Thứ 6, 22/11/2024, 08:49[GMT+7]

Mùa nhãn ở Hồng An

Thứ 2, 21/08/2023 | 21:56:15
1,656 lượt xem
Những năm gần đây, xã Hồng An (Hưng Hà) đẩy mạnh phát triển vùng trồng nhãn nhằm đưa nhãn trở thành cây trồng chủ lực của địa phương gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Dịp này, nông dân trong xã đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Năm nay sản lượng nhãn thấp hơn so với mọi năm nhưng bù lại được giá, thị trường ổn định, nông dân rất phấn khởi.

Nhờ trồng nhãn, nhiều hộ dân ở xã Hồng An (Hưng Hà) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hà, thôn Nam Tiến có 100 gốc nhãn 20 năm tuổi, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 4 - 5 tấn quả, thu lãi gần 80 triệu đồng. Năm nay sản lượng nhãn giảm xuống còn 3 - 4 tấn quả nhưng chất lượng vẫn được bảo đảm, giá thành tương đối ổn định. 

Chị Hà cho biết: Hiện nay chúng tôi bán buôn tại vườn với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg, bán lẻ 20.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn 3.000 - 4.000 đồng/kg so với năm 2022. Đây là giống nhãn hương chi mua từ Hưng Yên về trồng nên được khách hàng ưa chuộng. Vì thế, cứ đến vụ thu hoạch là tiểu thương đến tận vườn thăm và đặt giá thu mua, gia đình không phải lo đầu ra sản phẩm.

Năm nay, sản lượng nhãn Hồng An thấp hơn nhưng được giá bán. 

Không chỉ gia đình chị Hà, các hộ trồng nhãn ở Hồng An đang tấp nập thu hoạch nhãn. Nhãn Hồng An vỏ màu vàng, cùi giòn, hạt nhỏ, ngọt, thơm tự nhiên. Là thương lái có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu mua những vườn nhãn ngon, ông Trần Ngọc Nghĩa, xã Thái Hưng (Hưng Hà) đã đưa nhãn Hồng An tới nhiều tỉnh, thành phố và đều nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng. 

Ông Nghĩa biết: Mỗi năm tôi tiêu thụ trên 20 tấn nhãn cho các hộ trồng nhãn ở Hồng An. Nhãn ở đây mẫu mã đẹp, quả to đều, cùi dày và rất ngọt, được thị trường ưa chuộng nên rất dễ bán.

Nhãn Hồng An được thị trường ưa chuộng bởi quả vàng, cùi dày, ngọt sắc.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thấy giá trị kinh tế của cây nhãn hơn hẳn nhiều loại cây trồng khác, nhiều hộ nông dân đã mở rộng diện tích trồng nhãn. Theo đó, những hàng cây nhãn không chỉ phủ bóng nơi vườn quê mà còn xuất hiện dày đặc nơi ruộng đồng, bờ bãi ven sông. Khi các vườn nhãn chín rộ cũng là lúc các xưởng làm long nhãn hoạt động hết công suất. 

Trung bình mỗi ngày xưởng sản xuất của bà Trần Thị Huệ, thôn Quyết Tiến tiêu thụ khoảng 2 tấn nhãn tươi, sau 24 giờ sấy trong lò hơi sẽ cho ra khoảng 200kg long nhãn. Với đầu ra ổn định, nghề làm long nhãn không chỉ mang lại nguồn thu khá mà còn tạo việc làm thời vụ cho trên 60 lao động địa phương. 

Bà Huệ cho biết: Hiện nay chúng tôi tiêu thụ trên 100 tấn nhãn tươi cho bà con. Năm nay giá nguyên liệu đầu vào cao hơn so với năm 2022, chất lượng quả bảo đảm nên long nhãn đều và đẹp hơn. Cứ gần 8kg nhãn tươi được 1kg nhãn sấy khô với giá bán từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Chúng tôi bán chủ yếu ở thị trường trong nước và xuất sang Trung Quốc. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng, gia đình tôi sử dụng lò sấy công nghệ mới; quá trình sấy nhờ chú ý điều chỉnh nhiệt độ phù hợp nên long nhãn thành phẩm có màu vàng cánh gián, mùi thơm đặc trưng.

Sản phẩm long nhãn của gia đình chị Trần Thị Huệ, thôn Quyết Tiến, xã Hồng An được xuất bán trong nước và thị trường Trung Quốc. 

Là địa phương đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Hồng An hiện có trên 50ha trồng nhãn. Mỗi năm, giá trị sản xuất từ cây nhãn chiếm 30% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã. Ngoài ra toàn xã còn có 4 - 5 cơ sở thu mua long nhãn cho bà con, mỗi năm tiêu thụ trên 400 tấn nhãn ở địa phương. Đây cũng là điều kiện để bà con giảm bớt nỗi lo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập, yên tâm mở rộng diện tích canh tác. 

Ông Trần Ngọc Tạo, Phó Giám đốc HTX DVNN xã Hồng An cho biết: Mặc dù nhãn năm nay được giá, tiêu thụ ổn định nhưng sản lượng thấp hơn so với mọi năm do ảnh hưởng của thời tiết. Ngoài ra, nhiều cây nhãn của bà con trồng lâu năm dẫn đến thoái hóa nên chất lượng, năng suất thấp. Để khắc phục, chúng tôi khuyến khích nông dân cải tạo những vườn nhãn già cỗi bằng cách ghép mắt, đồng thời đốn bỏ để trồng mới bằng những giống chất lượng cao. Bên cạnh đó, khuyến khích bà con đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng; quy hoạch vùng sản xuất tập trung để nâng cao giá trị sản phẩm.

Có thể thấy, cây nhãn đã khẳng định được vị thế trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hồng An, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Xã Hồng An đang nỗ lực xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để nâng tầm sản phẩm nhãn, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày