Thứ 6, 10/01/2025, 16:48[GMT+7]

Kiến Xương: Hướng tới phát triển các sản phẩm chủ lực

Thứ 3, 08/08/2023 | 08:39:06
2,426 lượt xem
Là địa phương có truyền thống và nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp, làng nghề, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, huyện Kiến Xương đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đánh thức tiềm năng, nâng cao giá trị kinh tế cho những sản phẩm lợi thế của địa phương.

Hợp tác xã Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh trưng bày và bán các sản phẩm gạo chợ Gốc.

Nhắc tới Kiến Xương người ta nhớ tới nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống như chạm bạc Đồng Xâm, gai vó Đình Phùng, dệt đũi Nam Cao, thảm len Vũ Trung... Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân các địa phương đã làm ra những sản phẩm chủ lực tạo thương hiệu cho riêng mình như dưa lưới ở Bình Định, Thanh Tân, Vũ Hòa, bột sắn dây ở Bình Nguyên, gạo ST25 ở Bình Minh, lạc đỏ ở Vũ An. Đặc biệt, có không ít sản phẩm từ nông nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP như mắm cáy xã Hồng Tiến, gạo Khang Long xã Vũ Quý, gạo chợ Gốc xã Bình Thanh, gạo nếp thơm truyền thống Vũ Tây (xã Tây Sơn), củ cải khô xã Vũ Lễ... Thực tế cho thấy việc phát triển các sản phẩm chủ lực ở các địa phương không chỉ tạo nên thương hiệu cho sản phẩm mà còn thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển một cách bền vững.

Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ An cho biết: Vũ An có rất nhiều sản phẩm chủ lực như khoai tây, dưa gang, lạc đỏ nhưng để hướng tới sản phẩm đặc thù cho riêng mình, đạt sản phẩm OCOP, xã đã xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể cho sản phẩm lạc đỏ bởi đây là sản phẩm ít xã có được. Từ những năm 1980, người dân ở đây đã trồng loại lạc này, từ đó đến nay không ngừng mở rộng diện tích và là cây màu chủ lực ở vụ xuân. Đây là cây trồng có thời gian sinh trưởng sau 100 ngày cho thu hoạch, năng suất thấp cũng đạt 2 tạ/sào, cao là 2,8 tạ/sào với giá bình quân từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, riêng năm nay giá bán cao từ 17.000 - 21.000 đồng/kg, người dân thu về bình quân trên 4 triệu đồng/sào. Do phù hợp với chất đất nên lạc đỏ đã có tiếng lâu năm ở vùng đất này, cứ thu hoạch tới đâu thương lái tới tận ruộng thu mua tươi ngay tới đó, đưa lên ô tô đi tiêu thụ khắp các nơi. Cũng vì hiệu quả kinh tế của loại cây này mà xã đã quy hoạch mở rộng trồng từ đất chuyên màu sang đất lúa, từ 2 thôn đến nay phát triển ở 5/5 thôn trồng 53ha. Thời gian tới xã sẽ tiếp tục mở rộng ra những vùng có thể trồng được với khoảng 80ha, cho ra sản phẩm đóng túi bán trên thị trường.

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh cho biết: Địa phương có địa danh đặc trưng là chợ Gốc nên HTX đã xây dựng sản phẩm gạo mang tên này nhằm hướng tới truyền thống phát triển của quê hương cũng như sự trường tồn của sản phẩm do chính người dân nơi đây làm ra. Từ khi xã xây dựng được thương hiệu gạo chợ Gốc và trở thành sản phẩm OCOP, sản lượng và giá trị đều cao hơn trước. Người dân đã yên tâm hơn về đầu ra sản phẩm, được HTX thu mua tươi ngay tại ruộng với giá cao hơn 10% giá thị trường. Nhờ đó, mỗi vụ HTX tiêu thụ từ 450 - 500 tấn thóc cho nông dân, đồng thời cho ra khoảng 70 tấn gạo đóng túi bán ra thị trường với nhiều loại gạo chất lượng, giá trị cao như TBR225, hạt ngọc 9 và ST25 với giá thành cao hơn 15% so với trước. Khi xây dựng được sản phẩm đặc thù này, cả người dân và HTX đều được lợi, cũng vì thế mà xã đã duy trì được vùng lúa liên kết đạt 130ha/vụ, chiếm 43% diện tích gieo cấy toàn xã.

Ngoài sản phẩm nông nghiệp, ở Kiến Xương còn duy trì nhiều làng nghề với các sản phẩm gần gũi với người nông dân. 

Bà Phạm Thị Trà Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đình Phùng cho biết: Đặc thù địa phương có các sản phẩm đánh bắt thủy sản gồm vó, lưới, chài, bát quái... Trước đây, cả làng, cả xã làm nghề đan vó nhưng do nhu cầu giảm nên nay chỉ còn vài chục hộ làm nghề, trong đó chủ yếu là người già. Sản phẩm được bày bán tại nhà và các chợ trong và ngoài huyện. 

Cụ Nguyễn Thị Hồng, 95 tuổi, thôn Cao Bạt Nang duy trì nghề đan vó truyền thống.

Cụ Nguyễn Thị Hồng, 95 tuổi, thôn Cao Bạt Nang cho biết: Từ lúc 8 tuổi tôi đã làm nghề đan vó. Đây là nghề song hành với cả cuộc đời tôi, chỉ cần 2 dụng cụ đơn giản là cữ và gim gai bằng tre là tôi đan được vó. Ngày xưa đan vó gai, lấy nguyên liệu ở Nam Định về làm nhưng do vó gai mất nhiều công đoạn nên ngày nay chuyển sang đan vó chủ yếu bằng nilon. Đến giờ mặc dù tuổi cao nhưng tôi vẫn làm được bình quân 2 ngày 1 vó, mỗi ngày được khoảng 15.000 đồng tiền công. Mặc dù ngày công không cao nhưng tôi vẫn bám nghề, coi đó là niềm vui của tuổi già và tri ân nghề của ông cha để lại, mong muốn được góp phần vào việc duy trì sản phẩm đặc thù của địa phương cũng như sự tồn tại và phát triển của làng nghề.

Được biết, sau khi rà soát, xác định được tiềm năng, thực trạng của các sản phẩm chủ lực, huyện Kiến Xương đã xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển sản phẩm cả về chất và lượng. Đồng thời, vận dụng và xây dựng cơ chế khuyến khích sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy sản phẩm phát triển. Trên địa bàn huyện không chỉ hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa, liên kết bao tiêu sản phẩm, duy trì và khôi phục nhiều làng nghề truyền thống mà còn hướng tới hiện thực hóa mục tiêu xây dựng mỗi xã một sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.


Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày