Chủ nhật, 19/05/2024, 14:44[GMT+7]

Kiến Xương Thực trạng các công trình đê điều mùa lũ bão 2010

Thứ 4, 08/09/2010 | 15:04:50
2,198 lượt xem
Kiến Xương nằm ở vùng trung lưu có 23,65 km đê sông; trong đó, có 8,9 km đê cấp III, 14,75 km đê cấp II, 7,7 km đê biển và gần 40 km đê bối dân sinh, đê bao vùng cây công nghiệp.

Công Ngũ Thôn trên tuyến đê biển số 6 thuộc địa phận xá Lê Lợi (Kiên Xương). Ảnh: Thành Tâm

Các tuyến đê sông trong huyện có 8 kè, trong đó có 7 kè lát mái hộ bờ và 1 kè mỏ với tổng chiều dài gần 6 km; 34 cống tưới tiêu, cống xả trạm bơm qua đê. Hầu hết công trình đê điều của huyện đều xuống cấp do vậy, ngay trước khi mùa lụt bão tới, Kiến Xương đã tiến hành kiểm tra, đánh giá, hiện trạng đê, kè, cống; từ đó có kế hoạch tu bổ kịp thời nhằm chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thiên tai.

Hệ thống đê của Kiến Xương bao gồm ba tuyến đê chính: Đê hữu Trà Lý, Đê tả Hồng Hà II và tuyến đê biển số 6. Qua kiểm tra, hầu hết các tuyến đê trong huyện có cao độ còn thiếu so với thiết kế quy hoạch hoàn chỉnh từ 0,2 đến 0,4m, cục bộ có đoạn còn thiếu độ cao từ 1 đến 1,3m. Trong quá trình sử dụng qua nhiều năm, do ảnh hưởng của thiên nhiên, con người, xe cộ qua lại nên một số đoạn mặt đê láng nhựa, cấp phối đá dăm nước bị phá vỡ kết cấu, lún thụt cục bộ thành rãnh, ổ gà, thấp xuống so với mặt đê tự nhiên từ 15 đến 20 cm chưa được tu bổ sửa chữa, khi trời mưa đọng nước làm mặt đê bị biến dạng, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hầu hết các tuyến đê đều không có tre chắn sóng hoặc có nhưng chậm phát triển.

Một số đoạn đê như: Km35+100 đến Km36+700, Km33+500 đến Km35+300, Km37+700 đến Km38+800, Km40+450 đến Km42 (tuyến đê Hữu Trà Lý) khi có lũ báo động từ cấp 2 trở lên kéo dài, bão vào thời điểm triều cường, lũ bão trùng hợp đê có khả năng xảy ra hiện tượng sạt trượt mái đê phía sông, mái đê đồng, thẩm lậu nước trong, nước đục, xuất hiện lỗ rò ở mái đê đồng từ chân đê lên mái đê 1 đến 2,5m, sủi qua nền đê vào các khu vực đầm, ao, giếng khơi, ruộng trũng.

Cùng với sự xuống cấp của hệ thống các đê, các kè ở Kiến Xương cũng xuất hiện hiện tượng hư hỏng: mái kè xô tụt cục bộ lở đất bãi đỉnh kè (kè Minh Tân, kè Đồng Xâm, kè Bình Trật 1, kè Vũ Bình); có đoạn kè nằm về phía bờ lõm đoạn sông cong mặt cắt thoát lũ nhỏ có dòng chảy xoáy vận tốc dòng đáy lớn lạch sâu nằm sát ở chân kè từ (-11 đến -12,5)m làm cho kè hư hỏng nặng, nhất là khi có lũ rút báo động đột ngột hoặc vào thời kỳ đông ken (kè Đò Gồ).

 

Đối với cống, nhiều cống hư hỏng: lún, nứt nền, tường thân, tường cánh, bộ phận đóng mở kém chất lượng, mang cống thượng, hạ lưu bị sạt lở đất và đá cần phải được hoành triệt, cắm cừ dự phòng và lập phương án chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực bảo vệ trong mùa lũ, bão (cống Cú, Thuỵ Bích, Rục Dương, Diệm Dương, Lãng Đông cũ, Gia Mỹ, Hồ, Thịnh Quang, Dương Liễu, Tân ấp, Khả Phú). Ngoài ra, một số cống nằm trên đê bối vùng dân sinh hiện nay đã hư hỏng nặng: cống Ông Thừa, Dầm Thuyền, Trực Tầm (Trà Giang); cống Ông Quýnh, cánh cống Cao Bình 2 (Hồng Tiến).

Khắc phục thực trạng xuống cấp của các công trình đê điều, Kiến Xương thường xuyên chú trọng công tác tu bổ, nâng cấp các công trình phòng chống lụt bão. Năm 2009, từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn thường xuyên, vốn dự án, vốn duy tu chống xuống cấp, Kiến Xương đã nghiệm thu và bàn giao mặt cắt đê Bình Thanh  Hồng Tiến và dự án nâng cấp đê biển từ Km0 đến Km2, cấp phối mặt đê đá Tân Lập.

Bên cạnh đó, công tác thực hiện Luật Đê điều, pháp lệnh phòng chống lụt bão của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương các cấp được thực hiện thường xuyên. Năm 2009, toàn huyện đã xảy ra 34 trường hợp vi phạm; trong đó, 6 vụ xây nhà kiên cố, 12 vụ xây nhà tạm phụ, 11 vụ đào xẻ khai thác đất chất tải trong phạm vi bảo vệ đê kè và 5 vụ vi phạm khác.

Nhận thức tầm quan trọng của các công trình đê điều trong phòng chống lụt bão, năm 2010, Kiến Xương tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình: mặt cắt đê bê tông mặt đê Vũ Hoà, Tả Hồng Hà II từ Km186+450 đến Km187+100, Hữu Trà Lý từ Km33+900 đến Km34+600, điếm số 3 Trà Giang, điếm số 2 Hồng Thái. Tiến hành phân loại các trọng điểm xung yếu cần hoành triệt, cắm cừ dự phòng và có phương án hộ đê; từ đó, giao chỉ tiêu vật tư nhân lực cho các địa phương chuẩn bị; đồng thời đầu tư ngày công chống lụt bão cho các địa phương phát quang giải toả chướng ngại vật trên đê và mái đê.

Tăng cường hơn nữa công tác duy trì Luật Đê điều, pháp lệnh phòng chống lụt bão ở các địa phương và trong nhân dân; phát hiện, lập biên bản và xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm, tái phạm; xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình vi phạm bảo đảm an toàn cho các công trình quốc gia.

Minh Hương
                                                                     

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày