Vũ Thư siết chặt quản lý đất nông nghiệp
“Nhăm nhe” vi phạm
Gia đình bà Phạm Thị Hiền, thôn Lại Xá, xã Minh Lãng thuộc diện hộ nghèo, hiện có gia trại rộng 1 mẫu nằm trong vùng chuyển đổi của xã. Những năm qua, gia đình bà ở trong ngôi nhà lợp fibro xi măng vốn là chuồng lợn ở gia trại. Đầu năm 2023, bà dự kiến xây dựng ngôi nhà lợp mái tôn tại đây để ổn định cuộc sống. Không báo cáo cấp ủy, chính quyền, bà Hiền “âm thầm” xây nhà. Khi phần móng nhà có diện tích khoảng 4 x15m cơ bản hoàn thiện thì chính quyền thôn, xã phát hiện sự việc, lập biên bản vi phạm, yêu cầu gia đình bà dừng thi công. Từ đó đến nay, thôn, xã liên tục cử người xuống trông coi, nhắc nhở để gia đình bà không tái thi công. Vậy là hơn 100 triệu đồng bà Hiền phải chạy vạy vay mượn giờ bị “chôn” theo cái móng nhà bỏ không.
Xã Minh Lãng tiến hành cưỡng chế, thu dỡ công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp của 1 hộ dân thôn Phù Lôi.
Mặc dù biết xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp là vi phạm nhưng ông Nguyễn Kết Đoàn, thôn Gián Nghị, xã Song An vẫn thực hiện tại gia trại của mình. Để tránh cấp ủy, chính quyền, bà con địa phương phát hiện, ngăn cản, ông tập kết vật liệu xây dựng về gia trại rải rác ở nhiều thời điểm, chia lẻ số lượng. Hơn nữa, gia trại nằm ở ngoài cánh đồng, ít người qua lại nên ông xây dựng xong ngôi nhà mái bằng hơn 80m2 tại đây mà không bị phát hiện, ngăn cản, cho đến khi có đơn tố cáo của người dân. Sau nhiều lần vận động ông Đoàn không thành công, tháng 3/2023 chính quyền địa phương đã quyết liệt thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm. Gia đình ông Đoàn thiệt hại hơn 300 triệu đồng.
Không riêng gia đình bà Hiền, ông Đoàn, thời gian qua, nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đặc biệt là tại các trang trại, gia trại, vùng chuyển đổi. Số ít hộ dân vi phạm do hiểu biết pháp luật hạn chế, còn lại hầu hết đã được tuyên truyền, nhắc nhở, nắm chắc quy định của pháp luật về đất đai, tuy nhiên vì lợi ích cá nhân nên vẫn cố tình vi phạm. Thậm chí, nhiều trường hợp lợi dụng đêm tối hoặc sự chủ quan, lơ là của cấp ủy, chính quyền thôn, xã, để lén lút thực hiện các hành vi vi phạm như xây dựng trái phép công trình nhà ở, tường bao, cổng dậu, san lấp, phá vỡ mặt bằng... trên đất nông nghiệp.
Lỏng lẻo, né tránh từ cơ sở
Công tác quản lý đất đai nói chung, đất nông nghiệp tại các vùng chuyển đổi tại Vũ Thư hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập, khó khăn. Hầu hết những diện tích này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến khó khăn trong việc quản lý hồ sơ, thủ tục pháp lý và thực tế sử dụng đất của người dân. Các vùng chuyển đổi thường ở vị trí xa khu dân cư, người dân có “điều kiện” thuận lợi cho việc vi phạm. Vì vậy, để ngăn ngừa, phát hiện, xử lý sớm các trường hợp vi phạm cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cơ sở, đặc biệt là ở thôn vì đây là lực lượng gần dân, sát dân nhất, phát hiện sớm nhất các dấu hiệu vi phạm từ khi vụ việc còn manh nha. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, đội ngũ cán bộ thôn, xã còn nể nang, né tránh, thậm chí “ngó lơ” trước những trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp xảy ra tại địa bàn.
Ông Trần Phương Nghị, Bí thư Chi bộ thôn La Trạng, xã Vũ Tiến chia sẻ: Qua nhiều năm sinh sống, công tác tại địa phương tôi nhận thấy, giai đoạn trước kia, khi cấp ủy, chính quyền xã, thôn chưa quan tâm công tác quản lý, tại địa bàn xã đã xảy ra rất nhiều vụ vi phạm về đất đai, đến giờ vẫn còn nhiều khó khăn, tồn đọng trong xử lý. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của xã, sự vào cuộc tích cực của các thôn, số vụ việc vi phạm về đất đai tại địa bàn xã giảm rõ rệt, các vụ vi phạm được phát hiện, xử lý sớm, triệt để, giảm thiểu tổn thất cho người dân và bảo đảm tính công bằng, răn đe, giáo dục.
Nếu cấp ủy, chính quyền xã, thôn làm chặt chẽ, quyết liệt, người dân sẽ khó hoặc không có cơ hội vi phạm. Ngược lại, nếu buông lỏng quản lý, thờ ơ, né tránh, để xảy ra vi phạm mới phát hiện hoặc xử lý chậm trễ, khi đó phải tháo dỡ công trình, giải tỏa hoặc tổ chức cưỡng chế vi phạm vừa gây khó khăn cho chính quyền địa phương vừa thiệt hại tài sản cho người dân.
Siết chặt quản lý đất đai
Huyện Vũ Thư hiện có trên 13.000ha đất nông nghiệp, trong đó có hàng nghìn héc-ta đất lúa đã được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, các vùng nuôi trồng thủy sản, trang trại, gia trại... Đây là khu vực “nóng” thường xảy ra các vụ việc vi phạm như xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích. Đặc biệt, vừa qua trên địa bàn huyện phát hiện một số trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp với quy mô lớn tại địa bàn các xã Hiệp Hòa, Minh Lãng, Song An...
Trước thực trạng này, huyện siết chặt công tác quản lý đất đai, đặc biệt đất nông nghiệp thuộc các khu vực chuyển đổi. Từ tháng 2/2023 đến nay, huyện ban hành liên tiếp nhiều văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường phát hiện, ngăn chặn, xử lý và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; chấn chỉnh tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng nghĩa trang. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; huy động hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc ngăn chặn, phát hiện, xử lý sớm các vi phạm về đất đai. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở về công tác quản lý nhà nước về đất đai; phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân các quy định của pháp luật về đất đai. Đặc biệt, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong công tác quản lý đất đai.
Xã Song An kiên quyết yêu cầu 1 hộ dân thôn Kiều Thần phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp.
Ông Đỗ Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Song An cho biết: Đội ngũ cán bộ thôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác quản lý, giám sát, phát hiện, thông tin sớm những trường hợp vi phạm và có khả năng vi phạm về đất đai là yếu tố quan trọng để xã vào cuộc ngăn chặn, giải quyết kịp thời các vụ vi phạm. Bất cứ vi phạm nào được cơ sở thôn báo lên chính quyền xã cần vào cuộc quyết liệt, triệt để.
“Thôn nào cũng có cấp ủy, chính quyền, có đảng viên, có đại biểu HĐND xã, đặc biệt có nhân dân làm “tai”, “mắt”. Chỉ cần mỗi cán bộ, đảng viên phát huy cao trách nhiệm của mình và huy động được sự ủng hộ của nhân dân thì công tác quản lý đất đai khó vẫn thực hiện được” - ông Trần Phương Nghị, Bí thư Chi bộ thôn La Trạng, xã Vũ Tiến bày tỏ quan điểm.
Các chính sách về quy hoạch, chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, liên tục xảy ra nhiều vụ việc vi phạm về đất đai đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý ở một số loại hình đất nông nghiệp, góp phần làm tốt công tác quản lý đất đai, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Ngạn, Chủ tịch UBND xã Tân Phong, huyện Vũ Thư Để hạn chế tối đa các vụ vi phạm về đất đai, đặc biệt đất tại vùng chuyển đổi, tôi cho rằng phải đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, phổ biến pháp luật về đất đai để người dân nắm vững, từ đó chấp hành. Các xã nên rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý đất đai của các hộ có đất chuyển đổi. Tăng cường phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo tâm lý tin tưởng trong nhân dân.Ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Lộc 1, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư Với thuận lợi là gần dân, sát dân, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình, từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý sớm các vụ vi phạm về đất đai tại địa bàn, góp phần bảo đảm việc tuân thủ pháp luật trong nhân dân, hạn chế thiệt hại về tài sản của người dân và bảo đảm an ninh trật tự. |
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh