“Chạy thóc” mùa gặt
Ký ức một thời “chạy thóc”
Những ai sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, hẳn đã từng một hoặc nhiều lần được trực tiếp trải nghiệm cảnh chạy thóc ngày mưa. Lúa vụ xuân mà nhiều làng quê quen gọi là lúa vụ chiêm, cho thu hoạch vào giữa hè, nắng cháy da cháy thịt, lại bất ngờ đổ mưa rào như trút nước. Trước kia, chưa có máy móc, ngày mùa dân làng phải ra đồng từ tờ mờ sáng, gặt lúa bằng liềm, dùng xe thồ chở những bó lúa về sân nhà, rồi chầu chực máy tuốt đến nhà tuốt lúa. Lúa tuốt xong, nhà nào có mái bằng (mái bê tông) thì vác thóc lên mái để phơi, nhà nào không có thì phơi ở sân gạch, các ngõ ngách ngập kín rơm rạ, bọn trẻ con tha hồ lăn lộn trong đụn rơm, sân thóc, thơm phức mùi rơm, lúa mới.
“Làm nông vất vả đã quen, nhưng cảnh “chạy thóc” trời mưa thì ai cũng ngao ngán. Mà ông trời đến lạ, thường mưa lúc nửa ngày, bà con đã mệt nhoài ngoài đồng, về nhà vừa bưng được bát cơm lên ăn thì mây đen ở đâu ùn ùn kéo đến. Nhà nhà vội vàng bỏ dở mâm cơm, huỳnh huỵch “chạy thóc”, tức là thu thóc dồn vào cót tre, hoặc đóng bao, che đậy lại tránh mưa. Đặc biệt, khi có vài hạt mưa lắc rắc rơi xuống, ai cũng cuống quýt, căng thẳng, ra sức “chạy thóc”, mệt đến nỗi “thở bằng tai” nhưng có khi thu xong, trời lại nắng to. Cả làng vừa ấm ức vì được phen vất vả vừa mừng vì thóc chưa ướt, ai nấy cười xòa nói ông trời hay đùa” - bà Bùi Thị Hiền, thôn Phú Chử, xã Việt Hùng kể lại.
Xa quê hơn 20 năm nhưng “chạy thóc” vẫn đọng lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức tuổi thơ của chị Đặng Tâm, 44 tuổi, Hà Nội. “Hôm nào nhà phơi thóc, giữa trưa, bố mẹ sẽ cắt cử chị em tôi ra “trông trời”, làm kẻng báo động. Nhiều hôm, đang say giấc nghỉ trưa, có người hô to: “Mưa! Mưa! Cả làng ơi mưa rồi!”, thế là người nào người nấy nháo nhào lao dậy “chạy thóc”, hóa ra là bị lừa. Ban ngày, thường người lớn ra đồng làm hết, để lại toàn trẻ con ở nhà phơi thóc, nếu không may trời mưa thì mấy chị em tha hồ vật lộn với sân thóc. Có hôm mưa ập đến bất ngờ, không kịp “chạy”, thóc bị ngập trong nước, chị em tôi cũng ướt sũng, nhìn sân thóc vừa xót xa vừa lo sợ bố mẹ về sẽ cho ăn no đòn. Cảnh chạy thóc làm tôi nhớ da diết một thời tuổi thơ gian khổ nhưng yêu lao động, biết giúp đỡ ông bà, bố mẹ và biết quý trọng từng hạt lúa, hạt thóc làm ra” - chị Đặng Tâm xúc động chia sẻ.
Bà con hỗ trợ, giúp đỡ nhau vận chuyển thóc từ đồng về nhà.
Nghĩa tình làng xóm
Giờ đây, cơ giới hóa đồng ruộng đã giải phóng sức lao động cho nông dân; tuy nhiên, khâu phơi thóc thì hầu hết vẫn được thực hiện thủ công, trừ một vài hộ tích tụ ruộng đất sản xuất lúa quy mô lớn đã đầu tư được hệ thống giàn sấy. Bởi vậy, đến nay việc “chạy thóc” vẫn xảy ra thường xuyên ở các làng quê mỗi dịp ngày mùa. Cũng chính từ sự kiện bất đắc dĩ này mà tình làng nghĩa xóm được gắn kết, bó bện hơn.
Anh Nguyễn Văn Kiên, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong (Vũ Thư) chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu tích tụ 10ha đất để sản xuất lúa từ năm 2017 và hiện nay là gần 40ha. Ban đầu, tôi chưa có điều kiện để xây dựng hệ thống sấy thóc, nên mấy vụ đầu tiên, tôi vừa bán thóc tươi vừa phải phơi hong hàng trăm tấn thóc một vụ. Thóc phơi dọc đường làng ngõ xóm và nhờ sân các hộ trong thôn. Mỗi khi trời mưa, chẳng ai bảo ai mà cả làng đều nhiệt tình, xông ra “chạy thóc” hộ. Gia đình tôi thật sự xúc động, thấy tình làng nghĩa xóm ấm áp, tạo động lực cho tôi thêm nỗ lực, chăm chỉ lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm, giúp đỡ bà con quê hương.
Gia đình ông Hoàng Văn Nghiệp, xã Tam Quang mỗi vụ thường mua gần 10 tấn thóc nếp tươi về phơi, bảo quản để làm nghề phụ của gia đình. Ông cho biết: Vợ chồng tôi đã cao tuổi, con cái lại đi làm ăn xa, nên phơi nhiều thóc như vậy, những lúc “chạy” mưa thật sự rất vất vả. May có bà con lối xóm nhiệt tình, nhiều lượt đến giúp “chạy thóc” khi trời gần mưa, tránh được tình trạng thóc bị ướt, hỏng, nên không bị thiệt hại kinh tế.
Nông dân giờ đây đã bớt nhọc nhằn sớm khuya, nhưng hình ảnh “chạy thóc” vẫn quen thuộc ở các làng quê. Trong những tình huống khó khăn, cấp bách ấy, tình người càng tỏa sáng, ấm áp và chân thành như bản chất vốn có của những người nông dân. Và ký ức tuổi thơ một thời “chạy thóc” mùa gặt vẫn luôn vẹn nguyên trong trái tim nhiều người con xa quê.
Nam giới trong các gia đình thường hỗ trợ nhau khiêng, vác thóc; phụ nữ thực hiện việc thu gom, đóng bao.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Làng hoa cây cảnh Quỳnh Hồng tất bật vào tết 30.12.2024 | 16:03 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng