cơm cháy xuất khẩu. Tôi thường thu mua thóc của cụm xã Phương, Cường, Xá vì HTX tổ chức thu hoạch nhanh gọn, đặc biệt cấy thành vùng thóc không bị pha tạp, hạt thóc có độ mẩy cao, chất lượng gạo ngon, khách hàng rất ưa chuộng.

Thắt chặt mối liên kết

Thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện Đông Hưng đã tích cực liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo cho người dân mang lại nhiều lợi ích: Nông dân cấy lúa có thu nhập ngày càng cao, doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, huyện nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất mới... Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều “rào cản” trong việc thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa cho nông dân. Đó là tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và người sản xuất, khiến một số HTX như Phú Châu, An Châu, Mê Linh... từng làm rất tốt việc liên kết hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình chăm sóc và tiêu thụ nông sản cho xã viên nhưng sau vài vụ một phía đơn phương phá hợp đồng thì HTX không mặn mà nữa. 

Ông Hoàng Xuân Nghiêm, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Phương cho biết: Vụ xuân này HTX thu mua trên 100 tấn thóc tươi cho bà con để cung ứng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cứ vào mùa vụ là tái diễn tình trạng thương lái ép giá bà con vì thương lái tự về mua không qua HTX nên không có hợp đồng để ràng buộc. 

Ông Lê Công Hưng, xã Đông Cường cấy 3 mẫu chia sẻ: Tôi mong cấp ủy, chính quyền, HTX tiếp tục tìm đầu ra cho lúa gạo để bà con yên tâm đầu tư sản xuất, có thu nhập tốt.

Cánh đồng một giống lúa của xã Đông Cường đem lại những mùa vụ bội thu.

Để tháo gỡ “rào cản”, thúc đẩy phát triển sản xuất lúa hàng hóa, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. 

Ông Lã Quý Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năm nay, lúa xuân của huyện tiếp tục được mùa, chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương, trong đó chủ lực là HTX ký kết với doanh nghiệp thu mua thóc cho nông dân. Vụ xuân này có trên 3.000ha được bao tiêu với giá cao hơn các vụ xuân trước. Song để việc tiêu thụ thóc cho bà con được thuận lợi, giá ổn định phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, HTX, nông dân nâng cao vai trò, trách nhiệm cùng xây dựng mối liên kết bền chặt trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể với lợi ích của chuỗi giá trị. Cấp ủy, chính quyền, HTX đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo. Tăng cường các giải pháp hỗ trợ pháp lý, bảo đảm thực thi các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc gạo giữa nông dân với doanh nghiệp và các bên liên quan; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, bất cập trong quá trình liên kết...

Trong sản xuất nông nghiệp, Đông Hưng hướng đến phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, trong đó HTX làm nòng cốt. Điều này sẽ giúp khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, từng bước nâng cao giá trị thóc gạo, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.


Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày