Thứ 4, 07/08/2024, 03:58[GMT+7]

Chậm lịch thời vụ Thực trạng và giải pháp ở Tiền Hải

Thứ 2, 17/06/2013 | 10:37:36
910 lượt xem
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, sự nỗ lực của bà con nông dân, từ một huyện có năng suất lúa thấp, Tiền Hải đã vươn lên thuộc tốp đầu của tỉnh cả về trình độ thâm canh, cơ cấu giống và năng suất. Tuy nhiên, bức tranh đồng ruộng của Tiền Hải vẫn còn hiện hữu “khoảng tối” chậm lịch thời vụ. Đây cũng chính là trăn trở của Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải hiện đang được chỉ đạo quyết liệt trong năm 2013, đặc biệt trong vụ mùa tới.

Vụ mùa năm 2011, theo đề án Tiền Hải kết thúc gieo cấy vào 20/7 nhưng đến ngày 7/8 những xã cuối cùng (tập trung chủ yếu ở khu Nam) mới hoàn thành cấy lúa mùa đại trà. Do vậy khi cả tỉnh đã thu hoạch được 50 - 70% diện tích thì Tiền Hải mới lác đác có một số xã thu hoạch. Ngay trong huyện, khi nhiều xã như Vũ Lăng, Đông Quý, Vân Trường... thóc đã vào bồ, cây vụ đông đã lên xanh thì ở một số xã như Nam Trung, Nam Thanh... lúa mới uốn câu vào mẩy, thậm chí có thửa mới chỉ phơi màu. Lúa của những xã chậm thời vụ khi gặp mưa, bão số 5 đã bị giảm năng suất rõ rệt. Cùng với đó cuối tháng 10, rầy phát sinh với mật độ 2 - 5.000 con/m2, dù đã được phòng trừ nhưng không ít diện tích lúa cấy muộn (chủ yếu là BC15) chỉ còn bông xác xơ, đen lửng.

Bước sang năm 2012, cùng với nguyên nhân khách quan mưa lớn từ ngày 6 - 9/8 phải cấy dặm lại, chăm sóc bổ sung cho gần 1.000 ha lúa mùa, nguyên nhân khiến năng suất, sản lượng của Tiền Hải sụt giảm mạnh vẫn là chậm lịch thời vụ. Toàn huyện còn hơn 2.000 ha cấy muộn cuối tháng 7 và sang đầu tháng 8, tập trung ở một số xã như Nam Thanh, Nam Hưng, Nam Cường, Nam Chính... Siêu bão số 8 đổ bộ vào huyện ngày 28/10 khiến gần 6.000 ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch bị thiệt hại năng suất 30 - 70%, chủ yếu  ở các xã cấy muộn.

Theo kỹ sư Trần Minh Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, khi xây dựng lịch thời vụ, huyện Tiền Hải luôn bám sát kế hoạch chung của tỉnh, căn cứ vào điều kiện thiên nhiên, đất đai, nguồn nước tưới, chu kỳ phát sinh sâu bệnh, tình hình mưa, bão... Hậu quả của việc bê trễ thời vụ qua hai vụ mùa năm 2011, 2012 đã rõ ràng nhưng một số địa phương và một bộ phận nông dân vẫn chưa tuân thủ theo đề án của huyện. Qua khảo sát ở những xã chậm thời vụ, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều nguyên nhân như tập quán canh tác của nông dân, thiếu cơ giới khâu làm đất, lực lượng trẻ khỏe chủ yếu đi làm ăn xa... Nhưng lý do cơ bản nhất là do thiếu sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền, một số địa phương phó mặc chỉ đạo sản xuất cho HTX DVNN và để các hộ nông dân canh tác theo kiểu tự phát.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Như Thăng, Bí thư Huyện ủy khẳng định quyết tâm chấm dứt tình trạng chậm tiến độ thời vụ, thực hiện thắng lợi vụ mùa, vụ đông năm 2013. Từ cuối năm 2012, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp xây dựng một chuyên đề riêng, triển khai xuống tận thôn, xóm về vấn đề này. Các hộ, địa phương bảo đảm đúng tiến độ gieo cấy vụ mùa, huyện có cơ chế khen thưởng khuyến khích động viên (gần 4 tỷ đồng hỗ trợ cho cả hai vụ); đưa tiến độ thời vụ vào tiêu chí công nhận Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thẩm thấu đến từng người dân; quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo... Để giải quyết khâu làm đất, huyện yêu cầu các xã rà soát số máy hiện có và nhu cầu sử dụng, lập danh sách để huyện xem xét hỗ trợ (20 triệu đồng/máy loại 22- 24 CV)...

Cùng với đó, huyện đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện giúp đỡ vốn cho nông dân; chỉ đạo quyết liệt từ đầu tháng 6 (hoãn các cuộc họp không cần thiết, chỉ đạo các cơ quan, các địa phương không tổ chức thăm quan, du lịch, huy động mọi lực lượng kể cả các lực lượng vũ trang...) tập trung thu hoạch lúa xuân, gieo cấy vụ mùa kịp thời vụ. Một loạt các giải pháp đồng bộ đã mang lại kết quả khả quan cho Tiền Hải, đó là vụ xuân 2013, Tiền Hải chẳng những được mùa về năng suất, sản lượng mà thời vụ đã sớm được 10 ngày so với vụ xuân 2012. Theo ông Ngô Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện, đối với đặc thù đồng đất Tiền Hải, lúa xuân cấy tốt nhất vào tháng 2, lúa mùa tốt nhất vào tháng 7. Đầu tháng 6, toàn huyện bước vào thu hoạch lúa xuân và việc kết thúc cấy lúa mùa 2013 trong khung thời vụ tốt nhất (ngày 20/7) hoàn toàn có thể thực hiện được.

Bước vào vụ mùa 2013, từ các cấp ủy đảng, chính quyền đến các hộ nông dân của Tiền Hải đã chuyển biến rõ nét trong nhận thức về tầm quan trọng của lịch thời vụ. Tại hội nghị triển khai đề án vụ mùa, vụ đông tới 35 xã, thị trấn, Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Văn Bái đã nêu rõ tác hại của việc chậm lịch thời vụ: năng suất giảm 20 - 30%, chi phí sản xuất tăng 40 - 50.000 đồng/sào, cùng với đó là hệ lụy phải hứng chịu thiên tai, ảnh hưởng quỹ đất làm vụ đông... Ngay cả lý do một số xã khu Nam đưa ra, chậm thời vụ bởi Tiền Hải là vùng đất ven biển nên đồng ruộng bị nhiễm chua mặn cũng không còn chỗ đứng, bởi các xã như Đông Long, Đông Hoàng, Đông Hải đất cũng nhiễm chua mặn, thậm chí ở Đông Long chênh lệch chân đất từ 20 - 25cm, nhưng các xã này vẫn đảm bảo lịch thời vụ, năng suất lúa cả năm vẫn đạt 115 - 125 tạ/ha.

Chúng tôi đã về Vũ Lăng, một xã luôn đi đầu toàn huyện trong chấp hành lịch thời vụ, Chủ tịch UBND xã Lê Duy Nguyên cho biết, để đạt được điều đó, cần sự vào cuộc tích cực của Đảng ủy và UBND xã, các đảng ủy viên được phân công phụ trách từng địa bàn, bám sát các hộ xã viên từ khâu gieo mạ, bố trí cơ cấu giống. Cùng với kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông, kế hoạch làm đất phải được lập và triển khai theo chuyên đề riêng.

Bài, ảnh: Phan Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày