Thứ 3, 26/11/2024, 09:38[GMT+7]

Tiền Hải: Tập trung phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa

Thứ 6, 25/08/2023 | 08:15:33
2,171 lượt xem
Thời gian qua, thời tiết nắng, mưa xen kẽ thuận lợi cho lúa mùa phát triển nhưng cũng là điều kiện cho sâu bệnh gây hại. Để bảo vệ 9.784ha lúa mùa đang ở giai đoạn đứng cái, phân hóa đòng, nông dân huyện Tiền Hải đang tập trung phòng, trừ sâu bệnh nhằm hạn chế lây lan ra diện rộng, bảo vệ lúa.

Nông dân xã Tây Tiến (Tiền Hải) phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa.

Bà Phạm Thị Vui, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tiền Hải cho biết: Trước tình hình sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên diện rộng, từ ngày 20 - 23/8 các địa phương trong huyện đã tổ chức đợt phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ cho lúa mùa. Mặc dù thời gian của chiến dịch là 4 ngày song nhiều địa phương tập trung phun trong 3 ngày đã cơ bản xong, tỷ lệ sâu chết khá cao. Các biện pháp phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ trong thời gian chiến dịch được tuyên truyền đến tận hộ nông dân qua hệ thống truyền thanh từ huyện đến các địa phương mỗi ngày và xe lưu động đi đến từng khu dân cư tuyên truyền để mọi người dân biết mức độ nguy hại của sâu bệnh, có biện pháp phun trừ theo nguyên tắc “4 đúng”. Tuy nhiên, sau đợt phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, nông dân cũng cần theo dõi các đối tượng gây hại lúa mùa như rầy các loại, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn... 

Qua kiểm tra đồng ruộng của ngành chuyên môn, dự báo tình hình sâu bệnh còn diễn biến phức tạp nếu không có biện pháp phòng, trừ tốt. Trong đó, sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa gối ra rộ trên đồng ruộng từ cuối tháng 8 đến ngày 5/9 và sâu non nở rộ từ ngày 5 - 11/9. Đợt 2 sâu non nở rộ từ ngày 15 - 20/9. Rầy lứa 6 nở rộ từ ngày 20/8 đến đầu tháng 9, mật độ nơi cao 2.000 - 3.000 con/m2, cục bộ 4.000 - 5.000 con/m2. Lứa rầy này vẫn có nguy cơ truyền virus gây bệnh lùn sọc đen cho diện tích trỗ bông muộn. Sâu đục thân, sâu non phân bố không đồng đều, dự kiến từ cuối tháng 8 đến ngày 15/9, mật độ cao tập trung ở một số xã: Đông Trà, Đông Xuyên, Tây Lương, Vân Trường, Phương Công, Bắc Hải.

Ông Nguyễn Văn Đóa, xã Vân Trường cho biết: Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn sau chiến dịch phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu bệnh còn gây hại lúa mùa, do đó chúng tôi thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh có biện pháp phòng, trừ. Đến nay, 6 sào lúa mùa của gia đình đã được phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại.

Còn với 7 sào lúa mùa của gia đình ông Nguyễn Văn Tất, xã Đông Lâm, ngoài việc phòng, trừ sâu bệnh ông còn huy động nhân công tập trung đánh bắt chuột và ốc bươu vàng phá hoại; thực hiện biện pháp giữ nước mặt ruộng đúng kỹ thuật để lúa sinh trưởng tốt. Nhờ phát hiện kịp thời, chủ động phòng, trừ sâu bệnh, triển khai các biện pháp chăm sóc nên đến thời điểm này toàn bộ diện tích lúa mùa của gia đình ông Tất đang phát triển tốt.

Bà Phạm Thị Vui cho biết thêm: Để phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa trong đợt tới, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tham mưu UBND huyện phân công các đơn vị chuyên môn tiếp tục về cơ sở để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phòng, trừ sâu bệnh. 

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, đôn đốc nông dân kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của sâu bệnh và hướng dẫn nông dân phòng, trừ kịp thời, bảo vệ an toàn cho lúa mùa từ nay đến cuối vụ. Cùng với việc phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa, huyện còn chỉ đạo các địa phương chú trọng thực hiện điều tiết nước hợp lý, bảo đảm đủ nước cho cây lúa làm đòng và phục vụ công tác phòng, trừ sâu bệnh. Khuyến cáo nông dân đánh bắt chuột bằng biện pháp thủ công như đặt các loại bẫy thường xuyên, liên tục, đồng loạt, tuyệt đối không đánh chuột bằng kích điện và điện gây nguy hiểm cho người.

Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn cùng sự chủ động phòng, trừ các loại sâu bệnh hại lúa mùa của bà con nông dân, tin rằng diện tích lúa mùa của huyện Tiền Hải phát triển tốt, phấn đấu giành vụ mùa thắng lợi.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày