Thứ 3, 13/05/2025, 03:48[GMT+7]

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Đông Hưng Chủ động điều tiết nước, chống úng phục vụ sản xuất vụ mùa

Thứ 3, 02/07/2013 | 13:58:25
1,302 lượt xem
Những năm gần đây, các mùa vụ đều đạt năng suất, hiệu quả cao đã góp phần phát triển kinh tế của huyện Đông Hưng. Kết quả đó có một phần công sức không nhỏ của Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Đông Hưng trong việc bảo đảm tưới tiêu, chống úng cho mùa vụ.

Vận hành máy tại Trạm bơm Hậu Thượng (Bạch Đằng - Đông Hưng).

Hiện nay, Xí nghiệp quản lý hai trạm bơm tiêu qua đê (Hậu Thượng, Cống Lấp) và 6 cống dưới đê. Đánh giá về chất lượng các trạm bơm tiêu chống úng, ông Vũ Trọng Túy - Phó Giám đốc Xí nghiệp cho biết: Hai trạm bơm xây dựng hơn 20 năm nay nên đã xuống cấp; một số cống được tu sửa, xây mới nhưng không đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu đối phó với mưa bão.

Từ năm 2007, Xí nghiệp đã bàn giao 61/66 trạm bơm cho các xã quản lý nên việc thực hiện đồng bộ và khép kín tưới tiêu trên lưu vực gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những tác động xấu của thời tiết đến sản xuất nông nghiệp, Xí nghiệp đã chủ động xây dựng phương án tưới tiêu nước phục vụ cho sản xuất vụ mùa với phương châm “phòng chống úng triệt để, tranh thủ lấy sa đầu vụ để bồi bổ đất kết hợp giữ lấm làm đất vụ mùa, chủ động tiêu nước kịp thời cuối vụ tạo điều kiện khô đất để trồng cây vụ đông”. Xác định tháng 7 là thời kỳ cao điểm làm đất và cấy đại trà, Xí nghiệp điều tiết mực nước hệ thống tương đối thấp bảo đảm đủ nước phục vụ làm đất gieo cấy và tưới dưỡng cho diện tích lúa đã cấy. Sau khi cấy xong (20/7), Xí nghiệp không tổ chức lấy sa và lấy nước tự chảy bằng sông chìm, nếu có hạn xảy ra phải bơm tát, chỉ lấy sa kết hợp tưới dưỡng qua máng nổi.

Các cống cuối sông tưới phải luôn đóng để giữ nước, chỉ mở để tiêu khi mực nước vượt mức khống chế. Những trạm bơm lấy nước ở sông chuyên tiêu như Tiên Hưng, Sa Lung, Thống Nhất phải theo dõi sát tình hình mực nước để chủ động điều tiết tránh bơm khi mực nước thấp. Khi lúa đã cao cây, Xí nghiệp điều tiết nước hợp lý cho từng thời kỳ sinh trưởng của lúa từ lúc đứng cái làm đòng đến khi trỗ bông và chín. Việc lấy sa đầu vụ sẽ tập trung trong các ngày triều cường có đỉnh triều cao vào tháng 6, 7 theo 3 đợt và lấy sa tự chảy máng nổi. Cụ thể, đợt 1 (từ 22 - 27/6) lấy sa đại trà cho các diện tích có điều kiện lấy nước tự chảy, lấy nhanh rút nhanh, tiến hành thay nước, thau rửa xong trước ngày 23/6; đợt 2 triều cường từ ngày 6 - 12/7, tiến hành lấy nước thau rửa hệ thống kết hợp giải phóng dòng chảy bảo đảm giữ nước, giữ lấm, tưới dưỡng lúa trà sớm; đợt 3 từ ngày 20 - 25/7, hệ thống tiến hành giữ nước bảo đảm đủ nguồn phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, Xí nghiệp còn chú trọng xây dựng các phương án chống úng bảo vệ vụ mùa. Ngay từ đầu vụ, Xí nghiệp đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống lụt, bão, úng; bố trí lực lượng cho từng vùng kết hợp với các xã kiểm tra, trục vớt các vật cản dòng chảy; sửa chữa và vận hành thử các trạm bơm, cống đập, bờ vùng chống úng trước ngày 30/6. Đến nay, Xí nghiệp đã kết hợp với các xã giải phóng được 800.000 m2 bèo bồng, 35 đăng đó, hệ thống sông trục, sông dẫn cơ bản đã thông thoáng. Xí nghiệp đã phân ra 3 vùng tiêu chính chủ yếu tiêu bằng động lực và vùng tiêu tự chảy tiêu qua 6 sông chính (Sa Lung, Quán Dô, 217, Hoàng Á Huy, Hậu Thượng, Tép) với tổng chiều dài 37,6 km. Ngoài ra còn căn cứ vào lượng mưa từng tháng và thời kỳ sinh trưởng của lúa để có phương án phù hợp.

Cụ thể trong tháng 7, nếu lượng mưa từ 100 - 150 mm sẽ tiêu tự chảy là chính, lượng mưa từ 150 - 200 mm phải chủ động tiêu ngay bằng động lực ở những vùng úng trọng điểm. Từ tháng 8 đến nửa đầu tháng 9 là lúc lúa đứng cái làm đòng, trùng với thời điểm trọng tâm của mùa mưa bão nên phương án được áp dụng là theo dõi dự báo thời tiết, dựa vào con nước để kết hợp chặt chẽ thao tác vận hành hệ thống công trình, tháo cạn lòng sông. Nếu lượng mưa từ 100 - 200 mm vẫn áp dụng tiêu tự chảy là chính, lượng mưa từ 200 mm trở lên phải bơm bằng động lực cả trước, trong và sau khi mưa cho những vùng úng trọng điểm.

Để phương án trên đạt hiệu quả cao, Xí nghiệp KTCTTL Đông Hưng đề nghị các ngành có thẩm quyền xử lý các vi phạm lấn chiếm dòng chảy (cắm đăng đó, làm lều quán, xây nhà) tại một số xã như Đông Sơn, Đông Xá, An Châu, Hoa Lư. Các xã quan tâm làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, khoanh vùng chống úng bảo đảm khép kín vùng để việc bơm tiêu đạt hiệu quả. Ngành điện cần cấp điện kịp thời, an toàn cả về điện áp và thời gian để phục vụ cho công tác tưới tiêu nước.

Bài, ảnh: Huyền Trang

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày