Thứ 7, 11/01/2025, 05:59[GMT+7]

Đông Hưng: Đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch lúa mùa

Thứ 3, 17/10/2023 | 09:49:01
2,289 lượt xem
Trước đây khi vào vụ thu hoạch lúa các gia đình phải huy động tối đa nhân lực ra đồng gặt lúa bằng tay. Nhưng nay đã khác, trên khắp các cánh đồng của huyện Đông Hưng máy gặt đập liên hợp đã thay thế sức người, công việc của nhà nông vì vậy đã vơi bớt nhọc nhằn, vất vả, thu hoạch nhanh, chi phí giảm.

Cán bộ huyện, xã thăm, động viên công tác thu hoạch lúa mùa.

Vụ mùa này, gia đình ông Phạm Xuân Dung, xã Phú Lương cấy 2,7 mẫu ruộng. Ngày thu hoạch chỉ có mình ông cầm bao ra đồng. Ông Dung chia sẻ: Trước kia thu hoạch khổ lắm phải huy động nhiều người cắt bằng tay, thồ lúa về nhà, chờ máy tuốt đến tuốt. Một vụ có vài sào nhưng phải mất mấy ngày mới thu hoạch xong, còn cảnh chạy thóc vì đang phơi thì mưa cũng lắm gian nan. Giờ đây đến ngày mùa, tôi chỉ mang bao ra ruộng, máy gặt xong, thuê người chở về hội trường thôn, tổng phí chỉ hết khoảng 150.000 đồng/sào thay vì gặt tay mất tới 400.000 đồng/sào. Thu hoạch trong ngày là xong, thóc bán tươi cho thương lái, nhàn lắm. Có máy móc hỗ trợ 2 ông bà già chúng tôi mới dám nhận ruộng của những gia đình không cấy để sản xuất, không thì ngay mấy sào ruộng của nhà cũng khó mà kham nổi. 

Xã Phú Lương có gần 300ha cấy lúa. Để thu hoạch lúa nhanh gọn theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, trước vụ gặt địa phương làm việc với các chủ máy gặt địa phương chủ động gặt và mời máy gặt ở nơi khác về gặt lúa cho bà con bắt đầu từ ngày 4/10, đồng thời áp giá trần các chủ máy thu không quá 120.000 đồng/sào. Các chủ máy rất trách nhiệm còn tổ chức gặt đêm để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa cho bà con. Máy gặt đập liên hợp phù hợp với tất cả đồng đất, đáp ứng yêu cầu nhanh, rẻ của người nông dân, vì vậy ở Phú Lương hoàn toàn gặt bằng máy.

Sự xuất hiện của những chiếc máy gặt đập liên hợp tạo lên một sự biến đổi trên những cánh đồng vàng. Ngày mùa, nông dân không phải dạy từ sớm ra đồng gặt để tránh nắng nóng cũng không cần phải lo gặt đổi công hay chạy thóc khi có cơn mưa. Bởi vì toàn huyện đã có 350 - 400 máy gặt đang hoạt động hết công suất thu hoạch lúa cho bà con để bảo đảm kịp thời vụ, tránh mưa bão ảnh hưởng tới năng suất. Việc thu hoạch lúa vì thế nhanh gọn hơn. 

Bà Nguyễn Thị Hiền, xã Đô Lương chia sẻ:  Tôi cấy 2 mẫu lúa nhờ có máy gặt việc thu hoạch chỉ 1 ngày là xong. Từ khi có máy gặt đập liên hợp, thời gian thu hoạch lúa được rút ngắn nhiều, tôi cũng như bà con nông dân không phải lội xuống ruộng mà chỉ việc mang bao ra đầu bờ chờ máy gặt xong đưa thóc về nhà. Giờ thuê người gặt tay rất khó tiền công thì cao 300.000 đồng/ngày, vậy nhưng cũng không có người mà thuê, làm vất vả, gặt về còn phải tuốt, phơi, sẩy, nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian. Có máy gặt nhanh mà thóc sạch sẽ hơn.

Vụ mùa năm nay Đông Hưng đạt năng suất trên 60 tạ/ha.

Không chỉ có máy gặt của các chủ máy trên địa bàn huyện mà còn có nhiều chủ máy ở các huyện khác và tỉnh ngoài về cùng tập trung thu hoạch lúa cho bà con. Họ đều tuân thủ quy định của địa phương. 

Bà Nguyễn Thị Loan, chủ máy gặt từ Hải Phòng cho biết: Nhiều năm rồi tôi đều đưa máy về gặt cho bà con trên địa bàn huyện Đông Hưng. Tôi cho thợ gặt cả tối để bà con đưa lúa về nhà sớm tránh ảnh hưởng mưa bão và để giải phóng ruộng cho máy tiến hành cày lật đất, ủ rạ, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Chúng tôi thu 120.000 đồng/sào theo giá chung. 

Nhằm giảm chi phí sản xuất, khắc phục việc thiếu lao động và hạn chế tình trạng bỏ ruộng, tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho các hộ mua máy móc để thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp. Huyện Đông Hưng có gần 200 máy gặt được hỗ trợ kinh phí. Đến nay gần 100% diện tích đã được gặt bằng máy gặt đập liên hợp. 

Ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho biết: Một máy gặt đập liên hợp bán với giá trên 500 triệu đồng, cùng sự hỗ trợ của tỉnh nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn vay thêm vốn mua máy gặt cho gia đình và làm dịch vụ cho bà con. Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, hạn chế thất thoát trong quá trình thu hoạch. Vụ mùa này, gần đến lúc thu hoạch có mưa, gió to gây đổ một số diện tích lúa, bà con buộc dựng lại ngay, máy vẫn gặt được và vẫn là vụ lúa được mùa, năng suất đạt trên 60 tạ/ha.

Để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, các chủ máy tổ chức gặt tối tại cánh đồng xã Phú Lương. 

Những khâu nặng nhọc nhất, độc hại nhất của nhà nông như: bơm nước, làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy lúa và xay xát gạo… giờ đều đã có máy móc thực hiện. Hiện nay, khi nguồn lao động nông thôn đang thiếu, việc đưa máy móc vào toàn bộ quá trình canh tác lúa đang được huyện Đông Hưng đẩy mạnh để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, nông dân có thu nhập cao hơn mà không còn phải vất vả, chân lấm tay bùn như trước đây.

Hiếu Nghĩa

 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày