Thứ 6, 10/01/2025, 22:29[GMT+7]

Nhiều kỳ vọng vào vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 2, 18/09/2023 | 09:24:31
2,034 lượt xem
Sau thời gian dài nghiên cứu, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Đây là tin vui đối với người chăn nuôi cả nước nói chung, người chăn nuôi Thái Bình nói riêng. Vắc-xin phòng bệnh DTLCP được kỳ vọng là công cụ quan trọng giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, giảm bớt rủi ro, ổn định và nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Gia đình ông Hoàng Văn Hiến, thôn La Trạng là một trong những hộ chăn nuôi đầu tiên của xã Vũ Tiến (Vũ Thư) tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn.

Năm 2019, bệnh DTLCP đã làm thiệt hại 2 lứa lợn với 40 con trị giá gần 200 triệu đồng của gia đình ông Hoàng Văn Hiến, thôn La Trạng, xã Vũ Tiến (Vũ Thư). Không chỉ gia đình ông Hiến, tổng đàn lợn trên địa bàn xã Vũ Tiến cũng giảm khoảng 2/3 do tâm lý e dè, sợ rủi ro do bệnh DTLCP gây ra. Ông Hiến cho biết: Từ khi dịch bệnh xảy ra, tôi cũng như nhiều người dân địa phương luôn mong mỏi các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh DTLCP. Khi có thông tin vắc-xin chính thức được lưu hành thương mại, triển khai tiêm tại các địa phương, tôi đăng ký với cán bộ chăn nuôi và thú y xã để tiêm cho đàn lợn 30 con mới nhập. Thời gian tới, tôi theo dõi, đánh giá sức khỏe đàn lợn cũng như hiệu quả của vắc-xin để tiêm phòng diện rộng cho toàn đàn.

Cũng như ông Hiến, ông Nguyễn Cao Trí, xã Duy Nhất (Vũ Thư) rất phấn khởi, đặt nhiều kỳ vọng sẽ tái đàn, mở rộng quy mô đàn lợn khi vắc-xin phòng bệnh DTLCP sản xuất thành công. Ông Trí cho biết: Trong điều kiện chăn nuôi lợn gặp khó khăn về chi phí sản xuất, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh nguy hiểm rình rập, nếu đàn lợn được tiêm vắc-xin phòng bệnh DTLCP sẽ giảm bớt nỗi lo nhiều năm qua của người chăn nuôi. Có những thời điểm giá lợn tăng cao nhưng nông dân vẫn không mạnh dạn tái đàn, chỉ sản xuất, chăn nuôi cầm chừng vì lo ngại dịch bệnh. Tôi rất kỳ vọng vắc-xin sẽ đem lại hiệu quả phòng bệnh cao, giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư.

Hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh xấp xỉ 710.000 con. Từ đầu năm đến nay, bệnh DTLCP đã phát sinh tại xã Vũ Ninh (Kiến Xương). Kết quả giám sát chủ động của ngành nông nghiệp, tỷ lệ lưu hành vi rút bệnh DTLCP là 4,46%, cao gấp 1,65 lần so với năm 2022. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh về việc triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh DTLCP, ngành nông nghiệp tham mưu việc sử dụng vắc-xin; tuyên truyền, tiếp nhận danh sách đăng ký các hộ, trang trại chăn nuôi lợn có nhu cầu sử dụng vắc-xin phòng bệnh DTLCP của các huyện, thành phố đồng thời phối hợp với đơn vị cung ứng vắc-xin tổ chức giám sát, tiêm vắc-xin cho đàn lợn theo đúng quy trình. Từ ngày 17/8 đến ngày 12/9, toàn tỉnh đã tiêm được gần 400 liều vắc-xin tại 17 hộ chăn nuôi thuộc 9 xã ở 4 huyện: Hưng Hà, Vũ Thư, Tiền Hải, Thái Thụy và thành phố Thái Bình. Đến nay, qua theo dõi, đánh giá, đàn lợn tại các hộ được tiêm khỏe mạnh, phát triển bình thường. 

Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Thời gian tới, Chi cục tiếp tục theo dõi, giám sát, hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp chăm sóc sức khỏe đàn lợn sau tiêm phòng; phối hợp với các công ty cung ứng vắc-xin để tiếp tục triển khai tiêm phòng tại các hộ có đăng ký và đáp ứng đủ điều kiện đồng thời thực hiện lấy mẫu huyết thanh của lợn đã tiêm phòng vắc-xin để đánh giá hàm lượng kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng theo quy định.

Hiện có 2 loại vắc-xin phòng bệnh DTLCP là NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và được cấp giấy chứng nhận lưu hành. Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y và các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp tổ chức giám sát chất lượng, giám sát sử dụng 600.000 liều vắc-xin trong điều kiện chăn nuôi thực tiễn tại Việt Nam. Kết quả đến tháng 7/2023, đã có hơn 650.000 liều vắc-xin phòng bệnh DTLCP được kiểm soát chất lượng đạt 100%; sử dụng an toàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Lợn tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, tỷ lệ lợn được tiêm vắc-xin có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%.

Cán bộ Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam giới thiệu cho người chăn nuôi vắc-xin phòng bệnh DTLCP.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày