Thứ 7, 02/11/2024, 14:12[GMT+7]

Tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Thứ 2, 14/08/2023 | 22:59:37
9,400 lượt xem
Hiện nay, hầu hết các trà lúa vụ mùa năm 2023 đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng. Tuy nhiên, nhiều diện tích lúa mùa xuất hiện tình trạng sâu bệnh hại, nông dân cần tập trung phòng, trừ.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Hưng kiểm tra diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng.

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 75.033ha. Sau đợt mưa cuối tháng 7, đầu tháng 8 đến nay, lúa mùa phát triển khá thuận lợi. Trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn đứng cái đến làm đòng, lúa mùa đại trà đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng. Dự kiến đến ngày 31/8, toàn tỉnh có khoảng 5.500ha lúa mùa trỗ bông, tập trung tại các huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư. Lúa trỗ bông tập trung từ ngày 10 - 20/9.

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay trên đồng ruộng sâu cuốn lá nhỏ có 2 cao điểm gây hại: cao điểm 1 sâu non nở rộ từ ngày 10 - 14/8, mật độ phổ biến 20 con/m2, nơi cao từ 40 - 60 con/m2, cục bộ từ 100 - 150 con/m2 gây hại lá đòng, lá công năng lúa mùa trà sớm trỗ trước ngày 31/8 ở các huyện phía Bắc và những diện tích chân quẩn ven làng, vùng có mật độ sâu cao với diện tích khoảng 4.000ha tập trung chủ yếu ở huyện Hưng Hà và Đông Hưng. Cao điểm 2 dự kiến sâu non nở rộ từ ngày 18 - 25/8. Dự báo mật độ sâu non trung bình 100 - 150 con/m2, nơi cao 300 - 400 con/m2, cục bộ trên 600 - 800 con/m2, sâu non gây hại trên diện rộng toàn tỉnh, gây hại lá đòng và lá công năng trên các trà lúa.

Thời điểm hiện nay, Hưng Hà đang là điểm nóng của sâu cuốn lá nhỏ. Sâu xuất hiện ở diện tích gieo cấy trà sớm với gần 3.000ha, mật độ trung bình từ 60 - 80 con/m2, nơi cao 100 con/m2, cá biệt đạt 150 con/m2

Ông Đỗ Hoài Linh, Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Do thời tiết thuận lợi, sâu đang tăng nhanh về số lượng, mật độ sâu cao gấp 4 lần cùng kỳ nhiều năm. Đây là giai đoạn quan trọng trong sinh trưởng của lúa nên không thể lơ là. Trạm đã có thông báo tới các địa phương phát động đợt phun thuốc từ ngày 12 - 14/8. Nếu không được phòng, trừ quyết liệt, kịp thời, sâu sẽ tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại, làm bạc trắng bộ lá, ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Tại huyện Đông Hưng, ngoài việc tuyên truyền cho nông dân bón đón đòng cho lúa mùa trước khi bước vào giai đoạn phân hóa đòng, những diện tích lúa trỗ bông trong tháng 8, vùng chân quẩn ven làng, diện tích lúa xanh tốt... tập trung ở các xã: Đông Xá, An Châu, Đông Vinh, Đồng Phú... sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 cũng ra rộ. 

Bà Phạm Thị Thủy, nông dân xã Đông Vinh lo lắng: Thời tiết xuất hiện nắng mưa xen kẽ, lúa được cung cấp thêm lượng đạm tự nhiên, xanh tốt hơn sẽ “kích” quá trình đẩy sức vào nhộng và vũ hóa của pha trưởng thành, chuẩn bị cho lứa sâu thứ 5, tấn công trực tiếp vào lá đòng. Điều đáng nói, sâu rải lứa, xen gối lứa ngay trong từng vùng, từng thôn khiến cho công tác phòng, trừ của bà con thêm phần khó khăn. Cùng với thời tiết nắng mưa xen kẽ trong thời gian ngành chuyên môn khuyến cáo phun trừ khiến hiệu quả thuốc không cao.

Bà Vũ Thị Nhuệ, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Hưng cho biết: Căn cứ vào diễn biến sâu trên đồng ruộng, Trạm đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ. Ngoài ra, sâu đục thân hai chấm ra rải rác, có khả năng gây hại cục bộ cho diện tích lúa trỗ bông trong tháng 8; rầy phát sinh sớm và gia tăng mật độ nhanh. Bệnh khô vằn cũng phát sinh sớm so với cùng kỳ nhiều năm, tỷ lệ bệnh nơi cao từ 5 - 7%. Do đó, Trạm khuyến cáo các địa phương phun kết hợp sâu đục thân cho diện tích trỗ bông trong tháng 8. Ngoài ra, phun trừ rầy khi mật độ trên 800 con/m2, bệnh khô vằn khi tỷ lệ bệnh trên 5%.

Cao điểm 1 của sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 tuy chỉ xuất hiện, gây hại cục bộ trên lúa trà sớm nhưng cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát đồng ruộng, kịp thời kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trỗ bông của từng trà lúa, từng giống để có các biện pháp chỉ đạo phù hợp, bảo đảm hiệu quả phòng, trừ, tránh phun thuốc tràn lan gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Cao điểm 2 với mật độ sâu cao, dự kiến gây hại trên diện rộng, ngành nông nghiệp đang tiếp tục theo dõi, giám sát từ đó đưa ra các biện pháp chỉ đạo kịp thời.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày