Thứ 3, 26/11/2024, 03:35[GMT+7]

Máy cuộn rơm - đa lợi ích cho nhà nông

Thứ 7, 28/10/2023 | 08:30:46
1,839 lượt xem
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa các khâu sản xuất của các địa phương đã có chuyển biến đáng kể, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Máy cuộn rơm thu gom phế phẩm rơm sau thu hoạch lúa đang mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do việc đốt rơm, rạ.

Mỗi ngày, anh Phạm Kim Chung, thôn 3, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) thu từ 300 - 400 cuộn rơm.

Thay vì đầu tư máy cuộn rơm chuyên dụng, anh Phạm Kim Chung, thôn 3, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) tận dụng máy làm đất sẵn có của gia đình, thay thế dàn xới phía sau bằng máy cuộn rơm để thu gom rơm. Vụ mùa này là vụ thứ hai anh thu gom rơm bán cho công ty. Ngơi tay với máy gặt khi mùa thu hoạch lúa mùa kết thúc, anh Chung lại tất bật bước vào vụ thu rơm. Anh cho biết: Thu gom rơm chỉ diễn ra trong thời gian nhất định nên tôi đầu tư 50 triệu đồng lắp đặt máy cuộn rơm vào đầu kéo máy làm đất, vừa tiết kiệm chi phí vừa nâng cao hiệu suất sử dụng máy làm đất. Máy hoạt động tốt trên cả nền ruộng khô và ẩm ướt. Cơ chế vận hành máy khá đơn giản, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuốn vào và được nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Sau đó, rơm được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động thành các cuộn to. Mỗi cuộn rơm hoàn thành trung bình chỉ trong gần 1 phút. Công suất thu gom rơm đạt từ 300 - 400 cuộn/ngày (tùy thuộc vào trữ lượng rơm, tính hoạt động liên tục của máy). Trọng lượng cuộn rơm có thể tùy chỉnh, thông thường tôi cuộn theo yêu cầu của đơn vị thu mua từ 15 - 17kg/cuộn. Ở vụ mùa, nếu thời tiết thuận lợi, ruộng sau thu hoạch 3 ngày rơm sẽ đạt độ khô theo yêu cầu của đơn vị thu mua.

Với giá bán 20.000 đồng/cuộn, mỗi ngày anh Chung thu 6 - 8 triệu đồng từ rơm, trừ chi phí, khấu hao, anh thu lãi 4 - 5 triệu đồng. Theo chia sẻ của anh, nhu cầu thị trường đối với rơm cuộn rất lớn. Với những cuộn không đáp ứng yêu cầu của công ty về độ ẩm, chất lượng rơm, anh sẽ bán cho các trang trại làm thức ăn chăn nuôi hoặc cung ứng cho hộ làm nấm, phân bón phục vụ trồng trọt.

Là chủ doanh nghiệp chuyên thu mua rơm được thu gom bằng máy, ông Mai Văn Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Uyên Tĩnh, xã Bình Định (Kiến Xương) cho biết: Mỗi ngày chúng tôi thu mua tại Thái Bình từ 12 - 16 tấn rơm. Do thời tiết mưa nhiều vào giai đoạn thu hoạch lúa nên chất lượng rơm kém, sản lượng thu mua cũng giảm hơn so với mọi năm. Rơm sau khi thu gom từ các chủ máy được công ty xuất khẩu sang một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... làm thức ăn cho trâu, bò hoặc nghiền làm chất xơ cho sản xuất cám; bán cho các công ty chăn nuôi làm thức ăn cho trâu, bò, dê... Thái Bình có diện tích đất gieo cấy lúa lớn, sản lượng rơm, rạ sau thu hoạch nhiều, chúng tôi cam kết sẽ thu mua không hạn chế về số lượng.

Tại Thái Bình, để tạo ra sản lượng 1 triệu tấn thóc, nông dân cũng tạo ra lượng rơm, rạ khoảng 1,2 triệu tấn, trong đó rơm khoảng 480.000 tấn. Bà Phạm Thị Hiên, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Với lượng rơm này nếu được thu gom toàn bộ và tạo giá trị thị trường có thể thu về từ 480 - 500 tỷ đồng/năm, tương đương 200.000 đồng/sào/năm, hoặc có thể làm thức ăn xơ thô cho khoảng 88.000 con trâu, bò (gấp 1,5 lần đàn trâu, bò hiện có của tỉnh), hoặc có thể sản xuất được khoảng 150.000 tấn nấm ăn với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng. Việc tận dụng rơm, rạ sau thu hoạch làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp khác có ý nghĩa lớn trong việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bảo vệ đất, môi trường sinh thái cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã phối hợp với các đơn vị triển khai hội thảo trình diễn máy cuộn rơm rạ đa lợi ích cho nhà nông. Vài năm trở lại đây, người dân đã mạnh dạn đầu tư mua máy cuộn rơm. Toàn tỉnh có khoảng 30 máy cuộn rơm các loại.

Từ phụ phẩm của cây lúa, giờ đây rơm trở thành hàng hóa. Tuy thu gom rơm mang tính thời vụ nhưng mang lại nguồn thu đáng kể, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 30 máy cuộn rơm các loại.


Ngân Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày