Thứ 6, 16/05/2025, 08:45[GMT+7]

Hòa Bình Nỗ lực để người chăn nuôi trụ vững

Thứ 5, 20/06/2013 | 09:59:29
1,102 lượt xem
Những năm qua, Hòa Bình (Kiến Xương) luôn là một trong những xã đứng đầu về lĩnh vực chăn nuôi của huyện. Tuy nhiên, gần một năm trở lại đây người chăn nuôi ở Hòa Bình đang phải đối mặt với khó khăn về giá đầu vào và thị trường tiêu thụ.

Chăm sóc đàn lợn tại một hộ chăn nuôi (xã Phú Xuân, Thành phố Thái Bình). Ảnh: Minh Đức

Năm 2011, sau khi dồn điền đổi thửa, Hòa Bình đã quy hoạch được vùng chăn nuôi tập trung tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Hiện nay trên địa bàn toàn xã đã xây dựng được 5 mô hình gia trại. Toàn xã có 19.216 con gia cầm; tổng đàn lợn là 7.326 con; 106 con trâu bò và 2.165 con dê, chó, thỏ. Với lợi thế có Trại sản xuất cá giống nước ngọt của tỉnh đặt tại  xã, nhân dân đã tận dụng 31,1 ha mặt nước để nuôi thả thủy sản với đa dạng các loại như rô phi đơn tính, trắm, trôi, mè, chép... Giá trị sản xuất (GTSX) từ lĩnh vực chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 8,33 tỷ đồng, chiếm 34,07 % tổng GTSX toàn xã (riêng thủy sản đạt 1 tỷ 811 triệu đồng).

Gần một năm trở lại đây, người chăn nuôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong khi giá giống, thức ăn, vắc-xin tăng cao thì giá bán sản phẩm vật nuôi lại giảm mạnh. Giá gà công nghiệp giảm còn 13.000 đ/kg, tức chỉ bằng một nửa giá thành sản xuất; giá thịt lợn đang giảm kéo dài lâu nhất từ trước tới nay, ở mức từ 38.000 – 39.000đ/kg. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chủ yếu do tư thương kiểm soát; việc cung cấp thông tin về chăn nuôi đến với người dân còn hạn chế; nhiều dịch bệnh nguy hiểm vẫn tiềm ẩn, có nguy cơ bùng phát trên diện rộng như: cúm gia cầm, dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng… gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. “Trăm dâu đổ đầu tằm”, những khó khăn đó đã tạo tâm lý hoang mang, e ngại trong người dân.

Trước tình hình đó, UBND xã đã kịp thời có cơ chế hỗ trợ, động viên bà con nhân dân từng bước khắc phục khó khăn, mạnh dạn xây dựng mô hình gia trại, trang trại, chuyển dần từ chăn nuôi theo kinh nghiệm truyền thống, nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Ông Mai Văn Vịnh – Chủ nhiệm HTX DVNN Hòa Bình cho biết: Khó khăn hiện tại rất nhiều nhưng quan trọng là làm sao để người dân không quay lưng lại với chăn nuôi, chủ động đối mặt với khó khăn, cùng tìm ra hướng đi mới.

Để cung cấp cho thị trường những sản phẩm có chất lượng an toàn và tăng nguồn thu nhập cho người chăn nuôi, xã tăng cường hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, các biện pháp chủ động phòng trừ dịch bệnh, thực hiện tiêu độc khử trùng khi chuyển mùa, tạo điều kiện cho các gia trại, trang trại về thủ tục hành chính khi vay vốn, thuê đất; quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung; khuyến khích hộ gia đình chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, UBND xã còn thường xuyên cùng với cán bộ thôn và cán bộ thú y đến động viên từng gia trại, trang trại phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, đưa chăn nuôi trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.

Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục động viên các gia trại, trang trại duy trì và phát triển số lượng gia súc, gia cầm; tận dụng triệt để diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, công tác tiêm phòng vẫn được coi trọng từ tuyên truyền đến tổ chức thực hiện; tích cực thông tin trên Đài Truyền thanh xã cách thức chăm sóc gia súc, gia cầm, vệ sinh chuồng trại phòng trừ các loại dịch bệnh. Qua đó từng bước giúp người chăn nuôi có thu nhập ổn định, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Hồng Thắm - Y Ban

(Sinh viên thực tập)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày