Thứ 6, 10/01/2025, 22:51[GMT+7]

Đông Xá: Vụ đông đến sớm

Thứ 5, 21/09/2023 | 07:27:17
1,449 lượt xem
Trong khi hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Đông Hưng còn đang tập trung chăm sóc lúa mùa thì tại xã Đông Xá cây bí đông đã được bà con nông dân đưa xuống đồng. Cách làm này được thực hiện nhiều năm qua để tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

Khi lúa bắt đầu đỏ đuôi, ông Nguyễn Văn Biên, xã Đông Xá rẽ lúa đặt bí sớm.

Trên cánh đồng của thôn Tây Bình Cách, vợ chồng ông Phạm Văn Thạnh đang tập trung rẽ lúa, làm đất, trồng bí sớm. Vụ đông này ông Thạnh dự định trồng 1,5 mẫu bí, chủ yếu là bí đỏ. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng bí, ông Thạnh cho biết: Để trồng được bí sớm, tôi thường cấy giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, khi lúa bắt đầu đỏ đuôi thì vợ chồng tôi cắt bớt đi 1 hàng lúa, đào sâu thành rãnh nhằm thoát nước, đặt bầu bí rồi lấy đất phủ lên bầu, hai bên rãnh là 2 mép luống trồng 2 hàng bí để khi bí ngả ngọn bò quay vào giữa luống. Với cách làm này ruộng vẫn gặt được bằng máy mà không làm ảnh hưởng đến cây bí. Vụ bí năm ngoái gia đình thu được trên 30 triệu đồng, so với cấy lúa thì hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần; năm nay vợ chồng tôi tăng diện tích trồng bí thêm 2 sào. Cho hiệu quả kinh tế cao, đó là lý do nhiều người cao tuổi ở Đông Xá vẫn hăng say trồng bí; không chỉ trồng hết ruộng của nhà, các ông bà còn mượn thêm ruộng của các hộ khác để trồng.

Ông Nguyễn Văn Biên, thôn Tây Bình Cách cho biết: Vợ chồng tôi đều đã 70 tuổi song chưa bỏ vụ bí nào. Năm nay nhà tôi trồng 1,2 mẫu, diện tích của nhà có 5 sào, còn lại là mượn ruộng của người thân không có người trồng. Năm nay nhuận, tôi đưa bí ra đồng sớm hơn năm ngoái để đến khi gặt xong lúa thì bí đã lên dài khoảng 10cm trở lên. Trồng bí chúng tôi chỉ bỏ công vì nhiều năm qua tỉnh, huyện đều hỗ trợ 100% giống bảo đảm chất lượng. Thu nhập mỗi vụ khoảng 20 - 30 triệu đồng.

Cây bí không ưa nước, người dân Đông Xá lại chọn trồng bí bò lan mặt ruộng, vì thế việc tiêu nước cho bí rất quan trọng. Để tiêu nước kịp thời cho các cánh đồng trồng bí, bên cạnh việc các hộ nông dân tự làm rãnh trên ruộng thì HTX SXKD DVNN xã quy vùng sản xuất, cứng hóa hệ thống mương máng, chủ động khơi thông dòng chảy. 

Ông Nguyễn Văn Minh, thôn Tây Bình Cách chia sẻ: Mương máng đã được cứng hóa nên thuận lợi việc tiêu thoát nước, do đó nếu có mưa to cây bí ít bị ảnh hưởng. Những ngày qua, tranh thủ thời tiết tạnh, tôi tháo cạn nước trên ruộng, trồng gần hết 1,6 mẫu bí đỏ của vụ này. Trồng sớm cho thu hoạch sớm bán được giá cao, thu nhập cũng tăng. Đặc biệt, vụ đông năm 2022 HTX SXKD DVNN xã đã đứng ra tiêu thụ bí cho bà con, thương lái cũng bớt ép giá. Bí đỏ của Đông Xá đã là sản phẩm OCOP 3 sao thì đầu ra năm nay sẽ tốt hơn, chúng tôi mong chờ một vụ bí được mùa, được giá.

Vụ đông năm nay, xã Đông Xá phấn đấu trồng 110ha bí, trong đó bí đỏ 85ha, bí xanh 25ha, tăng so với vụ đông năm 2022 khoảng 20ha, chủ yếu tăng diện tích trồng bí đỏ. 

Ông Phạm Xuân Thiệu, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Từ nhiều năm trước HTX đã quy vùng sản xuất bí tập trung, vì vậy việc khoanh vùng tiêu thoát nước khi có mưa lớn được thực hiện rất kịp thời; chủ động nhận và cấp phát giống bí để nông dân trồng sớm; tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc... Năm nay, HTX tiếp tục liên kết với các đơn vị để bao tiêu sản phẩm bí cho bà con.

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất vụ đông với cây trồng chủ lực là bí đỏ, bí xanh, nông dân xã Đông Xá có cách làm riêng, sáng tạo, do đó khi lúa được đưa về nhà thì bí đã lên xanh đồng, các địa phương khác bí chưa ra hoa thì bí ở đây đã bước vào vụ thu hoạch sớm. Điều đó giúp tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị, thu nhập trên một đơn vị diện tích trồng bí.

Để thuận tiện cho việc trồng bí, nông dân Đông Xá làm bầu tại nhà hoặc ươm giống ngay đầu ruộng.

Trung Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày