Thứ 7, 11/01/2025, 03:05[GMT+7]

Tiền Hải: Mở rộng cánh đồng một giống lúa chất lượng cao

Thứ 2, 02/10/2023 | 21:19:53
1,593 lượt xem
Những năm qua, huyện Tiền Hải đã có nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, từng bước xây dựng mô hình cánh đồng một giống lúa, qua đó góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết với nông dân triển khai sản xuất lúa chất lượng cao có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Các vùng sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn huyện Tiền Hải đều được đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương tưới, tiêu đồng bộ.

Đứng trước cánh đồng thôn Thục Thiện, xã Nam Hải trải dài tít tắp, lúa đang bước vào giai đoạn chắc xanh, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX SXKD DVNN vui mừng chia sẻ: Xuất phát từ thực tiễn Nam Hải là xã thuần nông, vì vậy địa phương quyết tâm xây dựng cánh đồng một giống lúa nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, HTX đã tổ chức quy vùng sản xuất được 60ha chỉ gieo cấy giống lúa ĐS1 liên kết với Công ty TNHH An Đình tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Với phương thức canh tác gieo cấy theo tiêu chuẩn của Công ty đề ra, giống lúa ĐS1 thể hiện ưu thế vượt trội ít sâu bệnh hại, chất lượng gạo dẻo, hạt nhỏ, thơm ngon so với nhiều giống lúa khác, năng suất đạt từ 60 - 75 tạ/ha. Đến thời điểm này, toàn bộ cánh đồng cấy một giống đều trỗ đồng loạt, không có tình trạng trỗ trước, trỗ sau như trước đây khi cấy nhiều giống lúa trên cùng cánh đồng. Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở Nam Hải theo hướng thâm canh lúa chất lượng cao được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm cho giá trị cao hơn so với một số giống lúa không được liên kết.

Các doanh nghiệp kiểm tra vùng liên kết cấy lúa hàng hóa tại huyện Tiền Hải.

Cũng như Nam Hải, các địa phương khác trong huyện Tiền Hải đang đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung. Điển hình là xã Vũ Lăng, khi thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao địa phương đã quy vùng 60ha sản xuất lúa hàng hóa ở hai thôn Lê Lợi và Trưng Vương. 

Ông Đặng Ngọc Quang, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: 60ha được quy vùng gieo cấy giống lúa ĐS1 có 346 hộ tham gia sản xuất và liên kết với Công ty TNHH An Đình. Việc quy vùng gieo cấy một giống lúa không chỉ tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung mà còn thuận lợi cho việc đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, từ lấy nước, làm đất đến gieo cấy, thu hoạch, từ đó giúp giảm chi phí, giá thành sản xuất, tăng năng suất lao động...

Năm 2014, xã Nam Thắng là địa phương đầu tiên triển khai mô hình quy vùng cấy một giống lúa TBR225 tại thôn Nam Đồng Nam với diện tích 20ha. Trong quá trình thực hiện mô hình, ban đầu bà con nông dân rất băn khoăn không biết khi áp dụng một giống lúa có phù hợp với đồng đất, tập quán canh tác của địa phương? Những băn khoăn đó đều được HTX tuyên truyền, giải thích việc xây dựng cánh đồng một giống là một trong những định hướng của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng tới xây dựng nền sản xuất lúa hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường lúa gạo chất lượng cao. Đến nay, diện tích cấy một giống lúa TBR225 của Nam Thắng đã đạt hơn 200ha, trong đó gần 90ha cấy lúa giống được các doanh nghiệp liên kết sản xuất. Hàng năm lợi nhuận thu về từ cấy lúa giống TBR225 hơn 5 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vụ mùa năm nay Tiền Hải tổ chức quy vùng sản xuất được 1.515ha tại 22 xã, đều được các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm. Qua thực tiễn từ các địa phương, những cánh đồng cấy một giống lúa đã khẳng định nhiều ưu điểm so với canh tác nhiều giống lúa khác nhau trong một khu đồng. Đáng nói, giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông cùng thời điểm nên lúa thụ phấn tốt hơn, không bị hiện tượng lẫn giống do hạt phấn phát tán bởi gió. Việc các địa phương quyết tâm thực hiện quy vùng sản xuất, cấy một giống lúa có bao tiêu sản phẩm đã nâng cao nhận thức của bà con nông dân về mọi mặt, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất giữa các hộ nông dân thông qua việc tổ chức canh tác tập trung, cùng áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trên diện tích cấy lúa. Tại các vùng quy hoạch các giống lúa chất lượng cao được lựa chọn gieo cấy, theo nhu cầu thị trường lúa gạo, xóa bỏ được tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tự sản, tự tiêu như trước đây. Từ đó nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày