Chạy đua với thời vụ
Thời tiết nắng nóng diễn ra đúng vào thời điểm gieo cấy lúa mùa nên bà con nông dân đã chủ động thay đổi giờ làm việc, chỉ tập trung gieo cấy vào sáng sớm và chiều mát nhằm hạn chế ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đến sinh trưởng của cây lúa sau cấy.
Mặc dù cấy 2,5 mẫu ruộng nhưng bà Nguyễn Thị Gấm, xã Đông Động (Đông Hưng) cấy bằng tay. Bà cho biết: Vợ chồng tôi có tuổi, không đi làm tại các công ty, xí nghiệp nên mượn thêm ruộng cấy lấy hạt thóc trang trải sinh hoạt hàng ngày. Cấy theo phương pháp hàng rộng hàng hẹp vừa đỡ tốn giống, lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, ít sâu bệnh lại nhanh. Trung bình mỗi ngày tôi cấy được 2 sào. Hai vợ chồng tôi vừa cấy vừa nhổ mạ, đi sớm về muộn chút nên cũng chỉ 6 - 7 ngày là xong.
Gia đình bà Lê Thị Ngoãn, thôn Nam Song, xã Hà Giang (Đông Hưng) cũng đang tập trung cao cho việc gieo cấy 120 mẫu ruộng. Ngoài đầu tư 3 máy cấy dắt tay, vào mùa vụ bà Ngoãn còn mượn thêm 12 nhân lực cho các khâu vận hành máy cấy, vận chuyển mạ, dặm lúa... để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, bảo đảm thời vụ. Bà Ngoãn chia sẻ: Để kịp tiến độ cũng như tránh thời tiết bất thuận cho cả người lao động và cây lúa, gia đình tôi tập trung vận chuyển mạ ra đồng từ 2 giờ sáng để 5 giờ sáng máy cấy có thể vận hành. Ngoài 40 mẫu thuê, mượn của bà con trong thôn, xã, gia đình tôi còn làm thuê (làm đất, cấy bằng máy) 80 mẫu của người dân trong xã và các xã lân cận. Tập trung cao nhân lực, phương tiện bắt đầu cấy từ đầu tháng 7, tôi phấn đấu đến ngày 15/7 sẽ cấy xong.
Là địa phương có truyền thống sản xuất cuối lịch thời vụ, những ngày qua, thực hiện phương châm thu hoạch lúa xuân tới đâu làm đất gieo cấy lúa mùa tới đó, huyện Tiền Hải tập trung cao độ cho sản xuất vụ mùa. Với định hướng tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, tăng diện tích lúa thuần, lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó, chú trọng các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa giống, lúa thương phẩm. Đây là vụ sản xuất khó khăn do nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, do sớm xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa, có sự chỉ đạo tập trung từ huyện đến các HTX... nên các công đoạn của sản xuất vụ mùa được triển khai kịp thời.
Bà Phạm Thị Vui, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tiền Hải cho biết: Thực hiện cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ mùa, ngày 4/7 các địa phương trong huyện đã tiếp nhận thuốc trừ rầy để phun cho 100% diện tích mạ trước khi đưa ra gieo cấy nhằm phòng, tránh bệnh lùn sọc đen. Trạm khuyến cáo các HTX và bà con nông dân duy trì mực nước nông mặt ruộng để bảo đảm sinh trưởng, phát triển của lúa, không bốc chua, mặn.
Nông dân huyện Thái Thụy chuẩn bị mạ khay trước khi đưa ra ruộng cấy.
Ông Trần Quốc Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Theo dự báo, nắng nóng gay gắt còn kéo dài, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa mùa. Ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương huy động nông dân tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ làm đất và gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất, bảo đảm việc gieo cấy kết thúc trước ngày 20/7. Bảo vệ tốt diện tích mạ dự phòng và chuẩn bị đủ lượng giống lúa ngắn ngày, hạt giống rau màu kịp thời ứng phó với những điều kiện bất thuận của thời tiết. Thực hiện tốt các biện pháp chống nắng, bảo vệ mạ và lúa mới gieo cấy: Đối với mạ dược, cần kiểm tra thường xuyên, luôn giữ nước trong ruộng mạ từ 3 - 5cm để bùn mềm dễ nhổ mạ khi cấy và không bị đứt gốc; đối với mạ sân và mạ khay cấy máy, bảo đảm nền gieo mạ luôn đủ ẩm, không để nền mạ sân hoặc giá thể trong khay mạ khô, gây chết mạ. Chăm sóc cho cây mạ sinh trưởng phát triển tốt, tuyệt đối không bón đạm ure cho mạ, nếu mạ có biểu hiện thiếu dinh dưỡng, vàng cằn có thể dùng phân bón qua lá, phân vi lượng để phun cho mạ. Đối với diện tích lúa mùa mới cấy cần làm tốt công tác điều tiết nước bảo đảm cây lúa không bị nóng, nhanh bén rễ. Khi lúa bén rễ hồi xanh giữ mực nước 3 - 5cm kết hợp bón NPK tổng hợp thúc lúa đẻ nhánh sớm và tăng cường khả năng chống chịu với thời tiết bất thuận.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng các loại phân bón vi sinh, hữu cơ, các chế phẩm sinh học để cải tạo đất, hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ; kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, chủ động diệt ốc bươu vàng, diệt chuột, lúa cỏ, quản lý rầy để hạn chế nguồn lây bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu vụ, nghiêm cấm các hình thức sử dụng điện, thuốc ngoài danh mục để diệt chuột.
Lưu Ngần
Tin cùng chuyên mục
- Làng hoa cây cảnh Quỳnh Hồng tất bật vào tết 30.12.2024 | 16:03 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng